Kết thúc năm 2014, Hội ND TP.Đà Nẵng có nhiều niềm vui, trong đó có niềm vui lần đầu tiên được nhận Cờ đơn vị dẫn đầu thi đua khu vực miền Trung – Tây Nguyên của T.Ư Hội NDVN; lần đầu tiên nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ trong khối Mặt trận – đoàn thể của TP.Đà Nẵng… Cũng trong năm 2014, lần đầu tiên, Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của Hội ND TP.Đà Nẵng tăng trưởng ở một tỷ lệ khó tin: 1.880% (18 lần) so với chỉ tiêu đề ra. Trong tuần đầu tiên của tháng 1.2015, Thành hội đã huy động đạt 100% chỉ tiêu Quỹ HTND đề ra cho cả năm 2015. Đối với một thành phố chỉ có 42.000 hội viên ND, đây là kết quả đáng ngưỡng mộ.
Sáng tạo và cá tính
Ông Nguyễn Phú Ban (bên phải) tặng quà và động viên gia đình bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) có tàu bị Trung Quốc đâm chìm ngày 26.5.2014.
“Cá tính” là một yếu tố dễ nhận biết ở ông Nguyễn Phú Ban, một lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang về làm Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng từ năm 2010. Với tư cách người đứng đầu Ban Thường vụ Hội ND TP.Đà Nẵng, những suy nghĩ và việc làm của ông không giống với nhiều người, nhưng hợp lý và có hiệu quả thiết thực. Chẳng hạn, dạy nghề cho hội viên ND, theo ông Ban là ưu tiên dạy ngay tại khu dân cư, nơi người dạy nghề đang sinh sống, làm ăn. Mùa nào dạy nghề đó. Chẳng hạn nghề làm nấm thì dạy từ tháng 8 trở đi để nấm có điều kiện phát triển mạnh; nghề hoa cây cảnh vào những tháng cuối năm đúng với thời vụ sản xuất hoa tết... Ông coi trọng thực hành, bằng cách lấy ND dạy ND (học viên lớp trước dạy lớp sau); hình thức dạy là cầm tay chỉ việc. Ngoài ra, trong quá trình dạy, vận động hội viên ND hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp nhằm giúp hội viên, ND liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa. Dạy đến đâu cho ND vay vốn đến đó, để họ có điều kiện ứng dụng sản xuất. Cách làm của ông được đánh giá là hiệu quả, nhờ vậy mà tập hợp được hội viên.
Ông Ban cũng vui vẻ đi chiếc ô tô “cọc cạch” Toyota Corolla đời 97 để Thành hội dành mỗi năm 1 tỷ đồng mua Báo Nông Thôn Ngày Nay đưa về tất cả các chi, tổ hội. “Tôi coi trọng nhận thức. Có nhận thức đúng thì mới có hành động đúng. Báo Nông Thôn Ngày Nay là một kênh thông tin quan trọng để giúp cán bộ, hội viên ND Đà Nẵng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm, qua đó có đóng góp tốt hơn cho công tác hội” – ông Ban chia sẻ quan điểm.
Khao khát đem lại lợi ích cho hội viên
Ông Ban không nề hà việc khó, bởi “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?”. Và ông không thích tuyên truyền suông. “Nếu không có quyền lợi đi kèm sẽ không thu hút được hội viên cũng như không giữ chân được hội viên”. Ông cho khảo sát và có văn bản xin TP.Đà Nẵng cho hội viên ND được sử dụng những dự án còn đất trống để ND sản xuất. Hàng trăm hội viên nhờ động thái này mà có đất làm ăn, sản xuất kinh doanh trở thành tỷ phú. Những tỷ phú hoa cây cảnh trên đường Lê Thanh Nghị (quận Hải Châu) là một ví dụ. Ông cũng vừa xin cho hội viên được bán hoa miễn phí tại 63 lô gian hàng trong dịp Tết Ất Mùi (đỡ cho bà con 200 triệu đồng tiền thuê mặt bằng). Thành phố cũng vừa đồng ý đề xuất của ông chi ngân sách mua hoa của hội viên ND để trang trí những dịp lễ tết. Hội ND thành phố cũng đứng ra thế chấp với Trung ương Hội NDVN để Chi hội đánh bắt xa bờ Xuân Hà (Thanh Khê) được vay 500 triệu đồng đầu tư cho chuyến ra khơi trong chuyến biển giáp Tết Ất Mùi này.
Khao khát đem lại quyền lợi cho hội viên ND, nên ông coi việc Ban Bí thư có Kết luận 61 và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 673 là cơ hội vàng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội ND. Trong khi có tỉnh, thành đến nay mới bắt đầu triển khai 2 “bảo bối” này thì Thành hội Đà Nẵng đã tiến hành sơ kết 5 năm Kết luận 61 và 3 năm Quyết định 673. Nhờ vận dụng sáng tạo 2 “bảo bối” này, Quỹ HTND TP.Đà Nẵng của Thành hội tăng vọt từng năm, có năm tăng đến 18 lần. Không chỉ UBND thành phố mà UBND các quận, huyện cũng ghi vốn hàng năm cho các cấp Hội. Từ nguồn quỹ này, mỗi năm, hàng ngàn hội viên ND được vay vốn làm ăn, thoát nghèo, hội viên mới không ngừng tăng. Công tác phối hợp hoạt động giữa Hội ND và các cơ quan liên quan trở nên sôi nổi, đa dạng, phong phú.
“Năm 2013, Thành hội mạnh dạn đứng ra xin đầu tư độc lập một dự án (dự án cải tạo vườn tạp) và đã thành công, được UBND thành phố tín nhiệm, đầu tư ngân sách để Hội tiếp tục thực hiện qua các năm 2014, 2015. Với chương trình này, chúng tôi muốn chứng tỏ một điều rằng cán bộ hội không chỉ giỏi tuyên truyền, vận động mà còn giỏi thực tiễn không khác gì những cơ quan chuyên môn” – ông Ban nói.
Thu hút cả những hội viên ở đô thị
Quan điểm
Ông Phạm Quý - Trưởng ban Dân vận TP.Đà Nẵng
Năm 2014, Hội ND TP. Đà Nẵng thể hiện là một tổ chức Hội năng động, được điều hành bởi một thủ lĩnh sáng tạo và cá tính”.
Theo ông Ban, đất nước đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nông nghiệp, nông thôn, ND thu hẹp từng ngày nhưng chỉ đạo ở trên vẫn còn nặng về nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, nhiều đô thị không còn nông nghiệp nữa (không còn trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt…). “Rất nhiều phường, quận hiện nay không còn nông nghiệp, nếu cấp ủy ở đó không có nhận thức đúng thì Hội ND ở đó sẽ không tồn tại” – ông Ban cảnh báo. Đây là một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước.
Ngay cả Đà Nẵng, tới đây huyện nông thôn duy nhất của thành phố này (Hòa Vang) sẽ lên quận, lúc đó nông nghiệp, nông thôn không còn hoặc chỉ còn rất nhỏ, lúc đó Thành hội sẽ đi về đâu? Đây thật sự là điều ông Ban trăn trở. Vì thế những năm qua, ông Ban đưa ra khái niệm ND đô thị, hội viên đô thị. Ông Ban mở rộng kết nạp hội viên không phải là ND. “Bất cứ công dân nào, làm bất cứ ngành nghề gì pháp luật không cấm, đủ 18 tuổi trở lên, có nguyện vọng và tự viết đơn vào Hội sẽ được kết nạp hội viên Hội ND. Như vậy Hội ND trở thành tổ chức chính trị – xã hội của hội viên ND chứ không đơn thuần là của ND” – ông Ban phân tích. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ hội viên của Hội ND TP.Đà Nẵng là người lao động thành thị, công nhân viên chức, cán bộ nghỉ hưu.
“Có thể một ngày nào đó, Hội ND TP.Đà Nẵng không còn nữa hoặc còn nhưng dưới một hình thức khác, nếu điều đó là có thật cũng phù hợp với quy luật phát triển, và chúng tôi - những cán bộ hội, không lấy đó làm buồn, vì chúng tôi đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình với Hội” - ông Nguyễn Phú Ban chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.