|
Ông Trần Văn Thế (trái) đang trồng những gốc tre trên đảo Nam Yết |
Trong số 21 thân nhân các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa ra thăm người thân ở đảo Nam Yết cuối tháng 6 vừa qua, có hai người đàn ông từng là cựu binh của đảo.
Trở lại đây sau 24 năm, trong hành trang mang theo ra thăm hai con, ngoài những món quà của gia đình, ông Trần Văn Thế còn mang theo ba gốc tre.
Gốc tre cạnh mốc chủ quyền
Ông Trần Văn Thế (58 tuổi, ở TP Cam Ranh, Khánh Hòa) từng là đại đội trưởng đại đội công binh, xây dựng công trình trên đảo Nam Yết từ năm 1984-1988. Hai con của ông đang làm nhiệm vụ trên đảo là con trai Trần Văn Hùng, thiếu úy, nhân viên kỹ thuật và con rể Nguyễn Đức Thiện, thiếu tá, trợ lý phòng không.
“Tôi đã có năm năm ở đây, giờ con trai và con rể tôi lại tiếp tục làm nhiệm vụ nơi này nên tôi có điều kiện biết nhiều về đảo. Tôi đã tìm hiểu và biết ngày nay đảo có rất nhiều cây nhưng cây tre thì chưa có. Tre là cây dễ trồng, dễ sống. Tôi mang ra đây trồng, nếu sống tốt hi vọng sẽ nhân rộng ra nhiều hơn” - ông Thế nói.
Ý tưởng này của ông có ngay khi ông nhận được giấy báo của quân chủng hải quân mời ông ra thăm đảo. Ông chọn tre nứa, loại tre phổ biến ở Cam Ranh, vì tre này vừa cho bóng mát, vừa có thể lấy măng ăn. Trước ngày đi, ông sang nhà hàng xóm nói ý định của mình và xin ba gốc tre liền được ủng hộ ngay. “Lũy tre làng cũng là biểu tượng của Việt Nam, tôi muốn mang lũy tre làng ra đảo vì đảo cũng là quê hương mình” - ông Thế bộc bạch.
Và ba gốc tre sau đó đã được ông cùng đoàn thân nhân trồng ngay cạnh cột mốc chủ quyền cũ của đảo.
Trở lại ngôi nhà xưa sau hơn hai thập kỷ, ông Thế hồ hởi đi tìm lại kỷ niệm cũ. Đến mỗi nơi, những kỷ niệm của một thời trai trẻ ở nơi đầu sóng ngọn gió lại ùa về.
Hồi đó, điều kiện còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Mỗi viên gạch, mỗi bao ximăng mang ra đảo đều nặng hơn vì những giọt mồ hôi của các chiến sĩ công binh. Khi tàu chở vật liệu ra đảo, các chiến sĩ công binh lúc bấy giờ chưa có xuồng máy mà phải dùng dây thừng kéo xuồng đem từng viên gạch vào đảo. Cứ thế, họ dùng sức người đạp lên từng con sóng kéo vật liệu vào bờ.
Hồi đó cũng chưa có máy trộn bêtông nên từng khối bêtông đều phải trộn bằng tay. Trộn xong, họ xúc từng xẻng cho vào sọt rồi chuyền tay nhau đưa đến nơi cần đổ. Vừa làm việc lại phải vừa cảnh giác vì khi đó là thời điểm nhạy cảm, các thế lực nước ngoài thường xuyên nhăm nhe chiếm đảo, phá hoại, quấy rối. Khó khăn là thế nên có khi mỗi năm chỉ xây dựng được khoảng 200m bờ kè. Giờ nhìn lại những công trình mình từng xây dựng, ông Thế không giấu nổi niềm tự hào.
“Trước đây đảo còn khó khăn lắm. Hồi đó tôi từng rất thèm được nghe tiếng gà gáy trên đảo mà không có”. Mong muốn đó của ông giờ đây đã thành hiện thực khi ngày nay đủ loại gia súc, gia cầm chạy lăng xăng trên đảo. Từ khi lên đảo, dường như chẳng lúc nào ông thôi cười. Nụ cười của niềm vui gặp lại hai con, gặp lại ngôi nhà xưa và chứng kiến những sự đổi thay tươi đẹp.
Thèm ở lại đảo
Từng có thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết, ông Tào Văn Công (49 tuổi, ở Thanh Hóa) trở lại đảo sau 27 năm để thăm con ông, chiến sĩ Tào Văn Thảo. Thảo là con trai thứ hai trong gia đình, ra làm nhiệm vụ tại đảo Nam Yết được hơn một năm.
Tre đã nảy mầm
Ông Thế cho biết con ông vừa gọi điện thoại về thông báo ba gốc tre trồng ở đảo đã nảy mầm, mỗi mầm cao khoảng 20cm. Nhận được tin, ông vui lắm. Vậy là lũy tre làng trên đảo Nam Yết của ông sắp thành hình. Và rồi đây, lũy tre ấy sẽ còn lan rộng khắp Trường Sa.
“Nhận được tin báo cho thân nhân ra đảo, tôi mừng lắm. Định để vợ đi nhưng vợ tôi bảo: anh ra đợt này một là thăm con, hai là thăm lại ngôi nhà xưa và ôn lại kỷ niệm. Thế là tôi đi” - ông Công kể.
Ra đến đảo, ông ngó bên này, nghiêng bên kia. Nhà cửa, cây cối đối với ông giờ đây đều mới mẻ, lạ lẫm. “Ngày xưa những cây phong ba này chỉ cao tầm 2m, nhưng hôm nay đúng là tôi không thể hình dung nổi” - ông Công chỉ một cây phong ba và nói.
Ông cũng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy trên đảo giờ đây có rất nhiều rau trái. Ông kể hồi ông ở đây chỉ có thể trồng được bí đỏ vào mùa mưa. Bí đỏ rất dễ sống, chỉ cần trỉa hạt rồi rào xung quanh lại là chúng nảy mầm, tươi tốt. Lá bí đỏ khi đó rất quý, chúng được tận dụng triệt để nấu canh.
Giờ thì trên đảo không chỉ có bí đỏ mà còn có nhiều loại bầu bí khác, nhiều loại rau xanh và cây trái khiến ông mê mẩn ngắm nhìn. “Tôi thèm ở lại đảo quá, nếu được ở đây và có một công việc nào đó như tăng gia sản xuất chẳng hạn thì còn gì bằng” - ông ao ước.
Theo Tuổi Trẻ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.