Người Kurd- con bài của Mỹ, con rối của Nga ở Syria

Đặng Phương Thảo Thứ tư, ngày 04/01/2017 09:22 AM (GMT+7)
Mỹ muốn lợi dụng người Kurd để chống IS, còn Nga thì lại muốn họ trở thành một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền Assad. Chính những can thiệp và hậu thuẫn từ bên ngoài đã khiến những xung đột càng phát triển và kéo dài hơn. Một khi vấn đề này chưa tìm được biện pháp hóa giải và chưa ngưng sử dụng bạo lực để giải quyết thì hòa bình ở Syria vẫn chỉ là một ước vọng xa vời.
Bình luận 0

img

Người Kurd là ai?

Vấn đề người Kurd bấy lâu nay vẫn luôn là một trong những vấn đề rắc rối và nan giải nhất ở Trung Đông. Họ là bộ phận dân tộc thiểu số có tiếng nói và phong tục tập quán riêng.Trên thế giới hiện nay có khoảng 25 triệu người Kurd nhưng họ lại không có một nhà nước riêng. Suốt 500 năm qua, người Kurd ở Trung Đông đã đấu tranh để xây dựng một nhà nước của riêng mình nhưng không thành công. Hiện nay, họ chủ yếu nằm tập trung ở khu vực biên giới của bốn nước Iran, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên họ vẫn luôn nỗ lực ly khai khỏi chính phủ và giành quyền tự trị. Khi nội chiến Syria nổ ra, lực lượng người Kurd ở Syria đã tuyên bố họ không đứng về phía nào trong cuộc chiến và sẽ xây dựng một nhà nước cho riêng mình. Tuy nhiên, những tính toán chính trị của các bên tham chiến đã biến người Kurd trở thành một trong những vấn đề trọng yếu của cuộc nội chiến này, khiến cho vấn đề này càng trở nên nan giải hơn bao giờ hết. Một khi vấn đề người Kurd còn chưa được hóa giải thì Syria khó lòng thiết lập lại hòa bình.

Người Kurd trong tính toán của các bên

Trước tiên đối với Chính phủ Syria, ông Assad không hề mong muốn người Kurd thiết lập được một nhà nước ở vùng biên giới Syria, điều này xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Syria, đồng thời cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chính quyền Assad. Khi cuộc nội chiến Syria nổ ra, lãnh đạo người Kurd đã tuyên bố rằng họ không đứng về phe nào trong cuộc chiến, họ chỉ mong có được lãnh thổ của riêng mình, không sợ bị ai đe dọa. Do đó, đối với lực lượng này, ban đầu ông Assad đã chọn cách tiếp cận đàm phán. Tuy nhiên trước những lợi ích khó hòa hợp, cùng sự leo thang của cuộc chiến kết hợp với sự can thiệp từ bên ngoài, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Hiên nay, trước sự tiến quân mạnh mẽ của người Kurd, quân đội chính phủ đã phải sử dụng bạo lực để ngăn chặn lực lượng này không mở rộng thêm vùng kiểm soát của mình tại Syria.Cuộc không kích vào khu vực người Kurd đang kiểm soát ở thành phố Hasaka hồi tháng 8 vừa qua đã đánh dấu lần đối đầu đầu tiên và cũng là bạo lực nhất giữa Damacus và Lực lượng Tự vệ nhân dân người KurdYPGtrong suốt 5 năm nội chiến. Tuy nhiên bạo lực giữa hai phe vẫn được kiềm chế.

Nga bước chân vào cuộc chiến với vị thế ủng hộ đồng minh là chính phủ ông Assad. Lập trường của Nga là tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình của Syria, do đó đối với vấn đề người Kurd, Nga cũng không để họ thành lập một nhà nước. Ban đầu, Nga muốn sử dụng lực lượng này để đối phó với Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Nhưng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, Nga đã tăng cường ủng hộ cho lực lượng người Kurd ở Syria chống IS và triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-400 hiện đại, điều này ngăn chặn được không quân Thổ Nhĩ Kỳ ném bom vào các vị trí của người Kurd ở Syria. Động thái mạnh này được coi là để đáp trả lại Thổ Nhĩ Kỳ. Gần đây, quan hệ Nga- Thổ đã được cải thiện sau âm mưu đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga vẫn thuyết phục Mỹ đưa lực lượng người Kurd trở thành một phần của vòng đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ về Syria.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc ngăn chặn người Kurd thành lập một nhà nước riêng là vấn đề không phải bàn cãi.Cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ có đến 15 triệu người, chiếm 1/5 dân số nước này. Cho đến nay, cuộc chiến giành quyền tự trị giữa Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua ba thập kỷ đau thương và chết chóc nhưng căng thẳng vẫn chưa lúc nào ngơi nghỉ. Đã từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ coi Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Liên minh dân chủ người Kurd (PYD) là lực lượng khủng bố, trong khi Lực lượng dân quân YPG ở Syria lại có quan hệ mật thiết với các tổ chức này. Việc xuất hiện một nhà nước của người Kurd ngay ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ kích động lực lượng người Kurd trong nước đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa để thành lập nhà nước riêng. Ngoài ra ông Erdogan còn một mối lo sợ chiến thắng của người Kurd ở Syria sẽ giúp Đảng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có thêm ghế trong quốc hội, điều này khiến ông Erdogan cùng Đảng cầm quyền AKP cảm thấy sức mạnh của mình đang bị lung lay.

imgCác chiến binh người Kurd ở Syria. Ảnh Reuters

Vì những lí do trên, ông Erdogan bằng mọi giá không cho phép YPG mở rộng khu vực kiểm soát của mình. Những cuộc thả bom và pháo kích vào khu vực bị người Kurd chiếm giữ được Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một cách dữ dội, khiến cho các bên đều phẫn nộ và yêu cầu ngừng tấn công. Tuy nhiên, bất chấp lời phản đối của cả hai đồng minh Nga và Mỹ, ông Erdogan vẫn chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt hành động này.Thậm chí ông ta còn điều thêm binh đến chiến trường Syria để ngăn chặn sự mở rộng của người Kurd.

Đối với Mỹ, người Kurd chỉ là quân bài trong tay nước này. Trước khi có sự can thiệp của Nga, Mỹ là nước ủng hộ vũ khí và tài chính lớn nhất cho lực lượng YPG với hai mục tiêu. Thứ nhất, Mỹ muốn người Kurd là một đối trọng gây khó khăn cho ông Assad trong việc giành quyền kiểm soát trên toàn đất nước. Thứ hai, Mỹ muốn dùng lực lượng người Kurd để tiêu diệt IS thay mình vì Mỹ gặp khó khăn rất lớn về cả khoảng cách địa lí lẫn sự phản đối trong nước nếu tăng cường bộ binh trực tiếp tham chiến vào chiến trường Syria. Do đó hậu thuẫn cho người Kurd là cách lựa chọn tốt hơn để bảo toàn lực lượng cũng như lợi ích của Mỹ. Và quả thực, giờ đây, người Kurd được cho là lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống IS toàn cầu.

Tuy nhiên, sau khi chứng kiến sự xoay hướng trong quan hệ Nga-Thổ, Mỹ lại chọn cách  hi sinh người Kurd làm quân bài mặc cả để kéo Thổ lại phía mình và ngăn chặn Thổ tiến sâu hơn trong quan hệ với Nga. Nước này đã ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách yểm trợ lực lượng xe tăng Thổ tiến sâu vào lãnh thổ Syria và tấn công lực lượng người Kurd. Dẫu sao đối với Mỹ, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đắt giá hơn trên chiến trường Syria. Lập trường cuối cùng của Mỹ vẫn là ủng hộ một nước Syria thống nhất và không đồng ý với yêu cầu độc lập của người Kurd.

Có thể thấy người Kurd đã trở thành một vấn đề rắc rối trong cuộc chiến. Rõ ràng ước muốn của họ chỉ là thành lập một nhà nước cho riêng mình, tuy nhiên ước muốn này không chỉ bị các bên phản đối mà còn bị lợi dụng lôi vào vòng xoáy bạo lực để thực hiện những mưu tính của riêng mình. Tựu chung lại, vấn đề người Kurd là vấn đề của những lợi ích chồng lấn. Thổ Nhĩ Kỳ muốn tiêu diệt lực lượng này, chính quyền Assad lại chỉ muốn ngăn chặn việc thành lập nhà nước, Mỹ muốn lợi dụng người Kurd để chống IS, còn Nga thì lại muốn họ trở thành một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền Assad. Chính những can thiệp và hậu thuẫn từ bên ngoài đã khiến những xung đột càng phát triển và kéo dài hơn. Một khi vấn đề này chưa tìm được biện pháp hóa giải và chưa ngưng sử dụng bạo lực để giải quyết thì hòa bình ở Syria vẫn chỉ là một ước vọng xa vời.

Giải pháp nào cho vấn đề này?

Để tìm được một giải pháp chung cho tranh chấp, không có cách nào khác là mỗi bên từ bỏ đi một phần lợi ích của mình.

Một kịch bản lí tưởng nhất sẽ là người Kurd tạm từ bỏ ý định thành lập nhà nước của riêng mình, nhưng chính quyền Assad phải đồng ý để lực lượng này giành quyền tự trị và kiểm soát khu vực rộng lớn hơn.Tất nhiên không đời nào ông Assad để cho người Kurd tập hợp vào một khu vực tự trị rộng lớn vì như thế chẳng khác nào tạo cơ hội để lực lượng này đoàn kết và tập hợp sức mạnh. Người Kurd cũng không được thể vượt sông Euphrates để bắt tay với lực lượng PKK vì chắc chắn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập tức đem quân đánh chặn. Do đó khu tự trị của người Kurd sẽ phải phân tán và chỉ ở miền bắc Syria, không vượt qua sông Euphrates.

Việc người Kurd đi theo hướng của Nga trở thành một lực lượng chính trị đối lập và tham gia vào tiến trình hòa giải chính trị trên cơ sở luật pháp quốc tế do Liên Hợp Quốc làm chủ lúc này sẽ phù hợp với mong muốn của các bên hơn. Chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ là sẽ không còn lí do để tấn công người Kurd nữa, tuy nhiên theo kịch bản này thì đây cũng không còn là mối lo vì người Kurd đã bị kiểm soát ở bên trong Syria và không thành lập nhà nước sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Tuy nhiên kịch bản tưởng chừng hoàn hảo trên lại chẳng làm thỏa mãn người Kurd.Nhất là vào thời điểm này, người Kurd đang giành được những ưu thế nhất định trên chiến trường và chính trường. Sự thiện chiến và khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của người Kurd trong cuộc chiến chống lại IS đã củng cố hình ảnh quốc tế của họ. Dù cho bị Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, thậm chí cả Mỹ và Nga ngăn cản thì lực lượng này vẫn đang ra sức chống trả trên tất cả các mặt trận.

Mặc dù vậy, xét đến cùng thì số phận người Kurd vẫn phụ thuộc vào các nước còn lại. Nếu các bên thành công với một cuộc thương lượng trên lưng người Kurd thì lực lượng này cũng không có cách nào đối phó.

Hiện nay, những tranh chấp liên quan đến bạo lực chỉ có thể giải quyết bằng đàm phán.Tuy nhiên để đàm phán thắng lợi thì phải có chiến thắng trên chiến trường. Do đó chừng nào cuộc đọ sức giữa các bên với người Kurd chưa tìm được kẻ chiến thắng hoặc chưa làm các bên suy kiệt để cùng đi đến một thỏa thuận chung thì bạo lực sẽ còn tiếp diễn, vấn đề người Kurd vẫn chưa được giải quyết. Và cuộc nội chiến Syria cũng sẽ không thể chấm dứt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem