Người Khmer làm giàu

Thứ tư, ngày 24/08/2011 14:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi về Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng)- xã nghèo đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, 134 nơi có hầu hết đồng bào Khmer sinh sống và nhận thấy cuộc sống của người Khmer Phú Mỹ đang ngày một khởi sắc...
Bình luận 0

Thay áo mới

Sau nhiều năm thực hiện Chương trình 135, Phú Mỹ đã tập trung xây dựng hàng chục hạng mục công trình cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu như 2 công trình điện khí hoá nông thôn, 7 công trình giao thông nối liền các ấp dài hơn 30km, 9 công trình cầu bê tông thay cầu khỉ, 2 công trình nước sạch, 4 công trình thuỷ lợi… cùng hệ thống trạm y tế; trường mẫu giáo, 3 điểm trường tiểu học được xây dựng khang trang… với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng.

img
Thu hoạch dưa hấu ở Phú Mỹ.

Đi đôi với đầu tư cơ sở hạ tầng để phát tiển sản xuất, Phú Mỹ còn thực hiện tốt chính sách nhà ở cho người nghèo đang gặp khó khăn về nhà ở và nước sinh hoạt, trong đó đã xây dựng mới 150 căn nhà tình thương, hỗ trợ lu chứa nước sạch, khoan giếng nước ngầm.

Ông Trần Quang- Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ nói: "Phú Mỹ có được như hôm nay là sự cố gắng vượt bậc của chính quyền và nhân dân, song quan trọng hơn cả là các chương trình 135, 134, dự án nâng cao đời sống nông thôn lồng ghép…đã góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống. Đến nay xã cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 18%".

Ngoài ra, 85% số hộ dùng điện lưới quốc gia, 75% hộ có nước sạch sử dụng, có hơn 90% hộ có phương tiện nghe nhìn; 6/7 ấp được công nhận là ấp văn hoá…

Nỗ lực xoá đói, giảm nghèo

Tính đến nay, Phú Mỹ đang áp dụng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống của người dân. Trong số đó, phải kể đến mô hình bò lai sind, nuôi trùn quế. Anh Lý Tâm, một người Khmer ở ấp Bưng Cốc cho biết: "Trước đây gia đình tôi rất khó khăn, từ khi nhận nuôi một bò sữa và sau đó được vay được ngân hàng để mua thêm 2 con bò lai sind, nhờ đó gia đình tôi đã thoát nghèo có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm".

UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định đầu tư khoảng 130 tỷ đồng để thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2015. Với số vốn này, tỉnh Sóc Trăng sẽ xây dựng 22 xã đạt 19 tiêu chí về nông thôn mới.

Trồng trọt cũng là thế mạnh của Phú Mỹ. Cả xã có trên 200ha màu trồng các loại, được trồng luân canh, xen canh áp dụng màng phủ nông nghiệp, IPM cho cây màu, bón phân cân đối, phân sinh học, sử dụng thuốc bốn đúng và quan trọng nhất là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Anh Lý Quảng, ở ấp Béc Tôn nói: "Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật, nên năng suất cây trồng khá cao, giá cũng được, nên chúng tôi có lãi khá cao từ 45 - 50 triệu đồng/ha/vụ".

Về Phú Mỹ, điều mà chúng tôi ghi nhận được là sự thay đổi nhanh chóng nhiều mặt của vùng đất nơi này. Theo ông Trần Quang: "Đó là vì, các chính sách của Nhà nước đối với bà con người dân tộc Khmer đã đi nhanh vào cuộc sống, nâng cao niềm tin vào đường lối, chủ trương Nhà nước, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng phum sóc làng quê ngày càng phát triển. Với đà thắng lợi đó, trong một tương lai không xa Phú Mỹ sẽ sớm trở thành một xã nông thôn mới".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem