Nghe câu chuyện của nhiều chị em, tôi thấy lạ. Lạ vì chuyện tại sao
mọi người lại coi trọng việc mừng tuổi nhiều hay ít, mừng tuổi bao nhiêu
cũng là tấm lòng, sao lại tính toán chuyện tiền nong làm gì. Khổ nỗi,
người mình vẫn bị mắc cái bệnh sĩ diện, mừng nhiều mới là nhiều tình
cảm, mừng nhiều mới là oai. Với lại, mừng ít thì bị coi là ki bo, keo
kiệt, rồi tính toán với gia đình này kia. Thậm chí còn bị khinh, coi
thường.
Có những người quá nhiều nơi để đi, chỉ mừng tuổi cũng mất bao nhiêu tiền rồi, còn đâu tiền nữa mà tính chuyện mừng to tát. (Ảnh minh họa)
Cái tính của người Việt mình nhiều khi buồn cười. Lì xì, mừng tuổi
chỉ là cái thủ tục Tết truyền thống. Không có thì không hay nhưng có ít
thì lại bị phê bình. Quan điểm của tôi thì hoàn toàn khác. Tôi nghĩ,
mừng ít hay nhiều không quan trọng, quan trọng là có đồng tiền lì xì may
mắn đầu năm. Nhất là với trẻ nhỏ và người già, như thế thì tốt hơn cả.
Nhưng khổ nỗi, nhà chồng tôi không nghĩ như vậy, thế nên, mỗi lần tôi
mừng tuổi cả nhà được vài đồng thì mọi người lại cho là tôi ki ke, tính
toán, không phóng khoáng. Rồi mọi người nhà chồng tôi suy diễn đủ thứ,
khiến tôi mệt mỏi vô cùng.
Hôm rồi, tôi đút mấy tờ 10 nghìn vào trong bao lì xì để mừng tuổi
mấy cháu con của anh chị. Thế mà mẹ chồng tôi bĩu môi bảo: “Gớm vợ chồng
mày, thời đại này ai còn mừng tuổi 10 nghìn mà đút phong bao lì xì từng
ấy. Ít ra cũng phải 5 chục cho cháu ruột. Còn người ngoài thì phải 20
nghìn. Làm thế người ta cười cho”. Nghe mẹ nói, tôi chán hẳn. Bởi bản
thân mẹ không biết lì xì nhiều hay ít còn tùy thuộc vào điều kiện kinh
tế. Có những người quá nhiều nơi để đi, chỉ mừng tuổi cũng mất bao nhiêu
tiền rồi, còn đâu tiền nữa mà tính chuyện mừng to tát.
Mẹ nói như vậy chắc là ám chỉ tôi. Vì hôm mùng 1, tôi mừng bố mẹ mỗi
người có 50 nghìn. Mẹ bảo mừng tuổi trẻ con cũng từng ấy thì khác gì
trách chúng tôi kém, mừng tuổi bố mẹ quá ít. Tôi bực mình quá, vì suy
cho cùng, nếu cứ nghĩ, mừng tuổi nhiều là nhiều tình cảm, mừng tuổi ít
là ít tình cảm thì đúng là người mình đã quá sĩ diện rồi.
Mẹ tôi kể, anh trai chồng tôi đi đâu cũng phải mừng tuổi cho trẻ con
ít nhất là 50 nghìn. Dù không có nhiều tiền cũng phải tích cóp, vay mượn
cũng được, mừng tuổi nhiều thế thì trẻ con vui. Với lại, 1 năm mới có
một cái Tết, hà có gì mà không mừng tuổi từng ấy cho chúng mừng. Ki bo,
kẹt sỉ thì tính lúc khác, chứ chỉ có một lần 1 năm thì làm sao phải tính
vậy. Nghe mẹ nói, tôi cười trong lòng. Vì tại sao lại phải vay tiền
mừng tuổi. Mình có bao nhiêu thì mừng từng ấy.
Nếu như mình giàu, có thể cho các cháu mỗi người vài trăm mua quần áo
thì không tiếc. Tôi cũng không tính toán chuyện đó. Nhưng mà người mình
không có một xu, lại còn nghĩ chuyện đi vay để cho cái Tết sang thì
đúng là buồn cười.
Mẹ chồng tôi chắc cũng mắc bệnh sĩ. Không riêng gì mẹ, nhiều người
còn mắc cái bệnh này, can tội là chỉ thích tiền nhiều là sang, tiền
nhiều là oai. Nhưng sau cái oai đấy là cả một hệ quả, biết làm sao được,
chỉ tính chuyện tiêu cho sướng tay rồi ra Tết thì méo mồm vì phải chạy
vạy, vay mượn khắp nơi.
Khám Phá (Theo Khám Phá)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.