Người đưa vải dệt Thái xuất ngoại

Thứ năm, ngày 31/01/2013 06:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ giữ được nết chăm chỉ, khéo tay như bao phụ nữ dân tộc Thái ở Tây Bắc, chị Đèo Thị Hạnh còn là người đầu tiên đưa hàng dệt của người Thái xuất ngoại, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động.
Bình luận 0

Con gái Mường So chỉ lo may vá

Dệt vải, may vá, thêu thùa không chỉ là cái nết mà còn là công việc của bất cứ người phụ nữ Thái nào. Chính vì vậy, nhiều người bảo con gái Thái Mường So (huyện Phong Thổ, Lai Châu) chỉ lo may vá là thế. Ở cái tuổi 19, chị Hạnh lấy chồng người cùng bản.

Hai vợ chồng ra ở riêng với thu nhập chính từ mấy mảnh ruộng. Hàng ngày, sau công việc đồng áng, chị lại ngồi vào khung dệt vải, may vá. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình, chị Hạnh còn bán vải dệt cho bà con trong bản, ngoài xã để tăng thêm thu nhập.

img
Chị Đèo Thị Hạnh (bên phải) giới thiệu loại vải dệt từ sợi bông tự nhiên.

Những năm 1990-2000, anh Sinh - chồng chị còn tìm mối bán vải dệt thủ công sang thị trường Trung Quốc. Nhưng dệt vải, may vá vốn xưa nay chỉ là công việc thời vụ của đồng bào Thái, nên không đáp ứng được về sản lượng cho thị trường. Vì vậy mà xưởng dệt vải của gia đình chị ở thôn Tây An (xã Mường So) được hình thành và đi vào hoạt động cùng với sự ra đời của HTX bông, vải sợi cách đây mấy năm do chị làm chủ nhiệm.

Chị Hạnh chia sẻ: “Thị trường có nhu cầu rất lớn, nếu chuyên tâm làm nghề dệt thì thu nhập gấp nhiều lần làm ruộng - đó là phát hiện khiến vợ chồng tôi tìm hiểu và quyết định đầu tư mở xưởng dệt bằng máy công nghiệp…”. Nghĩ là làm, anh Sinh đã lặn lội sang các xưởng dệt bên Trung Quốc để học hỏi. Từ ngày có chiếc máy dệt mà vợ chồng chị đưa về lắp đặt, bông nguyên liệu trên đất Phong Thổ trở nên hút hàng, thu nhập của người trồng bông cũng tăng lên…

Hiện đại hóa nghề truyền thống

Với việc đưa máy công nghiệp vào nghề dệt vải, vợ chồng chị Hạnh là người đầu tiên ở huyện Phong Thổ hiện đại hóa nghề truyền thống. Có máy, việc dệt vải nhanh hơn, nhưng lại gặp vấn đề nan giải khác. Đó là việc bật bông vẫn phải làm thủ công nên rất chậm.

“Vợ chồng tôi lại phải mua thêm máy bật bông, cán và cuộn bông. Vốn đầu tư lớn mà chúng tôi lại chưa có tích lũy nhiều, nên năm 2006, tôi bàn với chồng thành lập HTX sản suất bông vải Trường Sinh để kêu gọi sự góp sức của 4 thành viên khác. Năm 2007, thông qua Ngân hàng CSXH, HTX sản xuất bông vải được vay 100 triệu đồng từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để đầu tư mua máy móc, thiết bị và lập xưởng dệt…” - chị Hạnh nhớ lại.

Xưởng dệt của HTX hiện có 4 máy dệt, 2 máy bật bông, 2 máy cán và 1 máy cuộn. Bình quân mỗi ngày, xưởng dệt ra cả trăm mét vải bông. Giá xuất bán mỗi tấm vải hiện nay dao động từ 390.000-400.000 đồng.

Có máy móc, để đáp ứng được nguồn hàng cũng như tạo thêm công ăn việc làm, HTX Trường Sinh lại phải tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng vận hành máy móc, thiết bị cho hơn 10 lao động và kỹ thuật dệt cho 60 hộ dân trong xã.

Vải dệt ra không chỉ bán cho các thương nhân Trung Quốc mà còn được đưa về các gia đình trong xã để thêu và làm hàng may mặc. Tính ra, hơn 10 lao động tại xưởng dệt có mức thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Còn các lao động nhận hàng về nhà làm gia công cho HTX có thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập không hề nhỏ đối với bà con huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Phong Thổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem