Người phụ nữ sống cùng 58 mảnh đạn

Thứ tư, ngày 30/03/2011 12:59 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 38 năm qua, bà Trần Thị Hiền ở đội 8, thôn Sơn Công, xã Hương Vân (Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) hàng ngày phải chống chọi với sự hành hạ của 58 mảnh đạn nằm sâu trong cơ thể.
Bình luận 0

Sức sống kỳ lạ

Khi tôi tìm đến, bà Hiền và chồng mình là ông Bùi Bá Lung vừa đi làm đồng về. Bà Hiền xắn 2 ống quần lên đến gối, đôi chân khẳng khiu, lấm lem bùn đất của bà lộ ra hàng loạt vết sẹo nham nhở. “Mấy ngày ni bà ấy bị đau nặng, nhưng lúa bị chết rét nhiều quá, mình tui cấy giặm không xuể, nên bà ấy phải cắn răng chịu đau cùng tôi ra đồng”- ông Lung nói.

img
Gia đình bà Hiền đang rơi vào đường cùng do người con trai bị bạo bệnh.

Bà Hiền sinh năm 1953, từ thuở thiếu thời đã nổi tiếng là người gan dạ. Mới 14 tuổi bà đã tham gia du kích xã Hương Vân và lập nhiều chiến công. 2 năm sau, bà vào bộ đội chủ lực của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tháng 4.1971, khi đang hoạt động ở huyện miền núi A Lưới, trong một lần lên núi bẻ bắp (ngô) làm lương thực cho đơn vị, bà và đồng đội bị máy bay Mỹ tập kích. Những loạt đạn xối xả giội xuống từ máy bay địch khiến một đồng đội hy sinh, riêng bà Hiền bị trúng 10 phát đạn.

Bị trọng thương, đơn vị đưa bà về tuyến sau điều trị. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bà lại xung phong cầm súng tiếp tục chiến đấu.

Mùa khô năm 1973, bà được điều về Huyện đội Hương Trà. Trong một lần cùng đồng đội đi gùi gạo, bà lại bị địch phục kích. Lần này bà trúng bom bi khiến hàng chục mảnh đạn găm sâu vào cơ thể, riêng bánh chè chân trái và bàn tay trái bị đạn làm cho giập nát.

Hơn một ngày sau, khi địch rút, đồng đội tìm ra bà thì bà đã hoàn toàn bất tỉnh. Đơn vị cho người gói xác bà bằng nilon đưa đi chôn cất, nhưng khi đến huyệt, mọi người mở bao nilon ra để nhìn mặt bà lần cuối thì bất ngờ phát hiện bà vẫn còn thở.

Sau đó, bà được đưa khẩn cấp ra Bệnh viện 108 (Hà Nội) chữa trị. Kết quả chụp phim cho thấy bà có tới 58 mảnh đạn nằm sâu trong cơ thể và không thể phẫu thuật để lấy ra ngoài. Trong đó nghiêm trọng nhất là 2 mảnh đạn nằm trong phổi, 3 mảnh nằm trong tim và một mảnh nằm trong đầu.

Trở thành tàn phế, bà được đưa về điều dưỡng tại trại thương binh nặng nhất miền Bắc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, khi sức khỏe được khôi phục chút ít, bà viết đơn xin trở về quê nhà để tiếp tục đánh giặc. Nhưng khi về quê, bởi sự hành hạ của hàng loạt vết đạn trên cơ thể, trong khi không có thuốc men nên sức khỏe của bà ngày càng suy kiệt.

Tình yêu chữa lành thương tích

Bà Hiền bảo rằng, nếu không có tình yêu thương của chồng thì sự sống của bà không thể kéo dài đến ngày hôm nay.

Cảm phục những đức tính của bà ấy, nhất là nghị lực sống phi thường hiếm người có được, tôi yêu bà ấy lúc nào không hay.

Ông Lung chồng bà là chiến sĩ miền Bắc vào tăng cường ở bộ đội trinh sát huyện Hương Trà năm 1970. Ông Lung quen biết bà Hiền trong những lần nếm mật nằm gai đánh giặc trong rừng, khi bà được chuyển về Huyện đội Hương Trà. Cũng trong thời gian này, đơn vị ông Lung về đóng quân ở làng của bà Hiền. Tại đây, họ được dân làng, trong đó có bố mẹ bà Hiền hết mực che chở, đùm bọc như những người ruột thịt.

Năm 1973, khi bà Hiền bị thương nặng phải ra Hà Nội điều trị, ông Lung thường xuyên viết thư động viên, thăm hỏi. “Khi đó tui coi bà như một đồng đội, đồng chí của mình. Tui phải động viên chia sẻ để giúp bà vượt qua tình cảnh nguy kịch”- ông Lung tâm sự.

Năm 1975, bà Hiền về quê trong cảnh tàn phế. Những trận đau ốm thập tử nhất sinh dồn dập khiến thời gian nằm viện của bà nhiều hơn thời gian ở nhà. Ai cũng ái ngại cho người con gái tuổi 20 nhưng thân thể và sức khỏe đã suy kiệt vì những mảnh đạn.

Năm 1976, người dân xã Hương Vân bất ngờ khi đám cưới của bà Hiền được tổ chức và càng bất ngờ hơn khi chú rể không ai khác mà chính là chiến sĩ Bùi Bá Lung. “Trước khi cưới, một số người khuyên tôi nên suy nghĩ lại, họ bảo nếu lấy bà tôi sẽ chịu một gánh nặng lớn. Nhưng tôi muốn bằng tình yêu của mình sẽ giúp bà vượt qua những đau đớn về thể xác để tiếp tục sống”- ông Lung nhớ lại.

Đúng như mong muốn của ông Lung, tình yêu của chồng đã giúp bà Hiền vượt qua những ngày tháng nguy kịch để kéo dài sự sống. Nhiều lúc bà sắp trút hơi thở cuối cùng nhưng tình yêu và sự động viên, chăm sóc hết mực của ông Lung đã giúp trái tim người phụ nữ tàn phế tiếp tục giữ được nhịp đập. “Tình yêu của ông dành cho tôi không có gì có thể so sánh nổi. Tình yêu đó đã cho tôi nghị lực để chiến thắng nỗi đau tận cùng về thể xác, giúp tôi tiếp tục giữ được hơi thở trong cõi đời này”- bà Hiền cảm động kể.

Sau một thời gian cưới nhau, ông Lung xin nghỉ việc trong quân đội để có thời gian chăm sóc vợ. 10 năm sau ngày cưới, bà Hiền không những vẫn sống, mà còn sinh cho ông Lung 6 người con. Tuy nhiên, do gia cảnh quá ngặt nghèo, lại có một thời gian dài phải theo cha mẹ lên rừng khai hoang sản xuất nên cả 6 người con của ông bà không ai viết tròn con chữ.

Bước đường cùng

Cuộc trò chuyện giữa tôi và vợ chồng bà Hiền gián đoạn khi người con trai út của ông bà là Bùi Bá Hà lên cơn đau nặng, nằm khóc rên trên chiếc giường gỗ oải mục. “Nó bị suy thận đã 3 tháng nay, hiện bệnh đã bước sang giai đoạn cuối” - bà Hiền nói trong nước mắt chảy dài. Từ ngày Hà ngã bệnh, gia đình bà Hiền vốn đã ngặt nghèo lại càng khánh kiệt. Ngoài phải bán sạch số tài sản có thể bán được trong nhà, vợ chồng bà còn phải vay mượn khắp nơi để đưa con đi bệnh viện chạy thận hàng tuần.

Sực nhớ sắp tới ngày phải đưa con đi bệnh viện lọc máu, khuôn mặt ông Lung hốt hoảng đến tím tái. Rồi khuôn mặt ấy lại co rúm lại, những nếp nhăn xô nhau, ép những giọt nước mắt chảy xuống hai gò má hốc hác. Nước mắt của vợ chồng bà Hiền là nước mắt của những người đã bước vào đường cùng.

“Một tuần thằng Hà phải đi bệnh viện lọc máu 3 lần, mỗi tháng gia đình tốn từ 21-22 triệu đồng. Bòn mót tất cả tài sản trong nhà chỉ đủ cho nó đi lọc máu hai tuần đầu, từ tuần thứ 3 đến nay phải đi vay nóng hết. Vay nhiều quá nên chừ thấy vợ chồng tui là nhiều người tránh mặt, vì họ biết gia đình tui không có gì để trả nợ”- lời kể của bà Hiền lẫn trong những tiếng nấc nghẹn đắng.

Ông Lung tiếp lời vợ bằng những câu chuyện xót xa mà gia đình ông phải nếm trải: Có hôm, sau khi vay mượn khắp nơi được 1,5 triệu đồng, ông đưa con đến bệnh viện chạy thận. Vì chi phí cho mỗi lần lọc máu lên đến 3 triệu đồng, không đủ tiền nên cha con ông bị đuổi ra khỏi phòng bệnh, mặc cho ông quỳ gối van xin. Không còn cách nào khác, ông Lung nuốt nước mắt cõng con về. Nhiều ngày liền sau đó không vay đủ tiền, bệnh tình của con thêm trầm trọng, nhưng ông bà chỉ biết ngồi ôm con khóc…

Không ai có thể cầm lòng được trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Trần Thị Hiền -người đã bỏ nhiều xương máu trong cuộc chiến bảo vệ đất nước. Vì vậy, rất mong những tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm, bạn đọc Báo NTNN giúp đỡ gia đình bà Hiền. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Trần Thị Hiền, thôn Sơn Công, xã Hương Vân (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế); hoặc Báo NTNN 13 Thụy Khuê, Hà Nội. Tài khoản: 1506311002117 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem