Người Phổng Lái không chịu phận nghèo

Thứ ba, ngày 15/04/2014 14:24 PM (GMT+7)
Với hơn 300ha chè, cà phê và cây ăn quả, cùng hơn 2.000 con trâu, bò và nhiều gia súc, gia cầm các loại…, người dân xã Phổng Lái (huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) đang nỗ lực để thay đổi cuộc sống trên vùng đất khô cằn.
Bình luận 0
Khó từ nhiều phía

Xã Phổng Lái nằm ngay dưới chân đèo Pha Đin bên phía Sơn La. Nơi đây chỉ có núi chồng núi, mây chồng mây, đất thì khô cằn bởi thiếu nguồn nước, khí hậu lại khắc nghiệt, lúc lạnh giá kéo dài, khi nắng nóng nảy lửa.

Cư dân Phổng Lái (hơn 7.000 nhân khẩu) vốn cần cù nhưng chỉ biết sản xuất cây trồng trên nương là chính. Sau nhiều năm tích cực vận động, hỗ trợ người dân khai hoang ruộng nước, cả xã cũng mới chỉ có được vẻn vẹn gần 20ha, trong khi diện tích nương lúa, ngô cũng đang thu hẹp dần để trả lại đất cho rừng.

Chè đã thành cây chủ lực xóa đói nghèo và làm giàu của người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La.
Chè đã thành cây chủ lực xóa đói nghèo và làm giàu của người dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, Sơn La.

Nói về sự đói nghèo của Phổng Lái trước đây, ông Lò Văn Bun - già bản Noong Lào kể: Đói lắm, nghèo lắm. Đói nghèo nhiều kiếp rồi. Không chỉ có người Thái, người Mông mà cả người Kinh trước đây sống ở Phổng Lái cũng chẳng khá giả gì. Cái đất này nó khó làm ăn, chỉ toàn núi cao, khe sâu; có ít đất bằng thì lại khô hạn. Vì thế hơn 1.500 hộ dân ở đây dù rất cố gắng thì tỷ lệ đói nghèo vẫn cao.

Đói nghèo luôn đồng hành cùng lạc hậu. Phổng Lái trước đây có tỷ lệ thất học, mù chữ rất cao. Nhiều phụ nữ tuy là lao động chính, là trụ cột gia đình nhưng không rành tiếng phổ thông. Nơi đây còn là vùng xa, vùng lõm nên việc tiếp sóng radio, tivi cũng khó khăn, điều kiện để nâng cao dân trí cho bà con càng hạn hẹp.

“Cây trồng trên nương năng suất thấp, lại phụ thuộc vào mưa nắng tự nhiên; con vật nuôi thì hay dịch bệnh; chuyển dịch kinh tế chậm… nên tỷ lệ đói nghèo những năm trước lên tới 40-50% số hộ trong xã, ma túy hoành hành nhiều nơi…” - ông Bun nhớ lại.

Không chịu phận nghèo

"Điều quan trọng nhất là nhận thức về tự chủ xóa đói nghèo và kinh nghiệm sản xuất mới của nông dân đã được cải thiện đáng kể. Điều này cho chúng tôi cơ hội xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững”.

Ông Lò Văn Dóm

Hành trình xóa nghèo, làm giàu của ông Bun gắn với quá trình chuyển đổi sản xuất, bứt phá vươn lên của người dân Phổng Lái. “Cách đây chục năm, Nhà nước đưa nhiều cây trồng vào Phổng Lái để chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập cho người dân như các cây mơ, mận hậu, cà phê và nhiều loại cây ăn quả khác.

Tôi rủ ông Pâng, ông Chum, ông Muôn và mấy người nữa làm theo lời cán bộ, lúc đầu chỉ mỗi hộ vài ngàn m2, sau đó cứ thế nhân dần lên. Bây giờ tôi có hơn 3ha chè và cà phê, mỗi năm thu tới 300-400 triệu đồng và chăn nuôi được nhiều gia súc nữa” - ông Bun kể.

Cứ nhìn nhau mà làm, không biết thì hỏi nhau, hỏi cán bộ, thế là cả xã thành phong trào chuyển đổi sản xuất, thay đổi cách làm ăn. Hàng trăm hộ dân đã bứt phá bằng cây trồng, con nuôi và đã thành công đấy. Như gia đình ông Lường Văn Loan, Lò Văn Sức, Lò Văn Pâng… ở bản bên, trước đây nghèo lắm nhưng bây giờ thành hộ giàu với cả chục con trâu, bò, nhiều cà phê, chè và cây ăn quả.

Ông Lò Văn Dóm - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Phổng Lái không giấu được vẻ tự hào: “Phổng Lái bây giờ đã có hàng trăm ha cây cà phê, chè, cây ăn quả; đàn gia súc tới gần 7.000 con; trong đó đàn trâu, bò đã đạt trên 2.000 con. Gia cầm thì nhiều lắm. Đặc biệt là con dê, gà, lợn bản địa đang được nông dân phát triển mạnh, thành hàng hóa mỗi ngày. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống chỉ còn dưới 30%; hộ khá, giàu tăng hàng năm.
Kiều Thiện (Kiều Thiện)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem