Mẹ muốn "đi gặp" con mẹ
Trong căn hộ nhỏ nằm trên đường Nguyễn Tri Phương (Đà Nẵng), mẹ Lê Thị Lan (75 tuổi) ngồi bần thần bên hiên nhà, thỉnh thoảng tay lại mân mê tấm ảnh nhỏ, nỗi buồn hằn sâu trong đôi mắt mẹ. Tấm di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc được mẹ cất giữ cẩn thận, thỉnh thoảng lại mang ra ngồi ngắm. Đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức khoẻ đã yếu, mẹ không còn được mỗi ngày tự tay thắp nén nhang lên bàn thờ con trai do mẹ đã chuyển đến sống cùng với người con trai thứ.
"Mấy hôm nay ngày nào mẹ cũng dặn chúng tôi chạy qua nhà cũ ở phường Hoà Cường Bắc, quận Hải Châu thắp cho anh Lộc nén nhang để anh khỏi cô quạnh, lạnh giá", anh Đức - con trai thứ của mẹ mở đầu câu chuyện, kể với phóng viên Dân Việt.
30 năm, mẹ Lan sống trong nỗi đau của người "tóc bạc khóc kẻ đầu xanh". (Ảnh: P.V)
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc là con trai thứ 3 của mẹ Lan, sinh năm 1968. Ngày tham gia cuộc hải chiến Gạc Ma, khi ấy anh Lộc mới 20 tuổi. Với mẹ Lan, 75 năm sống trên cõi dương gian, thì có gần nửa thời gian mẹ sống trong nỗi đau thương của người "tóc bạc khóc kẻ đầu xanh".
"Nhiều năm vào ngày giỗ, tôi cứ chờ xem có người con gái nào đến thắp hương không, nhưng không có ai cả. Con trai tôi lúc hy sinh còn rất trẻ, còn chưa có người yêu...", mẹ Lan bùi ngùi, bỏ lửng câu nói.
Trong trí nhớ của mẹ, anh Lộc là một đứa con rất thương mẹ, thương em. Hàng ngày, anh Lộc thường đi bán kem, mò cua bán lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Cuộc sống gia đình với 10 người con nên mẹ Lan rất vất vả, làm đủ nghề từ vệ sinh môi trường, tạp vụ, bán tạp hoá, bất cứ nghề nào kiếm ra tiền, mẹ cũng sẵn sàng. Thương mẹ vất vả nên anh Lộc rất chăm chỉ, chẳng nề hà bất cứ việc gì.
Trước lúc ra đảo Gạc Ma, anh Lộc vẫn còn đi bán kem. Khi loa phóng thanh kêu gọi, anh mới vội vàng chạy về, cũng chẳng kịp chia tay với anh em, bạn bè. Lúc đó mẹ Lan chỉ kịp dặn: "Con đi vì nhiệm vụ của đất nước thì phải cố gắng hết mình". Cái ngày 14.3.1988 định mệnh ấy, kẻ địch đã cướp đi mất người con trai của mẹ. Anh vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng biển, lạnh giá.
Ngày nghe tin anh Lộc hy sinh trên loa phóng thanh, mẹ Lan như chết lặng. Mẹ không tin con trai mình hy sinh nên đôn đáo chạy khắp nơi để hỏi. Để rồi, mẹ cứ phải tự mình gặm nhấm nỗi đau mất mát.
"30 năm nay, nước mắt vẫn lặng lẽ rơi trên gương mặt khắc khổ của mẹ. Biết bao lần mẹ muốn "đi gặp" anh Lộc. Ngay cả trong giấc ngủ mê, thỉnh thoảng mẹ lại gọi tên anh", anh Đức (em trai liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) kể lại và bảo, năm nào mẹ Lan cũng đi cầu siêu cho anh Lộc, mua quần áo "hoá vàng", gửi xuống biển sâu cho anh bớt phần lạnh lẽo.
"Mẹ chỉ có một ước nguyện là được đến vùng biển Gạc Ma, nơi 30 năm trước anh Lộc đã cùng các đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Không biết, ước mơ của mẹ có thực hiện được không?", anh Đức chùng giọng.
"Nó ngoan và hiền lắm, chẳng khi nào làm mẹ buồn"
Trong ánh mắt khắc khoải của mẹ Nguyễn Thị Trước, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi (Binh nhất Chiến sĩ E83, Tổ 53, Hoà Cường, Đà Nẵng) - người đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm ấy, nỗi đau dường như vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai. Đã 86 tuổi, mẹ Trước không còn minh mẫn nữa, nước mắt dường như đã cạn khô trên gương mặt già nua, khắc khổ.
Mẹ Nguyễn Thị Trước, mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Lợi. Ảnh: Gia đình cung cấp
Liệt sĩ Phạm Văn Lợi là con thứ 6 trong số 7 người con của mẹ. Trong ký ức người mẹ tóc bạc trắng, hình ảnh con trai thứ 6 đầy sôi nổi vẫn luôn hiển hiện trong trí nhớ của bà. Lợi là đứa con nhanh nhẹn và hoạt bát. Tháng 3.1987, khi loa truyền thanh của xã thông báo khám nghĩa vụ quân sự, Phạm Văn Lợi đến ngay xã đăng ký tình nguyện vào Hải quân và được biên chế vào Trung đoàn 83 Công binh, đóng quân ngay ở Đà Nẵng.
Sau gần một năm kể từ ngày nhập ngũ, Lợi được phép về ăn Tết với gia đình. Đó là Tết Mậu Thìn năm 1988. Lúc đó người nhà tưởng Lợi đảo ngũ nhưng Lợi bảo: "Ăn Tết xong con đi Trường Sa, không biết đến bao giờ về". Trước khi ra đảo, mẹ Trước nấu cho anh một nồi bún đặt giữa nền đất. Lợi ăn cùng với mắm kho quẹt rồi chào cả nhà. Không ai ngờ, đó là cái Tết cuối cùng anh được ăn Tết với gia đình. Anh ra đi khi mãi mãi đang ở độ tuổi 20.
"Nó ngoan và hiền lắm, vẫn thường phụ giúp mẹ những việc nhà và chẳng khi nào làm mẹ buồn cả", anh Phạm Xuân - anh trai của liệt sĩ Phạm Văn Lợi nghẹn giọng trong máy điện thoại. Phía bên kia đầu dây, anh đang khóc.
Di ảnh của liệt sĩ Phạm Văn Lợi. Anh ra đi khi mới ở độ tuổi 20. Ảnh: Gia đình cung cấp
Anh Xuân bảo mẹ anh giờ già lắm, lẫn cả rồi. Thỉnh thoảng có người ở đơn vị đến thăm, mẹ lại lập cập hỏi: "Thằng Lợi về rồi đó à", khiến mọi người chết lặng. Anh kể, ngày nghe tin Lợi hy sinh, mẹ Trước khóc ròng hàng đêm. Đến bây giờ nỗi đau ấy vẫn còn chưa nguôi ngoai.
Mỗi dịp 14.3 hàng năm, mẹ vẫn đau đáu, khắc khoải ngóng trông xương cốt của con mình trở về từ lòng biển lạnh. Mẹ bảo vẫn nghe thấy tiếng của các anh trên con tàu lướt sóng giữa biển cả mênh mông.
30 năm trôi qua, lịch sử đã sang trang mới, nhưng trận chiến ở đảo Gạc Ma luôn là bằng chứng đau thương nhất. 64 linh hồn liệt sĩ đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả. 30 năm, có những người mẹ vẫn khắc khoải chờ đợi hài cốt của những đứa con. Có những người mẹ đã quá già, và sợ không còn chờ đợi được nữa...
Ngoài khơi xa, biển vẫn dữ dội, chưa lúc nào được bình yên!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.