Người làm ơn rơi vào vòng xoáy tố tụng

Thứ sáu, ngày 15/11/2013 15:13 PM (GMT+7)
Từ chỗ là ân nhân "cứu sống" Công ty CP Tuấn Long trước bờ vực phá sản, bà Nguyễn Thị Loan bỗng chốc trở thành nạn nhân- bị đơn trong vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại vô tiền khoáng hậu.
Bình luận 0
Vụ án mà bà Loan vướng phải được gọi là vô tiền khoáng hậu là bởi vì cho dù Tòa án xử thế nào thì bà cũng là người phải gánh chịu thiệt thòi.

Nếu Tòa xử cho bà Loan được tiếp tục mua cổ phần, thì với một người đã từng quay lưng lại với ân nhân của mình như ông Điển, bà Loan khẳng định chắc chắn rằng không khí làm việc ở Công ty CP Tuấn Long sẽ "cơm chẳng lành, canh không ngọt" và vì vậy, Công ty sẽ làm ăn theo kiểu "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Công ty Tuấn Long
Cơ sở sản xuất của Cty Tuấn Long hoang tàn do tranh chấp.

Trong điều kiện như vậy, Công ty sẽ không thể phát triển. Còn nếu Tòa xử bà không được mua cổ phần, thì đó sẽ là một thiệt hại rất lớn đối với bà Loan bởi số tiền ngót 10 tỷ đồng đã đầu tư vào Cty CP Tuấn Long suốt mấy năm trời bà chưa hề nhận được một đồng lợi nhuận.

Khoản tiền bồi thường thiệt hại theo qui định của pháp luật không thấm tháp vào đâu so với thiệt hại thực tế, thiệt hại do cơ hội đầu tư bị mất đi nếu 10 tỷ đồng trên bà Loan không bỏ ra để cứu Cty CP Tuấn Long.

Chưa hết, kể từ ngày ông Điển khởi kiện, bà Loan không thể điều hành Công ty CP Tuấn Long vì ông Điển cho người nhà vào bao vây, cấm vận mọi hoạt động của Công ty; các đối tác ký kết hợp đồng kinh tế cũng vì thế mà dừng chi trả nghĩa vụ, không chịu thanh toán các khoản tiền thuê tài sản theo hợp đồng đã ký kết.

"Phần vì uất ức do bị ông Điển bội bạc, vô ơn bội nghĩa, kiện tụng tôi ra tòa làm mất uy tín, danh dự, phần vì số tiền đã đầu tư cả chục tỷ nằm đấy ngày nào, thiệt hại ngày đó, trong khi vụ án kéo dài mãi mà Tòa không xử nên 2 năm theo kiện là 2 năm tôi mất ăn mất ngủ" - bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

Trong hai năm thụ lý vụ án, rất nhiều lần bà Loan phải đến Tòa án để được "hòa giải" nhưng kết quả đều là con số 0. "Mỗi lần đến Tòa là một lần bức xúc vì phải nghe bà Chúng (người đại diện theo ủy quyền của ông Điển- PV) nói những lời lẽ khó nghe. Còn ông Điển thì toàn tránh mặt không đến. Mà không hiểu sao Tòa lại kéo dài thời gian đến thế mà tôi không hề được biết lý do" - bà Loan kể.

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hải - luật sư thuộc Công ty Luật Khánh Linh - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Loan, bà Hải cho biết, theo qui định tại điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự về thời hạn chuẩn bị xét xử thì vụ án này thời hạn chuẩn bị xét xử được quy định là hai tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong trường hợp, vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá một tháng.

Cũng theo bà Hải, việc kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án như trong vụ án này- gần 2 năm kể từ ngày thụ lý vụ án án mới ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (thụ lý ngày 22.7.2011, mãi đến 3.7.2012 mới có quyết định đưa vụ án ra xét xử- PV) là vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng dân sự. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý cũng như gián tiếp gây thiệt hại tới quyền lợi của bà Loan. Là chủ một doanh nghiệp, bà Loan thường xuyên phải đi công tác, nay đây mai đó, nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng vụ án đang treo lơ lửng và phải có mặt hầu tòa bất cứ lúc nào.
Hoàng Vĩnh (Hoàng Vĩnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem