Người Mông ở Sơn La trồng loại cây chỉ cho quả dưới gốc mà nhà nào nhà nấy giàu lên trông thấy

Tuệ Linh - A Và Thứ bảy, ngày 14/08/2021 13:10 PM (GMT+7)
Sống ở vùng núi cao, địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt… tuy nhiên, đồng bào Mông ở xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã biết biến những khó khăn này thành lợi thế để trồng cây dược liệu. Nhờ trồng thảo quả mà nhiều hộ dân nơi đây có thu nhập cả trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Những năm gần đây, xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng. Qua đó, đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trước đây, người dân Hang Chú chủ yếu trồng cây lúa, ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế không được là bao. 

Với đặc thù là xã vùng cao, địa hình dốc, diện tích rừng tự nhiên lớn, nhiều khe suối, độ ẩm cao thích hợp trồng cây dược liệu. Xác định được lợi thế đó, cấp ủy, chính quyền xã Hang Chú đã khuyến khích người dân tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây thảo quả, sa nhân. Việc làm này vừa giúp tăng thu nhập vừa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trồng cây ra quả dưới gốc, người Mông Sơn La thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 1.

Cây thảo quả giúp nhiều hộ dân xã Hang Chú nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo nhiều già làng ở Hang Chú, cách đây khoảng 20 năm, thảo quả được một số người dân đưa từ huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái về trồng trên nương. Về sau thấy loại cây trồng này đem lại hiệu quả kinh tế nên người dân mở rộng diện tích. Năm 2001, toàn xã có 10ha thảo quả, nhưng đến nay đã tăng lên 470ha; trong đó có gần 200ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 500 tấn quả tươi/năm.

Bên cạnh trồng thảo quả, năm 2016, nhiều hộ dân tiếp tục mang cây sa nhân về trồng. Đến nay, xã Hang Chú có 33ha cây sa nhân, trong đó 10ha đã cho thu hoạch. Diện tích cây thảo quả, sa nhân được trồng tập trung tại các bản: Pa Cư Sáng, Suối Lềnh, Phình Hồ, Nậm Lộng....

Trồng cây ra quả dưới gốc, người Mông Sơn La thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 2.

Mùa sấy thảo quả của bà con xã Hang Chú. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo đánh giá của UBND xã Hang Chú, trồng thảo quả, sa nhân đã giúp thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Hộ nào ít cũng đạt mức thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm; hộ nhiều thì đạt mức thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm.

 Trò chuyện với PV, anh Giàng A Sùng, bản Pa Cư Sáng - một trong những hộ trồng nhiều thảo quả, sa nhân, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô, lúa trên đất đốc nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2016, thấy nhiều hộ dân trong bản trồng thảo quả đem lại thu nhập cao, đầu ra ổn định nên gia đình đã xin giống về trồng. Đến nay, gia đình tôi có 4ha thảo quả. Năm 2020, vụ thảo quả đầu tiên hái được khoảng 5 tấn quả tươi, thu về hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn trồng thêm hơn 1ha sa nhân, hiện đã cho thu hoạch được 2 tạ quả khô. Với giá bán 200 nghìn đồng/kg khô, gia đình thu 40 triệu đồng.

Trồng cây ra quả dưới gốc, người Mông Sơn La thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 3.

Mô hình trồng sa nhân của gia đình anh Giàng A Sùng, bản Pa Cư Sáng. Ảnh: A Và.

Anh Phàng A Giang, bản Phình Hồ, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo nhờ trồng thảo quả, bảo: Trồng cây ngô, sắn vừa vất vả mà thu nhập chẳng được là bao. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trừ cỏ cho ngô, sắn không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn gây thoái hoá đất đai, ô nhiễm môi trường. Năm 2010, được cán bộ xã vận động, gia đình giảm diện tích nương ngô, sắn chuyển sang trồng 4ha cây thảo quả.

Nhờ vậy, trong vài năm trở lại đây trung bình mỗi năm thu 8 tấn quả tươi, với giá từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng. Trồng thảo quả không những giúp bà con có thu nhập ổn định mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Bởi, muốn thảo quả phát triển thì bà con phải làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Để cây thảo quả, sa nhân phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, xã Hang Chú đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn bà con cách thức trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây thảo quả, sa nhân.

Trồng cây ra quả dưới gốc, người Mông Sơn La thu trăm triệu mỗi năm - Ảnh 4.

Nhờ trồng sa nhân, nhiều hộ dân ở Hang Chú đã thoát được nghèo. Ảnh: A Và.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú thông tin: Cách đây 5 năm, xã có tới 56% hộ nghèo. Tuy nhiên, nhờ biết phát huy lợi thế của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng thảo quả, sa nhân gắn với bảo vệ rừng. Khi người dân có thu nhập từ trồng thảo quả dưới tán rừng bà con tự nâng cao ý thức bảo vệ rừng. 

Bây giờ trên địa bàn xã đã có nhiều hộ có thu nhập khá, làm được nhà cửa khang trang. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020, xuống còn hơn 21,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 15 triệu đồng/người/năm.

Có thể thấy việc trồng cây thảo quả, sa nhân không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kinh tế mà còn góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên rừng. Đây là hướng đi phù hợp trong việc nâng cao thu nhập, xoá đói - giảm nghèo cho bà con đồng bào Mông ở xã vùng cao Hang Chú.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem