Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt

Thảo Quyên Thứ ba, ngày 16/08/2022 11:09 AM (GMT+7)
Được truyền tình yêu và lửa nghề từ bố, anh Trần Hồng Đức, con trai của “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc tiếp tục “thổi hồn” làm hồi sinh những chiếc quạt cổ.
Bình luận 0

Người "hồi sinh" những chiếc quạt cổ

Nhắc đến quạt cổ, không thể không nhắc đến ông Trần Công Phúc (Hà Nội), một người thợ tài hoa với khả năng "hồi sinh" rất nhiều loại quạt cổ có nguồn gốc ở châu Âu và cũng là người sở hữu "kho báu" quạt có niên đại cả trăm năm được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận.

Tuy ông Phúc đã ra đi được 5 năm nhưng người con trai của ông là anh Trần Hồng Đức cùng hai người thợ tiếp tục kế thừa và "thổi hồn" để hồi sinh những chiếc quạt cổ, giúp cho những chiếc quạt vốn cũ kỹ trở về đúng nét đẹp và giá trị vốn có ban đầu.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 1.

Sự hiện diện của cửa hàng nhỏ chứa đầy những chiếc quạt cổ là bức tranh hoàn toàn đối nghịch với những gì diễn ra bên trong con phố Tạ Hiện, nơi được mệnh danh là "thiên đường giải trí" nức tiếng tại Hà Nội. Ảnh: Thảo Quyên.

Chỉ vào bộ sưu tập quạt cổ trước mặt, anh Đức "khoe" với khách: "Những chiếc quạt cổ này đều là gia tài mà bố tôi để lại, để có được nó, bố tôi đã phải dày công tìm kiếm và sưu tập những chiếc quạt cũ hỏng có tuổi đời lâu năm từ khắp các nơi. Ông "mê" quạt cổ đến mức, hễ nghe thấy ở đâu có là ông tìm cách mua lại bằng được".

Anh Đức cho biết, năm 1958 khi mới 17 tuổi, ông Phúc vào làm việc tại nhà máy xe lửa Gia Lâm và bắt đầu bằng nghề thợ hàn áp lực. Vốn sinh ra trong gia đình truyền thống hiếu học, năm 1964 ông theo học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Học hết năm thứ 3, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông Phúc tạm nghỉ học vào miền Trung tham gia công cuộc giải phóng miền Nam với công việc sửa chữa, khôi phục lại tuyến đường sắt Bắc Nam bị địch đánh phá.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 2.

Ông Trần Công Phúc đã bỏ bao tâm huyết, đi khắp nơi sưu tầm quạt cổ để có được "gia tài" khủng như bây giờ. Ảnh: Thảo Quyên.

Xuất thân là công nhân nghề cơ khí cộng thêm việc được tiếp cận với nền văn hóa phương Tây khi còn trong giảng đường đại học nên ông Phúc có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê sưu tầm quạt cổ của mình. Đầu những năm 1990 ông nghỉ hưu, bắt đầu chuyên tâm vào công cuộc phục chế và sửa chữa những chiếc quạt cổ tưởng chừng như không còn giá trị sử dụng.

Anh Đức thổ lộ, nghề phục chế quạt đến với anh rất tự nhiên. Thủa nhỏ, anh đã được chứng kiến đôi bàn tay tỉ mẩn, mải mê sửa những chiếc quạt cổ lỗ sĩ của bố, mỗi khi thấy bố cặm cụi sửa quạt, anh Đức thường ngồi cạnh quan sát rồi phụ giúp bố những công việc lặt vặt.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 3.

Với tài năng và công sức sưu tập của mình, năm 2012, ông Phúc từng được ghi danh trong "kỷ lục Guinness Việt Nam". Ảnh: Thảo Quyên.

Năm 18 tuổi, anh chính thức có thể tự mình sửa hoàn chỉnh một chiếc quạt. Cứ thế, tình yêu lớn dần theo năm tháng, niềm đam mê phục chế quạt "bén rễ" trong anh lúc nào không hay.

Không chỉ anh Đức, anh Nguyễn Văn Ngọc cũng là người được chính tay ông Phúc đào tạo. Vừa cặm cụi mài chiếc ốc, anh Ngọc vừa nói: "Từ khi 18 tuổi, tôi đã theo học thầy. Tôi có thể ngồi lì cả ngày chỉ để tìm tòi, khám phá ra cách phục chế quạt. Dần dà, tôi phát hiện ra bản thân thật sự hứng thú và yêu thích công việc phục chế quạt nên đã theo đuổi đến tận bây giờ".

Người thợ một lòng với nghề

Dòng máu của người thợ phục chế quạt chảy trong tim, cộng với lời dặn dò của bố ngày trước vẫn luôn canh cánh khiến anh Đức bám nghề đến tận bây giờ.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 4.

Tiếp nối "ngọn lửa" nghề từ ông Phúc, hàng ngày, anh Đức cùng 2 người thợ vẫn say sưa, cần mẫn phục chế những chiếc quạt cổ. Ảnh: Thảo Quyên.

Tuy bận rộn với công việc của một cán bộ trên phường nhưng thường ngày, anh Đức vẫn dành thời gian tham gia sửa chữa quạt cùng thợ. Nói về công việc phục chế quạt, anh Đức cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình phục chế là việc thiếu linh kiện lắp ráp.

"Mỗi chiếc quạt đều có cấu tạo, đặc tính khác nhau nên không hề dễ dàng trong việc tìm kiếm đúng linh kiện của nó. Nhiều khi linh kiện của 2, 3 chiếc quạt tháo ra chỉ đủ để khôi phục 1 chiếc quạt, cũng có lúc tôi mất cả tháng trời mới tìm ra linh kiện thay thế.

Ngoài ra, việc phục hồi đơn chiếc từng cái một cũng là một khó khăn. Việc này đòi hỏi người thợ phải làm thủ công bằng tay, người có trình độ cao mới có thể làm. Phục hồi đúng từng chi tiết, mất cái gì thì phải làm cái đó. Lắm lúc không có linh kiện phải chờ có khi đến cả tháng mới tìm ra được", anh Đức chia sẻ thêm.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 5.

Những chiếc quạt đã hỏng qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ vừa được khôi phục chức chạy bền bỉ, vừa trông "điệu nghệ" hơn. Ảnh: Thảo Quyên.

Quán của anh Đức có vị trí đắt đỏ, nếu muốn, anh có thể cho thuê hoặc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác với thu nhập 60 - 70 triệu một tháng. Thế nhưng bằng lửa nghề luôn rực cháy, anh vẫn "một lòng" giữ nghề truyền thống của gia đình bởi đó là đam mê, công sức cả đời mà bố anh để lại.

"Giờ cái nghề này chẳng còn nhiều người theo, vì vậy mà tôi không thể để nghề mai một được. Tôi không những quyết tâm duy trì cửa hàng mà còn muốn cả đời con cháu tôi sẽ tiếp nối", anh Đức tâm sự.

Người kế thừa gia tài từ “ông vua quạt cổ” tiết lộ điều bất ngờ xoay quanh việc phục chế quạt - Ảnh 6.

Tâm huyết với nghề truyền thống của cha, anh Đức xác định phải cố gắng bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề quý. Ảnh: Thảo Quyên.

Đến nay, dù ông Phúc đã mất được 5 năm, nhưng cánh cửa căn nhà số 2 Tạ Hiện vẫn được mở đều đặn mỗi ngày. Không chỉ duy trì tốt cửa hàng, anh Đức còn đào tạo thêm thợ làm cùng. Trong không gian  25 m2, họ vẫn cặm cụi, cần mẫn phục chế những chiếc quạt cổ từ kinh nghiệm được ông Phúc truyền lại.

Theo anh Đức, để bám nghề, người thợ ngoài biết những kỹ năng cơ bản còn phải thật sự đam mê với nghề. "Yêu thích nghề mới nỗ lực giữ được nghề" - anh Đức tự nhìn nhận một cách đầy thực tế và cũng xem đó là "kim chỉ nam" để tiếp tục phát triển nghề phục chế quạt trong tương lai.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem