Người H’Lăng gìn giữ điệu chiêu cổ

Thế Khôi Thứ ba, ngày 09/09/2014 14:14 PM (GMT+7)
Trải qua bao đổi thay, nhất là trước sự du nhập của các loại hình nghệ thuật hiện đại, đồng bào H’Lăng ở xã biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa quý giá của cộng đồng là điệu múa chiêu cổ vô cùng độc đáo.
Bình luận 0

Ngày mưa chỉ tập múa thôi

Cách trung tâm thành phố Kon Tum chừng 60km, xã Rờ Kơi nằm giáp ranh với nước bạn Lào. Nơi đây có hơn 90% dân số là người dân tộc H’Lăng, bà con chủ yếu sống bằng nghề đi rừng, làm rẫy. Chúng tôi tìm đến nhà già làng A Linh (75 tuổi, ở làng Đăk Đe) để nghe kể về câu chuyện hiếm gặp ở làng khi mà cả người già lẫn người trẻ đều tham gia học múa chiêu. Già A Linh chia sẻ: “4 năm trở về trước, khi âm nhạc và các điệu nhảy hiện đại du nhập về các thôn, làng thì điệu múa chiêu dường như thưa dần và nhường chỗ cho các điệu nhảy trẻ trung, sôi động. Cả làng chỉ có Nghệ nhân Y Run là người múa chiêu giỏi nhất của xã, cũng là người tiên phong trong phong việc lưu giữ và truyền dạy lại điệu chiêu truyền thống đến với các thế hệ trẻ”.

Trước thực trạng điệu múa truyền thống dân tộc ngày càng xa rời với văn hóa của người H’Lăng, năm 2010, Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Sa Thầy đã phối hợp với Huyện đoàn và cấp ủy, chính quyền xã Rờ Kơi mở lớp học và truyền dạy nghệ thuật dân gian, trong đó có điệu múa chiêu. Y Huk (27 tuổi, làng Đăk Đe) nhớ lại những ngày đầu tham gia học múa: Chương trình học chỉ vẻn vẹn một tuần và đã thu hút đông đảo chị em phụ nữ không những trong làng mà các làng khác cùng tham gia.

Theo lời già A Linh, điệu múa chiêu rất phổ biến trong cộng đồng của tộc người H’Lăng và chỉ xuất hiện ở những lễ hội như lễ mừng cơm mới, lễ mừng sức khỏe cộng đồng... Đây là điệu múa nghi lễ từ thời xa xưa, biểu hiện sự thành kính của dân làng đối với các vị thần linh. Điệu múa được xem như hồn dân tộc và là phương tiện giao tiếp của con người với thần linh, tổ tiên, ông bà.

Lớp già đua lớp trẻ

Rời nhà nghệ nhân Y Run, chúng tôi tới nhà Nghệ nhân Y Thông (45 tuổi, làng Đăk Đe). Nghệ nhân Thông cho hay, múa chiêu cần có tiếng cồng chiêng nếu không sẽ rất khó học, một người học liên tục trong 3 – 5 ngày mới biết múa điệu cơ bản. “Trong các điệu múa chiêu thì kỹ thuật di chuyển từng bước chân là động tác khó và quan trọng nhất. Bởi người múa phải nhịp nhàng điều chỉnh mũi bàn chân và gót chân xoay đều 80 độ nhưng không được để bàn chân rời khỏi mặt đất”.

Theo các nghệ nhân nơi đây, kỹ thuật múa chiêu trong lễ hội và đám ma khác nhau về động tác tay. Ví như bài chiêu trong lễ hội, dù xoay về hướng nào thì hai cánh tay của người múa cũng giữ nguyên tư thế đưa vòng ra trước ngực, lòng bàn tay hướng vào trong, các đầu ngón tay chạm nhau. Còn bài chiêu trong đám ma, hai tay người múa phải dang rộng tấm choàng, giống như cánh bướm dập dìu, bay lượn…

Chia sẻ với phóng viên, A Hang (25 tuổi, làng Kram) tâm sự: “Người trẻ quan niệm múa chỉ dành cho phụ nữ thôi, nên khi thấy các chú, các anh cứ đua nhau tập cứ nhìn vào mình mắc cỡ lắm… Nhưng giờ mọi người trong làng ai cũng học múa hết rồi, mình đã tham gia học và thấy rất vui vì đã góp phần lưu giữ hồn dân tộc của đồng bào H’Lăng rồi”.

Phấn khởi khoe thành tích, A Khom – cán bộ văn hóa xã hội xã Rờ Kơi nhấn mạnh: “Trong các buôn làng người H’Lăng, ai cũng có thể múa chiêu. Đến nay, mỗi làng đều có 20 – 30 người múa chiêu giỏi, thậm chí lớp người đã trung tuần tuổi vẫn hăng hái tập luyện để bắt kịp nhịp với lớp trẻ”.

  Trong các điệu múa cổ của người H’Lăng thì chiêu là điệu múa được kết hợp cho cả hai giới, nên chiêu mang tính cộng đồng cao, được coi là điệu múa mở. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem