Người lưu giữ “hồn” làng Việt

Thứ ba, ngày 01/06/2010 15:02 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bằng niềm đam mê và lòng nhiệt huyết, bà Trần Thị Tuyết Nga - Chủ nhiệm làng nghề “Một thoáng Việt Nam” và cộng sự đã biến vùng đất hoang hóa ở Củ Chi thành một làng nghề lưu giữ vẻ đẹp văn hóa, kiến trúc của nông thôn Việt.
Bình luận 0
img
Bà Trần Thị Tuyết Nga - Chủ nhiệm làng nghề “Một thoáng Việt Nam”.

Là một “tiểu thư”, học trường Tây, nhưng với lòng yêu nước, bà đã vào chiến khu tham gia kháng chiến.

13 năm chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, trong đó có vùng đất thép Củ Chi, chứng kiến bao mất mát của đồng đội, đồng bào, sự tàn phá của bom đạn đối với vùng quê yên bình, bà hứa với lòng mình là khi hòa bình lập lại, phải làm một cái gì đó cho mảnh đất này.

Chiến tranh kết thúc, những công việc mới lại hút bà, đến khi về hưu bà mới thực hiện được ước nguyện xưa...

Nặng lòng với nông thôn

Bà và cộng sự mua 25ha đất ở Củ Chi, ban đầu tính xây dựng trường học. Nhưng nghĩ đến người dân còn quá thiếu thốn, bà chuyển ý biến vùng đất này thành một làng nghề để tạo công ăn việc làm cho họ. Bà nói: “Nông dân mình có rất nhiều vốn quý, đó là những kỹ thuật trồng cây cảnh, gây dựng những giống cá, những sản phẩm thủ công đặc sắc… Những kỹ năng này mà mất đi trong quá trình đô thị hoá là có tội với thế hệ mai sau”.

Hiện nay, gần 200 lao động đang làm việc tại làng nghề đều là nông dân vùng đất Củ Chi và những nghệ nhân từ nhiều vùng của đất nước.

Để tái hiện đúng “chất” nông thôn Việt Nam, những người cộng sự cùng với bà Nga ngoài việc cặm cụi đọc sách và tài liệu để tham khảo đã đi khắp nước để tìm hiểu, học nghề. Bà đã ra tận làng Đông Hồ học các công đoạn làm giấy để đưa được nghề làm giấy dó về “Một thoáng Việt Nam”. Trong làng Đông Hồ có gần chục nghề thủ công, bà Nga cũng cố học để hiểu hết. Để giữ nguyên bản nhà truyền thống của ba miền, bà mời thợ của từng vùng về đây xây dựng.

Làng nghề đã hình thành khá bài bản nhưng bà và cộng sự chưa hài lòng. Cần phải có nhiều tư liệu, chất sống hơn để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan. Vì thế mà “Một thoáng Việt Nam” chưa khuếch trương kinh doanh, chưa quảng bá rộng rãi cho du khách dù nhiều người biết tiếng vẫn tìm đến.

"Chúng tôi xác định làng nghề là một công trình văn hoá nên mọi chi tiết phục dựng phải thật trung thực. Một khi đã bán vé cho khách tham quan thì càng phải có trách nhiệm với đồng tiền họ bỏ ra" - bà Nga nói. Từ sự nghiêm túc ấy mà bà cho dỡ bỏ ngôi nhà Mường đã xây dựng hoàn tất khi phát hiện có nhiều điểm chưa giống với nguyên bản, để mời chính người Mường làm lại.

img
Người lao động đang xe sợi dệt vải ở khu làng “Một thoáng Việt Nam”.

Ấn tượng “Một thoáng Việt Nam”

Điểm khởi đầu của “Một thoáng Việt Nam” là khu trưng bày những ký ức của quá khứ - những hiện vật từ thời đồ đá, đồ đồng cho đến các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần… Gây nhiều xúc cảm nhất là đền thờ Xã tắc với bàn thờ được đắp bằng đất lấy từ các địa điểm lịch sử ở 63 tỉnh - thành, như Lũng Cú, Điện Biên, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Cổ Loa, Lam Sơn, mũi Cà Mau, thành nhà Mạc, thành nhà Hồ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn…

Trong không gian đất nước - con người, một bản đồ Việt Nam cực lớn trên nền hoa văn của trống đồng khắc họa đậm nét từng vùng miền Tổ quốc. Ôm sát theo hồ là khu bảo tàng mở, trưng bày những vật dụng, đồ dùng của con người các vùng miền...

Bà Nga đã đầu tư gần 100 tỷ đồng để làm nên “Một thoáng Việt Nam”. “Người Việt hầu hết xuất thân từ làng quê, ai cũng mang trong mình tâm tưởng ký ức lũy tre, bến nước, mảnh vườn, thửa ruộng. Nông thôn là nơi giữ gìn trọn vẹn những phong tục, tập quán của dân tộc; là nơi con người sống với nhau bằng mối thâm giao nghĩa xóm giềng…” – bà Nga giải thích cho sự nặng lòng với nông thôn của mình.

Khó có thể kể chi tiết những hình ảnh trong không gian của “Một thoáng Việt Nam”, chỉ biết qua mỗi bước chân, một khúc quanh, vẻ đẹp của làng quê Việt Nam hiện dần lên thật dân dã, thuần khiết.

Những nhà sáng lập “Một thoáng Việt Nam” đã tái hiện nguyên bản bao làng quê với căn nhà tiêu biểu các vùng của ba miền, đó là nhà đất hai lớp độc đáo ở Bình Định, là nhà rường Huế, nhà rông, nhà dài Tây Nguyên; nhà 5 gian đặc trưng của vùng Bắc bộ, nhà ba gian của Nam bộ...

“Một thoáng Việt Nam” đã tái hiện những nghề thủ công truyền thống đang ngày càng mai một, như dệt lụa, khắc gỗ, chằm nón, đan mành, làm bánh tráng, làm đồ gốm, giấy dó, vàng quỳ, sơn son thếp vàng… Đó là một cách bảo tồn sinh động những kiến thức và thành quả nghề truyền thống độc đáo của dân tộc cho đời sau thưởng ngoạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem