Người giữ chữ Thái cổ

Thứ năm, ngày 26/08/2010 10:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Sầm Văn Bình, bản Yên Luốn, xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An được biết đến như người hồi sinh tiếng Thái bản địa từ những cuốn sách cũ bị bỏ quên.
Bình luận 0
img
Anh Sầm Văn Bình bên những cuốn chữ Thái cổ.

Giữ báu vật của cha ông

Năm 1988, tốt nghiệp Đại học Hàng hải, không xin được việc, anh Bình khăn gói về quê làm đủ mọi nghề. Năm 2005, tham gia CLB văn học nghệ thuật huyện Quỳ Hợp, anh mới có điều kiện tìm hiểu về văn hóa người Thái ở thư viện huyện, tham gia viết bài cho các tạp chí, báo của Nghệ An.

Nhiều lần đi nghe dân ca Thái, lòng anh trăn trở. Cái hồn văn hóa Thái nằm trong những bài dân ca, làn điệu Nhuôn, Lăm, Khắp, Xuổi cổ... nay chỉ lưu lại một vài câu. Rất nhiều gia đình trong bản vẫn còn lưu giữ những cuốn sách thơ, làn điệu dân ca viết bằng tiếng Thái Lai-Tay cổ mà không thể đọc được.

Xã Châu Cường có 1.036 hộ, 5.063 khẩu thì 96% là dân tộc Thái. CLB học chữ Thái Lai do Ban văn hóa xã thành lập năm 2006, đến nay đã mở được 4 khóa học (3 tháng/khóa) với hơn 100 học viên mỗi khóa. Anh Bình là giáo viên và soạn giáo trình dạy và học chữ Thái duy nhất ở đây.

Anh Sầm Thanh Bình - cán bộ văn hóa xã Châu Cường

Lâu dần, những cuốn sách ấy bị mất hoặc mối mọt. Anh xót xa: “Phải tìm cách giữ lại những "báu vật" cha ông để lại, quyết không để cho vốn chữ Thái Lai-Tay của bản mình biến mất”. Lúc rảnh rỗi anh nhờ các già làng dạy cho cái chữ. Nhưng viết chữ Thái khó hơn anh tưởng. Ròng rã 3 tháng, anh mới có thể tách từng chữ, ghép các chữ cái thành từ tạo thành bảng chữ cái.

Rồi anh lặn lội khắp các xã trong huyện và các huyện Quế Phong, Quỳ Châu để… xin sách. Cuốn nào lành lặn, anh mượn đi photo. Cuốn quá cũ, không thể photo được, anh ngồi hàng giờ chép lại. Đến nay, anh đã sưu tầm được hơn 20 cuốn sách cổ, 40 quyển thơ chữ Thái với hơn 10 bài cúng mo và 50 bài dân ca Thái.

Viết sách, mở lớp

Anh hệ thống lại chữ cái Thái Lai cổ trong các sách chữ Thái đã sưu tầm. "Hệ chữ Thái Lai-Tay là một trong 5 hệ chữ Thái. Ở Tây Bắc có hệ Thái trắng và Thái đen. Nghệ An có ba hệ Thái Lai-Tay, Lai-Tao và Lai xứ Thanh. Tất cả các chữ thái đều viết ngang, riêng chữ Thái Lai-Tay đặc biệt hơn ở hình thức viết dọc như thư pháp". Anh hệ thống được 52 ký tự, “có ký tự đại diện cho 1 vần, 1 phụ âm kép hoặc 1 từ”- anh Bình cho biết.

Năm 2006, CLB học chữ Thái ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp) được thành lập để truyền dạy chữ Thái cho cán bộ, học sinh. Anh đăng ký biên soạn tài liệu tập huấn và giảng dạy. Từ năm 2004 - 2009 anh soạn gần như hoàn chỉnh bộ sách hướng dẫn học chữ Thái hệ Lai-Tay, gồm 2 tập "Học chữ Thái Lai xứ" và "Học chữ Thái Lai - Tay".

Ngoài ra anh còn hoàn chỉnh 5 cuốn sách khác, với nhiều gợi mở và giàu chất tư liệu gốc cho giới nghiên cứu chữ Thái trong vùng và trong cả nước, như: "Hệ chữ Lai xứ-Mường Ham"; "Hệ chữ Lai-xứ Thanh Hoá"; "Hệ chữ Lai-xứ Mường Mùn"; "Hệ chữ Lai-xứ Mường Muỗi"; "Hệ chữ Lai Pao", mỗi cuốn dày từ 110-120 trang.

Hiện nay, anh đang bắt tay vào biên soạn 7 cuốn sách (100 trang/cuốn) phục vụ cho đề tài khoa học cấp tỉnh được thông qua vào tháng 8-2009 về nghiên cứu, biên soạn và dạy chữ Thái Lai-Tay của huyện Quỳ Hợp. Đồng thời, anh còn tham gia việc đưa chữ Thái Lai-Tay lên mạng Internet để những người quan tâm có thể dowload về nghiên cứu. Anh có dự định phối hợp với ông Phan Anh Dũng cùng thực hiện dự án "số hóa" "Phần mềm đưa vào và hiển thị chữ Thái Việt Nam".

Chia tay chúng tôi, anh hy vọng những việc làm của anh có thể làm hồi sinh phần nào chữ Thái Lai-Tay bị mai một...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem