Sở Công thương TP.HCM cho biết ,quy trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng thịt heo. Quy trình trên sử dụng công nghệ QR code, vòng bảo vệ, điện toán đám mây, tem điện tử, hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện và quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt heo tươi sống.
Đề án sử dụng công nghệ điện toán thông minh từ Châu Âu. Tất cả các thông tin từ trang trại nuôi, kiểm dịch thú y, chợ đầu mối, ngày giờ giết mổ… được tự động cập nhật vào hệ thống TE-FOOD để quản lý.
Trước khi cho heo xuất chuồng, chủ trang trại phải kích hoạt vòng nhận diện. Đây là vòng niêm phong có chốt khóa an toàn và không tháo ra được.
Vòng nhận diện có gắn mã QR code khắc laser chống sao chép.
Ngay sau khi kích hoạt, hệ thống TE-FOOD ghi nhận thông tin về trang trại và lô heo sẽ xuất chuồng. Mỗi con heo sẽ buộc hai chiếc vòng nhận diện vào 2 chân sau.
Sau đó, nhân viên thú y sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe của lô heo, cấp giấy chứng nhận xuất trại rồi kích hoạt một vòng xuất trại. Vòng này được dùng để niêm phong xe.
Trên đường vận chuyển, với ứng dụng TE-FOOD, cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra các thông tin của lô heo.
Tại cơ sở giết mổ, kiểm dịch viên đọc vòng xuất trại để kiểm tra thông tin về lô heo. Sau đó, đàn heo sẽ được vệ sinh, kiểm tra lâm sàng và nghỉ ngơi trước khi đưa vào giết mổ.
Heo sẽ được gây mê bằng điện, xẻ làm 2 mảnh, mỗi mảnh đều có vòng nhận diện ở chân sau. Trong trường hợp vòng nhận diện bị mất hoặc hỏng trong quá trình vận chuyển, giết mổ, kiểm dịch viên sẽ kích hoạt một vòng kiểm dịch thú y màu xanh và buộc vào chân heo.
Trước khi đưa các mảnh heo đi phân phối, tất cả các vòng nhận diện của lô heo được đọc và truyền thông tin vào vòng niêm phong xe do cơ sở giết mổ kích hoạt. Lúc này, thông tin truy xuất sẽ được bổ sung thêm thời gian giết mổ, cơ sở giết mổ…
Tại chợ sỉ, chỉ những xe có vòng niêm phong TE-FOOD mới được ban quản lý chợ kiểm tra và cho phép vào chợ. Tại đây, quản lý chợ đọc vòng nhận diện để cho phép nhập hàng vào chợ.
Sau đó, chủ đại lý bán sỉ sẽ phân lô thịt heo thành các mảnh nhỏ, đồng thời, kích hoạt một vòng niêm phong nhỏ hơn, niêm phong các lô hàng để giao cho người bán lẻ.
Chỉ những lô hàng có vòng nhận diện niêm phong mới được đưa hàng ra khỏi chợ bán sỉ.
Tại chợ bán lẻ, tiểu thương kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc có chứa đầy đủ các thông tin từ trang trại đến cơ sở bán lẻ. Người mua thịt sau khi cân hàng xong sẽ được tiểu thương dán tem truy xuất lên lô hàng. Người tiêu dùng sử dụng ứng dụng TE-APP trên điện thoại thông minh, quét mã QR code của tem truy xuất và truy cập tất cả các thông tin về lô hàng mình vừa mua.
Theo ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo gồm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, TE-FOOD sử dụng công nghệ thông dụng, dễ hiểu, dễ thao tác và tận dụng các máy móc, hạ tầng sẵn có của các chủ thể tham gia. Sang giai đoạn 2, Đề án sẽ tích hợp thêm việc sử dụng chip điện tử gắn trên tai heo để quản lý toàn bộ thông tin về vòng đời con heo từ khi sinh ra.
Cũng theo ông Trung, các thông tin trong suốt quá trình vận chuyển từ trang trại đến tay người tiêu dùng được lưu trữ từ 5 – 10 năm. Hệ thống quản lý TE-FOOD có khả năng phân tích, sàng lọc và lên “danh sách đen” hoặc khoanh vùng những khu vực, đối tượng có nghi ngờ vi phạm để các nhà quản lý và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý.
|
(Ảnh từ Clip minh họa do Sở Công thương TP.HCM cung cấp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.