Người Hà Nội và chuyện "ăn" bây giờ

Nguyễn Văn Ất Chủ nhật, ngày 11/06/2023 15:30 PM (GMT+7)
Người Hà Nội xưa không ai bạ đâu ngồi đấy mà ăn uống. Người ta vào quán xá có chỗ ngồi, mua quà của người bán rong người ta cũng gọi người bán "tấp" vào sát cửa nhà mình, hay mua rồi mang về nhà hoặc gói vào để đến chỗ kín đáo mới mở ra ăn.
Bình luận 0

Trong ký ức của những người sống ở Hà Nội (cái thời ấy cũng chưa xa lắm, chỉ vài ba chục năm thôi) cách ăn uống của người Hà Nội vẫn được coi là tao nhã, thanh lịch, là hình mẫu cho những người nơi khác nhìn vào, làm theo.

Người Hà Nội ăn uống thanh cảnh, nhưng cũng không quá cầu kỳ. Chẳng hạn miếng thịt ba chỉ luộc chín xong phải thái mỏng, nhỏ vừa phải; đi kèm với thịt luộc này phải có gừng thái chỉ, mấy củ lạc rang, bát mắp tép chưng… Ăn trứng kho hay trứng luộc không ai bỏ cả quả vào bát cơm mà phải cắt ra làm đôi, ăn từng nửa một. Ăn quả chuối hay bắp ngô cũng vậy, người ta bẻ đôi trước khi ăn. 

Người Hà Nội và chuyện "ăn" bây giờ - Ảnh 1.

Hàng quán bên vỉa hè phố Trấn Vũ. Ảnh: Nguyễn Văn Ất

Người Hà Nội ngay khi ăn ở nhà, trong một không gian nhỏ toàn những người thân (chứ chưa nói tới ăn nơi quán, xá trước đông người) cũng ý tứ: không ai và cơm chan canh lại để phát ra tiếng kêu "xoàm xoạp"; cắn quả cà phải ý tứ để không bắn toé hột ra ngoài; không ai bê cả bát canh hay bát nước rau to lên miệng tu đánh "xoạp" một cái. Ăn xong xỉa răng thì ý tứ khum nhẹ một bàn tay che bớt miệng…

Hà Nội xưa cũng có nhiều hàng quà rong, cả ban ngày cũng như ban đêm.

Đặc trưng cho quà tiết thu tháng tám là cốm Vòng với người bán là các bà, các chị áo dài tứ thân, thắt lưng, chít khăn mỏ quạ, đôi quang gánh nhẹ, lời rao nhẹ nhàng…Quà đêm là những xe đẩy bán cháo nóng, bánh bao, chí mà phù v.v. kèm những tiếng rao đã đi vào ký ức khó quên với những ai đã gắn bó với Hà Nội xưa.

Nhưng có một điều như đã thành "quy ước bất thành văn" là người Hà Nội xưa không ai bạ đâu ngồi đấy mà ăn uống: Người ta vào quán xá có chỗ ngồi, mua quà của người bán rong người ta cũng gọi người bán "tấp" vào sát cửa nhà mình, hay mua rồi mang về nhà hoặc gói vào để đến chỗ kín đáo mới mở ra ăn…

Nhưng những gì diễn ra hàng ngày với cái "sự" ăn của những người đang sống ở Hà Nội - thủ đô, thì những ai yêu, gắn bó mảnh đất này không thể dửng dưng, làm ngơ, đáng lấy làm buồn, nếu biết tự trọng không thể không xấu hổ.

Cư dân Hà Nội thời nay ăn uống "tạp" lắm. Xin khoan chưa bàn đến các món ăn ngày càng pha tạp, hỗn độn đến mức tạp pí lù kiểu như: gà nấu giả cầy, rau mồng tơi xào đẫm mỡ với tỏi, bánh nướng nhân cá, thịt chó dăm bông hun khói… mà chỉ xin nói đến "chỗ" ăn và cách ăn của cư dân Hà Nội bây giờ.

Trước hết nói về cái "chỗ" ăn. Phải nói ngay rằng rất nhiều người sống ở Hà Nội bây giờ ngồi ăn ở những chỗ bẩn lắm! 

Người ta có thể ngồi ăn ở bất cứ đâu: vỉa hè sát mép cống nước đen ngòm, rìa phố tơ hơ ngay ngã ba, ngã tư xe cộ nườm nượp phụt khói, ngồi ăn trên đống rác.

Có cảm giác như người ta đói, khát, thiếu ăn đến độ không cần biết đến mình đang ngồi ăn ở đâu! Tôi không nói ngoa, xin mọi người cứ dạo quanh một vòng: cuối phố Lý Quốc Sư nam thanh, nữ tú "đánh phệt" vỉa hè đầy giấy và rác "xơi" bánh gối; ngã ba Đình Ngang - Nguyễn Thái Học mọi người xì xụp miến lươn; dưới chân gầm cầu Long Biên người ta "thưởng thức" món lòng nướng…

Điển hình một thời phải kể đến khu vực xung quanh hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên. Sau khi con đường vòng quanh hồ hoàn thành, các con phố mới Trấn Vũ, Trúc Bạch và mé bên kia của đường Thanh Niên lẽ ra là nơi đi dạo, ngắm cảnh cho mọi người thì nơi đây trở thành "phố nhậu" hải sản, phở cuốn ồn ã và vô cùng mất trật tự. Mỗi khi chiều tà, dọc phố Trấn Vũ bàn ghế nhựa tràn hết ra vỉa hè và xuống cả lòng đường. Các xô, chậu chứa hến, nghêu ngao sống liền kề với từng đống vỏ cùng ruồi nhặng bu đầy… la liệt tanh tưởi bên cạnh các thực khách mặt phừng phừng, tay bóc vỏ nghêu sò, miệng không ngớt "dzô…dzô"! Người nào đi bách bộ qua đây vào giờ này không khác gì lạc vào chợ hải sản với đủ mùi hôi tanh và ruồi nhặng. Thế mà trông các thực khách ai cũng "nhậu" ngon lành như chưa bao giờ được thưởng thức nghêu sò và hình như có vẻ hãnh diện về sự "sành điệu" của mình. 

Người Hà Nội và chuyện "ăn" bây giờ - Ảnh 2.

Đường dạo quanh hồ Trúc Bạch. Ảnh: NVA.

Đối diện bên kia bờ là phố Trúc Bạch còn kinh khủng hơn! Suốt dọc vỉa hè ven hồ sát mép cống và mặt đường, chiếu được trải kín, trên chiếu là từng cụm, từng cụm bia chai, bia lon, đĩa nghêu ngao luộc sẵn, phở cuốn đã cuốn sẵn bày tơ hơ từ buổi chiều khi ánh nắng chưa tắt để hứng các ống bô ôtô, xe máy đúng tầm xịt khói vô tư, để ruồi muỗi và cạnh đấy là mấy chuồng gà chọi, mấy con chó tha thẩn mũi khịt khịt! Oách hơn có chiếu còn bày mấy bàn "lùn" cho thực khách ngồi "phệt" kiểu Nhật Bản! Giấy ăn, túi nilon, vỏ lon… tiện tay các "thượng đế" lẳng ngay xuống hồ. Mỗi khi đi qua cầu Ngũ Xã người ta phải bịt mũi, bước nhanh để tránh mùi xú uế bốc lên từ mặt hồ Trúc Bạch ở khu vực này đóng váng đậm đặc đen kịt.

Tất cả những gì ở ven hồ Trúc Bạch phía phố Trấn Vũ, phố Trúc Bạch cũng chưa là gì so với ven hồ này phía đường Thanh Niên. Buổi tối ở đây chiếu được trải kín vỉa hè lối đi cho các mâm nhậu mực nướng với bia hoặc "cuốc lủi".

Chiều tà, cả vỉa hè ven hồ Trúc Bạch không khác gì đám "việc làng" ở sân đình nhà quê thời xa xưa: nhốn nháo, ồn ã, xô bồ. Chỉ khác "việc làng" ngày xưa ở nhà quê chỉ gồm cánh đàn ông quê mùa "áo nâu xồng, quần ống sớ", thiếu, đói, cả năm mới được miếng thịt, nắm xôi thì đây toàn "nam thanh, nữ tú", đi xe máy đời mới, xe hơi xịn.

"Sản phẩm" của những chiếu nhậu này là từng đống, từng đống rác, vỏ ốc, vỏ nghêu, vỏ dừa nằm chềnh ềnh trên các con phố này đến tận sáng hôm sau. Các bờ dậu vườn hoa, công viên ở đây trở thành chỗ phơi khăn lau mồm của các quán sau khi khách đã dùng. Sau nhiều lần ra quân của cơ quan chức năng, việc này cũng đã hạn chế.

Để quán ăn nhậu tràn ngập vỉa hè, xả rác đầy đường phố lỗi của các chủ quán một thì lỗi của những người có trách nhiệm phải là hai, là ba! Có những việc chúng ta cần tuyên truyền, thuyết phục, nhưng có những việc sau khi tuyên truyền, vận động thì phải có biện pháp "chuyên chính" làm đến nơi đến chốn.

 Tôi hiểu không có việc gì là dễ cả, nhưng có thật là khó lắm không, khó đến độ không thể làm được không? Với tình cảm của một người gắn bó với Hà Nội, yêu Hà nội vô cùng, hy vọng. Mong mọi người hãy nhìn thẳng vào những gì chưa hay, chưa đẹp của những con người sống trên mảnh đất thân yêu này để cùng góp tiếng nói và quan trọng hơn là cùng hành động để loại bỏ chúng, để đến lúc mỗi ai sống ở Hà Nội cũng ứng xử (trong đó có ứng xử trong ăn uống) thanh lịch, và tự hào mình là người Tràng An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem