Tại tọa đàm “Thực hiện quy định bảo lãnh ngân hàng (NH) - bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai” do Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HOREA) và NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM tổ chức chiều 23-6, nhiều doanh nghiệp (DN), luật sư, NH cho rằng đây là quy định quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi người mua nhà hình thành trong tương lai song cũng gây không ít khó khăn cho DN.
Tốt cho khách hàng
Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7 quy định chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được NH thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Khi được ngân hàng ký bảo lãnh tín dụng, người mua nhà không còn lo bị chủ đầu tư kéo dài thời gian bàn giao nhà như đã cam kết. Ảnh: Hoàng Triều
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhận định quy định này hạn chế rủi ro, gia tăng niềm tin và bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà tuyệt đối. “Có thể khi thực hiện bảo lãnh, giá nhà sẽ tăng do chủ đầu tư đưa vào giá thành. Tuy nhiên, hiện phí bảo lãnh ở các NH đang rất cạnh tranh. Tùy vào uy tín của khách hàng mà phí bảo lãnh dao động từ 0,6%-2%/năm. Khoản phí này không lớn nhưng điều quan trọng là người mua được bảo vệ quyền lợi” - ông Minh nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA, cho biết hiện trên thị trường có một số dự án lớn, chủ đầu tư uy tín là được các NH “săn” và đã thực hiện ký bảo lãnh tín dụng. Chắc chắn người mua nhà ở các dự án này sẽ yên tâm hơn. “Quy định bảo lãnh này là “đỉnh cao” của việc bảo vệ quyền lợi người mua nhà. Dù vậy, luật cần phải đồng bộ bởi thực tế còn nhiều vấn đề chưa được giải thích rõ trong các điều khoản. Nhà nước cũng nên đưa các đơn vị bảo hiểm vào tham gia vì tính chất của nó mang tính bảo hiểm nhiều hơn!” - bà Trương Thị Hòa, Phó Chủ tịch HOREA, đề xuất.
Khó cho doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hưng Thịnh, Phó Chủ tịch HOREA - cho rằng thực tế hiện nay các NH đang nhìn vào uy tín của từng DN để thực hiện bảo lãnh. Nếu chọn giải pháp thế chấp thì các DN khó thực hiện vì phải bỏ vốn vào nhiều. Do đó, nhà nước cần có cơ chế để các NH có thể thực hiện tín chấp, bảo lãnh trên cơ sở tài sản là nguồn thu chính dự án đó. “Nếu không, các DN đã khó càng khó khăn hơn và họ mất tự tin trong kinh doanh. Khi đó, những DN có lý lịch tốt hoặc là “sân sau” của các NH sẽ được bảo lãnh” - ông Trung khẳng định.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành, cho biết hiện nay hàng loạt chủ đầu tư có dấu hiệu chạy đua, tung bán sản phẩm trước khi luật có hiệu lực. Đây cũng là mối lo lớn cho các DN khác. Ngoài ra, ông Nghĩa đặt vấn đề là quy định này áp dụng sẽ thuận lợi cho người mua nhà khi thị trường BĐS tốt như hiện nay, nếu thị trường đóng băng trở lại thì các NH sẽ làm gì với hàng loạt dự án rơi vào tình trạng ì ạch, phải bồi thường cho khách hàng? Liệu lúc đó người mua nhà có được bảo vệ tối đa hay cũng phải... dài cổ chờ? “Một thực tế hiện nay là gần 80% dự án đều vay vốn NH. Điều quan trọng hơn là thị trường BĐS tăng chỉ khoảng 50% nhưng các DN phát triển dự án tăng đến 500%. Đây là vấn đề cơ quan quản lý cần lưu ý” - ông Nghĩa nói.
Còn theo Phó Chủ tịch HOREA, bà Đỗ Thị Loan, nội dung của Luật Kinh doanh BĐS có quy định NH Nhà nước sẽ là đơn vị công bố danh sách NH thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai. Nếu danh sách này công bố ra thì các NH không nằm trong diện được bảo lãnh sẽ ra sao? Liệu có khách hàng nào dám để tiền trong các NH này? Vì vậy, luật cần có thêm hướng dẫn cụ thể, giải thích rõ ràng hơn trước khi áp dụng.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho rằng việc thực thi quy định này còn nhiều điều chưa rõ nên kiến nghị lùi thời hạn áp dụng 6 tháng.
Nên để ngân hàng thu tiền người mua nhà
Theo bà Vũ Thị Kim Xuyến, đại diện Sở Xây dựng TP HCM, trên địa bàn TP hiện có nhiều dự án không xây dựng đúng tiến độ, làm mất niềm tin của người mua nhà. Từ đầu năm 2015 đến nay, tổng số căn hộ huy động vốn ở TP HCM là 7.564 căn với tổng giá trị 15.000 tỉ đồng. Để quy định NH bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đi vào thực tế thì nên mở tài khoản tại NH bảo lãnh, NH thu tiền của người mua và thanh toán trực tiếp với đơn vị thi công và các đơn vị ký hợp đồng với chủ đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.