Người Kinh Bắc mê vật

Thứ tư, ngày 08/02/2012 16:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xuất xứ từ nông thôn và có truyền thống từ bao đời nay, vật được coi là môn thể thao “quốc hồn, quốc túy” của người Việt. Cũng không phải ngẫu nhiên, Bắc Ninh được coi là đất vật Kinh Bắc.
Bình luận 0

Quên việc nhà vì mê vật

Về Đền Đô (làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), chúng tôi gặp lại nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn, một người con của đất Kinh Bắc mà chúng tôi vẫn hay gọi đùa ông là “nhà Đền Đô học”.

img
Đấu vật là môn thể thao được nhiều người dân Bắc Ninh yêu thích.

Nói chuyện về vật, ông Thìn bảo, người Bắc Ninh nói riêng và người Việt nói chung say mê đấu vật bởi đấy không đơn thuần là một trò chơi dân gian, một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe, tạo không khí sôi động mà còn là sự gắn kết văn hóa cộng đồng, mang đậm bản sắc tinh thần thượng võ của người Việt.

Từ xưa đến nay, miền đất Kinh Bắc trọng văn nhưng chưa bao giờ khinh võ nên luôn có hội vật. Xưa, hội vật là dịp để Nhà vua tuyển chọn, tìm kiếm võ tướng giỏi, nay là hoạt động tái hiện bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và nâng cao truyền thống yêu nước, nhớ nguồn.

Ở Bắc Ninh, những người yêu vật đến… quên cả việc nhà chẳng phải hiếm. Điển hình như ông Dương Văn Sản ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tuổi đã ngoại lục tuần, nhưng cứ ra đường là nhìn… “khoang khoáy” xem anh chàng này, cô nàng kia có tố chất trở thành đô vật được không. Mấy chục năm say mê với vật, ông Sản thậm chí còn mở cả sới vật ở nhà cho thỏa chí tang bồng.

Trò chuyện với lão nông mê vật này, ông cười hiền bộc bạch: “Tôi yêu vật đến quên cả việc nhà, cũng may bà xã và các con hiểu được niềm đam mê nên tôi có đủ điều kiện và thời gian cống hiến cho vật”.

Chẳng riêng huyện Tân Yên, ở Bắc Ninh còn vô số sới vật nổi tiếng như Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), Mẫn Xã (Yên Phong), Việt Hùng (Quế Võ), Tri Nhị (Gia Bình)… Đấy là chưa kể hàng nghìn đô vật “ngọa hổ, tàng long” trong vai trò là những người nông dân.

Giải to chỉ là chuyện nhỏ

Bất cứ lễ hội nào ở Bắc Ninh cũng không thể thiếu vật. Bắc Ninh nổi tiếng với quan họ, nhưng lễ hội mà thiếu vật, với nhiều người chẳng khác nào mâm cỗ thịnh soạn lại thiếu rượu ngon. Ở Đình Bảng, tôi được gặp ông Nguyễn Văn Hòa - một lão đô vật có tiếng.

“Trong các trò chơi dân gian, đấu vật đương nhiên là không thể thiếu. Huyện nào cũng có đô giỏi, cứ có dịp là giao lưu, tranh tài” - ông Hòa cho biết.

Chuẩn bị cho “mùa” vật 2012, sới vật Đền Đô đã được sửa trên nền diện tích hơn 1.700m2, kiến trúc hình phễu, các hàng ghế ngồi hình cánh cung giật 7 cấp, kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Đây là sới vật lớn nhất tỉnh Bắc Ninh.

Chẳng nói các đô trẻ, đến cả các đô già cỡ ông Hòa, thi thoảng cũng tổ chức một số giải đấu nhỏ để thi đấu giao hữu. Các cụ tròm trèm tuổi thất thập, nhưng cũng cởi trần, đóng khố, cũng xe đài và thi đấu quyết tâm chẳng khác các con, các cháu.

Vui chuyện, tôi hỏi ông Hòa: “Giải thưởng trong các giải đấu có lớn không?” thì được biết, mỗi giải đấu có giải thưởng khác nhau. Nhỏ thì nhà quán quân chỉ nhận vài ba trăm nghìn, lớn thì có khi đô vô địch được trao cả một bộ sập gụ, tủ chè có giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhưng tiền thưởng không phải là cái đích cao nhất để các đô vật lên sới. Ông Hòa bảo: “Nếu thi đấu vì tiền thì làm gì còn tinh thần thượng võ, làm gì còn tinh hoa của vật. Chúng tôi đến với vật vì niềm đam mê. Phần thưởng có to đến mấy cũng chỉ là chuyện nhỏ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem