Người gọi chim trời

Thứ năm, ngày 14/02/2013 06:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhớ một hôm theo ông Kim Lân dọc đường Bà Triệu, đang đi ông cụ dừng lại nhặt một cành khô lăn lóc trên hè, quay ngang quay dọc một hồi trên tay rồi tấm tắc đẹp, nhà đang có cái lọ mắm sành người bên quê cho, ta mang nó về bỏ vào đó để lên nóc tủ.
Bình luận 0

Đi một đoạn nữa gặp đám đông xúm đen xúm đỏ xem người ta hạ mấy cái cây lớn trong một khu vườn. Một người quen đứng gần đấy ghé tai ông cụ bảo, người ta sắp phá ngôi nhà ở đây để xây cái gì to lắm. Đứng thừ một hồi, ông cụ thở dài, xây thì cứ xây nhưng xem ra có biết xây đâu, càng xây càng không coi được. Nghĩ cũng tài, sao họ phá đến thế mà tôi vẫn cứ thấy Hà Nội đẹp. Tôi nói là vì ông thương nó, tình thương bao giờ cũng cao hơn tình yêu, G. Apolinaire có câu, con tôi xanh nhưng nhìn kỹ lại hồng.

img
 

Tôi toan dắt tay ông sang bên đường tìm một chỗ nào có chén trà ngồi tạm nhưng ông phẩy tay bảo hôm nay anh phải đi đằng này với tôi. Đằng này của ông là một quãng phố hẹp, nằm khuất sau những phố lớn. Một bà già ngồi ở bậu cửa dáng Hà Nội gốc nhuần nhị, thấy chúng tôi đến thì đứng dậy, cụ và anh lại chơi, xin mời vào nhà. Ông Kim Lân vui vẻ, bà cứ cho ông con tôi ngồi cả ngoài này thích hơn. Lại sắp cho chim ăn nhỉ? Chúng nó cũng sắp về rồi đấy ạ.

Đàn sẻ từ đâu sà xuống mảnh hè trước mặt như một câu chuyện cổ tích. Bà già khẽ vung nắm thóc lên, vừa cho chim ăn vừa khẽ hỏi, cụ có thấy chúng nó đông thêm không? Ông Kim Lân gật đầu, nhìn những chú chim lích chích sán đến mổ thóc quanh chân mình ông buồn bã nói, tôi thua bà, con sáo nhà tôi xổ lồng bỏ đi mất rồi, nó đậu suốt buổi trên nóc nhà bên cạnh mà gọi thế nào cũng không chịu về. Biết đâu đấy ngộ có lúc nó lạc đến đây thì bà làm ơn cho nó ăn giùm tôi.

Cũng chỉ năm trước năm sau là ông cụ đi.

Ngoài cái bệnh gọi là bệnh già thì ông cụ đi cũng chả vì bệnh gì. Đến ngày cuối cùng vẫn tỉnh táo dặn dò con cháu mọi việc lớn nhỏ. Ông ngồi trên tấm phản lưng tựa tường mái tóc trắng phơ phơ. Dưới gầm phản là cái bình ô xy, lúc nào thấy ông ngáp nhiều thì cô bé giúp việc lập tức nhảy vào đóng vai bác sĩ, chụp nhanh cái phễu nhựa lên miệng để ông kịp thở.

Như một cử chỉ chia tay trân trọng, tôi bỏ ra một buổi đến ngồi bên ông. Hai ông con vốn hợp chuyện, mọi ngày không ông nói thì tôi nói, giờ ông im lặng nên tôi cũng im lặng. Khi đứng dậy, tôi dúi vào tay ông đồng bạc hai trăm ngàn, cháu chọn đồng này màu đỏ là để lấy may, dọc đường có lúc cũng cần có tiền đò giang. Ông cụ ngắm đồng bạc một cách thờ ơ, nom nó dài dại thế nào, như là tiền in trên giấy bóng, lo có lúc lại đói to chứ chẳng chơi. Thôi để bác sĩ mang về mua gạo nuôi con. Cô giúp việc cảm ơn rối rít, miệng nói tay xin. Ông là một nhà văn gần gụi nhất đối với tôi, những trang văn tuyệt vời và một nhân cách cũng tuyệt vời. Cả đời chả thấy làm thơ bao giờ, lúc sắp đi lại thòi ra một bài, nét chữ cũng không còn được cứng cỏi nữa, xiên xẹo hàng nọ xọ hàng kia.

Sau này mấy người con của ông có cho tôi xem tờ thơ đó, hình như bút pháp của ông từ hiện thực giờ đã chuyển sang siêu thực mất rồi. Loáng thoáng thấy có nhắc đến Bá Nha, Tử Kỳ từ xa xưa bên Tàu.

img
 

Lâu tôi cũng không có dịp trở lại chỗ ấy. Một chiều lang thang vô định, tôi đã lạc đến nhà bà, đến rồi mới nhớ ra đây là nơi mình từng ngồi xem một người gọi được chim trời. Nhà khóa cửa ngoài. Lại ngồi xuống bậc thềm như hôm nào. Phố xá đông càng đông, tiếng xe rồ máy thét còi, tiếng người gào gọi một mớ âm thanh rối mù rối mù như ong vỡ tổ. Tôi tự trách mình đến chậm. Tuổi già cánh lá trước heo may, ánh chiều lụi chớp mắt là tối.

Ngang chiều bà về, vừa thấy tôi bà nhận ra ngay:

- Tôi đã để anh đợi lâu.

- Quá trưa cháu mới đến, đang lo hay là bà vào nằm viện.

- Anh lo hay là tôi chết chứ gì, cứ ngồi đấy nhé, tôi chạy vào tìm túi thóc, lũ chim cũng sắp về, hôm nay đi chơi xa chắc chúng đói.

Lại như lần trước, đúng lúc bà vung tay ném thóc thì đàn chim cũng sà xuống. Chả cần gọi, chả cần ngẩng lên nhìn ngóng. Đàn chim lích chích nhảy nhót, còn bà thì lặng im ngồi, hai tay chống lên má. Tưởng như có một khoảng thinh không đang chụp lên chỗ chúng tôi đang ngồi. Khoảng thinh không nhỏ hẹp mà mở ra đến vô cùng. Bất chợt một con sáo từ đâu hiện ra, sự xuất hiện của nó mau lẹ khiến tôi ngỡ ngàng. Con sáo rụt rè giữa bầy sẻ. Tôi thấy bà đưa tay vào một túi vải khác tìm thứ mồi dành riêng ném ra cho nó, đó là nắm châu chấu đồng rang khô.

- Có phải nó là con sáo cụ Lân không bà?

- Nó đấy! Bà khẽ gật đầu. Hôm mới về đây ném thóc không thèm nhặt, tôi phải bóc vội một quả trứng luộc có sẵn trong nhà, cắt lấy một nửa đặt ở bậc thềm mong nó ăn tạm dầu vẫn biết rằng sáo chỉ quen ăn cào cào, châu chấu hoặc đứng trên lưng trâu bắt rận bắt ve. Nhưng nó chỉ đứng nhìn mà không thèm động mỏ vào cái lòng trứng đỏ au. Rồi nó bỏ đi. Buổi tối, tôi lên Đồng Xuân mua một túi thức ăn cho sáo, phấp phỏng lo nó không trở lại. Sớm mai khi đàn sẻ về một lát lại thấy nó. Tôi mừng quá. Giờ thì quen rồi, hứng lên đã thấy xòe cánh hót lảnh lót. Sớm nay nó vừa cùng bầy sẻ theo tôi lên chùa Trấn Quốc, tôi đi bộ còn chúng lộn đi lộn lại ríu rít trên cao. Tháng nào cũng vậy, rằm mùng một là chúng tôi vào chùa, muốn gặp anh cứ tìm lên đó, thì tôi cứ dặn sẵn thế.

Khi bầy chim đã bay đi, tôi hắng giọng:

- Cháu nghĩ bà nghe được cả tiếng chim nói gì?

- Ta là người trần gian chứ đâu phải thánh thần, chim chỉ kêu chứ không biết nói. Nhưng tôi biết lựa chúng, đừng để chúng sợ, phải chờ đợi cho chúng dạn dần, quen dần. Với các giống vật khác cũng vậy cả, có gì lạ lắm đâu, thiên hạ vô khối người làm được như tôi mà có khi còn hơn thế. Lòng tôi hiểu chúng và chúng cũng hiểu tôi, đâu cần nói ra lời, quanh quẩn suốt năm suốt tháng bên nhau không chán, vậy đã là bạn quý của nhau rồi. Sẻ già chết rục đâu đó, sẻ non lớn lên nhập đàn, những việc ấy nhìn vào luôn nên tôi dễ thấy.

- Sao bà biết con sáo này là con sáo cụ Lân ạ?

- Lúc sắp đi ông cụ đã dặn kỹ như thế, cho dù có là con khác chăng nữa tôi cũng cứ xem là của ông cụ gửi. Nhưng nó là con ấy đấy, tôi cảm thấy đúng là nó. Một đêm tôi nằm mơ gặp ông cụ đứng vật vờ đầu cầu sông Cái, nhìn thấy tôi thì cười váng, bà mà không nuôi nổi nó thì tôi bắt đền. Chả biết định bắt đền là bắt đền thế nào. Tôi nghe nói đám con cháu đã đưa ông cụ về bên Chợ Giàu để được gần cụ bà, chúng tôi vẫn mong có lúc kéo nhau sang thăm hai cụ lấy một lần, hiềm nỗi đường xa, thành thử thôi đành chứ biết làm sao.

Tôi lặng người nghe bà nói. Bằng tấm lòng của mình bà hiểu đàn chim, còn tôi dù có vụng dại cũng đủ hiểu được nỗi lòng của bà. Bà sinh ra để thương người, thương muôn loài chim muông cây cỏ. Một người đàn bà nặng lòng trắc ẩn.

img
 

Bà hẹn thỉnh thoảng rỗi lúc nào lại chơi lúc ấy, ngày rộng tháng dài bà còn nhiều chuyện muốn kể và bà khen tôi là đứa biết nghe. Tôi đứng dậy cảm ơn bà, lòng cộm lên nỗi thấp thỏm. Mấy năm nay người tử tế cạnh mình bỏ đi nhiều quá. Tôi lo sẽ đến một ngày khi tôi quay lại bà chẳng còn đứng đây nữa. Thế là đường phố mất đi một vẻ đẹp tưởng bình thường mà không dễ thấy. Và đời sống của thành phố vì thế mà cũng bị nghèo đi một chút trên phương diện tinh thần.

Nhà văn Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình, sinh năm 1944 ở huyện Việt Yên, Bắc Giang, lớn lên tại Bắc Ninh. Ông được Giải thưởng Nhà nước năm 2001, Giải thưởng Văn học Đông Nam Á năm 2004. Năm 2012, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông là một nhà văn giàu nhân bản và có một mối quan tâm nhất quán đến những gì thuộc về người Việt, làng Việt, gốc rễ văn hóa Việt. Nhiều năm qua, ông gắn bó thân thiết với Báo Nông Thôn Ngày Nay.

Nhiều khi nghĩ thấy như là ông Trời đang đùa con người ta vậy. Nó làm cho người ta cười chán, buồn chán rồi đến lúc cũng phải sáng mắt ra. Có những giá trị xã hội tưởng mười mươi phải là hết ý, phải là vô giá vậy mà với thời gian bỗng một hôm ai cũng phải giật mình tự hỏi sao nó lại thế nhỉ, sao lại có thể sa xuống một thảm cảnh ma bùn đến vậy. Từ đấy người ta không thể không ngẫm đến thân phận của chính mình, không thể không thấy cần phải biết trân trọng những cách sống ít thèm khát thôi, ít ồn ào thôi và cũng ít quan trọng thôi. Suy cho cùng cũng chả có gì quan trọng. Không có cái hiện hữu nào là bền vững cả, có chăng quan trọng chỉ là cái bóng mình để lại, trước hết là với những người thân sau là với đời. Cái bóng đẹp để thiên hạ lấy làm vui, cái bóng bẩn khiến người ta xấu hổ thay.

Sinh hoại là chuyện thường tình, có bao nhiêu cách sinh thì có ngần đấy cách hóa. Nhà Phật nói tứ sinh tứ hóa, ẩm sinh là khuẩn mốc từ ẩm ướt mà ra, khỏa sinh là cái cây để lại hạt, noãn sinh là con gà, con chim, con rắn đẻ trứng, thai sinh là cách sinh của trâu bò, chó lợn và người. Tất cả đang biến hiện. Tất cả vẫn đang có. Nó từ cái này chuyển sang cái kia chứ cũng chẳng phải là biến mất. Người ta gọi chung đó là sự sống bất diệt. Nhưng hình như trong sự biến diễn không ngừng ấy của muôn vật thì chỉ có người khi đã biến đi vẫn còn để lại bóng mình. Chỉ có điều cái bóng ấy đẹp thì sẽ bền lâu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem