Người nối đường vào Khe Buôn

Thứ hai, ngày 19/07/2010 15:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bến Xuân Sáng là điểm duy nhất để bà con thôn Khe Buôn đến trung tâm xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, Lào Cai). Gần hai chục năm nay, dù nắng hay mưa, những chiếc mảng của ông Lử Văn Xen đã miệt mài đưa bà con vượt suối.
Bình luận 0
img
Ông Xen kiểm tra mảng trước khi đưa khách qua sông.

Dòng suối Nhù chạy men theo triền núi Khe Buôn đã biến vùng đất này trở thành một ốc đảo của xã Võ Lao. Bao đời nay bà con người Dao ở đây sống trong thiếu thốn vì không thể qua lại trao đổi với vùng khác.

Công trình vượt suối

Hơn một ngày chờ đợi ở thôn Ngầu 1, chúng tôi mới gặp được ông Xen khi ông từ Khe Buôn trở về. Bên bếp lửa, ông lão 74 tuổi chậm rãi kể chuyện chinh phục suối Nhù. Ngày trước, chỉ vì dòng suối Nhù mà bà con Khe Buôn phải chịu thiệt nhiều so với nơi khác. Mùa cạn có thể làm bè, mảng để qua suối, chứ mùa lũ thì chỉ ngồi chờ con nước xuống.

Hàng ngày, 6 giờ chiều ông Xen kéo mảng về đầu bến, khóa lại; 4 giờ sáng hôm sau mở khóa cho bà con đi lại. Để thuận tiện cho bà con chở lương thực qua suối bằng xe máy, ông bỏ tiền thuê người làm con đường xuống mảng và làm một cái lán nhỏ cho mọi người có chỗ nghỉ ngơi.

Ông Xen ấp ủ phải làm một việc gì đó để giúp bà con. Năm ấy con lũ lên cao, những mảng nhỏ đều bị nước cuốn phăng. Ông nghĩ, rừng này thiếu gì tre, nứa tại sao không làm những cái mảng lớn để qua suối an toàn.

Đem chuyện bàn với bà con trong làng, ai cũng lắc đầu. Vợ ông cũng bảo, sức đâu mà chống cái mảng to như thế. Bỏ ngoài tai những lời ngăn cản, ông lên rừng kiếm những cây nứa to như cột nhà, dài hơn mười sải tay rồi dùng dây rừng kết lại thành một chiếc mảng lớn nhất ở thôn Khe Buôn. Dòng suối Nhù trở nên nhỏ bé với chiếc mảng "ngoại cỡ", bởi chỉ cần vài lần chống là đã sang đến bờ bên kia. Năm ấy, ông Xen sắp bước qua tuổi 60...

Người dân qua suối ngày càng đông, đôi chân ông Xen cũng dần mỏi mệt. Mùa lũ năm 1994, con nước lên tận gầm nhà sàn, ông lấy hết số tiền dành dụm được đi mua 6 tạ thép phi 6, hàng trăm mét dây thừng và tre nứa đủ để làm 6 chiếc mảng lớn. Ròng rã gần một tháng, cuối cùng "công trình vượt suối" cho người dân Khe Buôn của ông cũng hoàn thành.

Sợi dây cáp bện bằng thép phi 6 vắt ngang suối như lời thách thức với dòng nước ngày đêm ào ào. 6 chiếc mảng đậu kín dưới bến, sợi dây thừng được ông bắt song song với dây cáp, nhưng thấp hơn để ai qua suối chỉ việc lên mảng rồi bám vào đó mà kéo. Với công trình vượt suối độc đáo này, ai muốn qua suối lúc nào cũng được, ông Xen cũng không phải chống mảng từ bờ này sang bờ kia để đưa đón.

Nối bờ ấm no

Từ ngày "công trình vượt suối" của ông Xen hoàn thành, không chỉ có người Khe Buôn thường xuyên qua lại mà những người ở các thôn khác cũng bắt đầu vào đây khai hoang, bởi từ lâu Khe Buôn đã nổi tiếng là vùng đất màu mỡ, đất rộng người thưa.

Anh Lê Văn Minh ở thôn Loạc 2 cho biết: “Tôi vào khai hoang ở Khe Buôn được 5 năm, nay đã có hơn 3ha hoa màu. Nếu lấy con số sản lượng trung bình của nhà tôi cho những hộ có đất canh tác trong Khe Buôn, thì mỗi năm có hàng trăm tấn lương thực vượt dòng suối Nhù trên chiếc mảng của ông Xen”.

Mỗi ngày có hàng trăm lượt người qua lại bến Xuân Sáng, nhưng ông Xen chẳng lấy tiền của ai bao giờ. Biết tính ông, ngày mùa, người biếu ông dăm cân ngô, người tặng vài yến thóc. Chỉ về phía bồ thóc ở góc nhà, ông cười: “Nhà tôi chẳng có ruộng nương mà thóc lúc nào cũng đầy bồ”... Tuy đường vào Khe Buôn bây giờ đã bớt đi phần nào cách trở, nhưng ông Xen vẫn ước ao Khe Buôn có một cây cầu treo...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem