Người tái hiện cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn

Thứ sáu, ngày 03/06/2011 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với một tâm nguyện duy nhất là cho ba mạ mình thấy Huế mỗi ngày để bớt đi phần nào nỗi nhớ quê, anh Nguyễn Thanh Tùng đã tái hiện gần như toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế giữa lòng Sài Gòn.
Bình luận 0

Sự kết tụ tinh hoa của kiến trúc và văn hóa Huế tại Ngự Lãm Viên cũng là mong mỏi bấy lâu nay “làm một điều gì đó cho Huế” của anh.

Trong ngôi nhà rường 3 gian 2 chái nằm chính giữa khuôn viên rộng chừng 1.000m2 của Ngự Lãm Viên (đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Bình, quận 9, TP.HCM), anh Nguyễn Thanh Tùng - chủ nhân của công trình quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ, ngồi nhấp ngụm trà, xúc động kể về điều đã thôi thúc anh làm công trình “Huế thu nhỏ” này.

img
Anh Nguyễn Thanh Tùng bên công trình quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ tại nhà riêng ở quận 9, TP.HCM.

Làm để kính tặng ba mạ

Hàng ngày, dường như lúc nào anh cũng nghe ba mạ kể về xứ Huế với niềm say sưa quyện lẫn nỗi nhớ quê hương da diết. Vừa kể, ba mạ anh vừa rưng rưng nước mắt khiến anh không khỏi chạnh lòng. Thế là anh bắt đầu bỏ công nghiên cứu, tìm tòi sách vở nói về văn hóa, lịch sử Huế.

img Ba mạ ngày càng già yếu, không thể mỗi lần nhớ Huế là đi về thăm quê được nên tôi quyết chí phải làm sao để mỗi sớm mai thức dậy là ba mạ thấy Huế trước mắt mình rồi. img

Anh Nguyễn Thanh Tùng

Anh mày mò tìm hiểu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu Huế, các chuyên gia về kiến trúc cố đô, các nghệ nhân xưa còn sót lại của Huế. Khó ai có thể ngờ rằng, một thạc sĩ về viễn thông như Nguyễn Thanh Tùng lại am hiểu để có thể nói về văn hóa, lịch sử và kiến trúc xứ Huế như một nhà nghiên cứu Huế thực thụ. Công trình quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ được anh tái hiện tại TP.HCM từ sự am hiểu ấy...

Bước qua cánh cổng được chạm trổ tinh vi với mái vòm cong cong của Ngự Lãm Viên, trước mắt chúng tôi là cả một quần thể di tích cố đô Huế thu nhỏ xây dựng theo thuật phong thủy.

Bên dòng Hương Giang thơ mộng uốn quanh, kinh thành Huế được anh Tùng tái hiện theo một trục bắc – nam, hai bên có cồn Hến và cồn Giã Viên (Bạch Hổ) tạo thế long chầu – hổ phục, tả Thanh Long - hữu Bạch Hổ. Phía trước là núi Ngự Bình án ngữ che chắn cho kinh thành Huế...

Kỳ công đến kinh ngạc

Ngay chính giữa Ngự Lãm Viên là một ngôi nhà rường đặc trưng xứ Huế mà anh bảo rằng chất liệu phải là thứ gỗ kiềng kiềng mua từ huyện miền núi Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đứng ở trên cao của dãy Trường Sơn trong Ngự Lãm Viên nhìn xuống là cả một công trình kiến trúc mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử lâu đời xứ Huế được anh tái hiện thu nhỏ rất tinh tế, đặc sắc.

Anh Tùng đã tái hiện kinh thành Huế đúng hiện thực với sự liên lạc bên ngoài qua 8 cửa: Đông, tây, nam, bắc và tây bắc, tây nam, đông bắc, đông nam, được xây dựng theo lối kiến trúc phòng thủ và tấn công (VAUBAM) – Đông Tây hội ngộ.

Trên mặt thành có các khẩu súng thần công oai vệ, chung quanh là hệ thống hào, thành bao bọc rất vững chắc. Khi chế tác cửa vào Ngọ Môn, anh làm 5 cửa, 9 mái tượng trưng cho sự trường cửu và 100 cái cột (bách cột), trên cửa cũng có lầu chuông và lầu trống. Tiếp đến là điện Thái Hòa – nơi vua làm việc mỗi tháng 2 ngày.

Chỉ vào Tử Cấm Thành, anh Tùng bảo: “Nơi đó nếu ai bước vào mà không có lệnh của vua là sẽ bị chém đầu”.

Trong kinh thành Huế ở Ngự Lãm Viên có điện Cần Chánh – nơi vua làm việc hàng ngày, có cả điện Càn Thành, Thái Bình Ngự Lãm Thư Lâu (nơi vua đọc sách), rồi có cả Duyệt Thị Đường – nhà hát cung đình Huế, cũng là cái nôi nhã nhạc cung đình Huế phát triển. Anh còn xây dựng cả cung Trường Sanh – nơi dành cho bà nội của vua ở, điện Phụng Tiên (dành cho công chúa), có cả Hiển Lâm Các, phủ Nội Vụ...

img
Công trình lăng Khải Định tái hiện chi tiết.

Bên ngoài kinh thành Huế, nằm ven con sông Hương thơ mộng là bến Vân Lâu và đình Thương Bạc. Đó là một lối chơi về văn hóa và phong thủy. Anh bảo rằng, khi xây xong cái đình Thương Bạc này “mạ tôi vui mừng thấy rõ”. Xa xa là chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén (nơi thờ đức Thánh Mẫu), lăng tẩm của các ông Vua Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức và Khải Định – 4 ông vua anh kính nể nhất.

Giữ cội nguồn văn hóa Huế

Công trình quần thể di tích cố đô Huế làm trong 7 năm mới xong, do chính anh Tùng thiết kế, làm khuôn mẫu và trực tiếp cùng các nghệ nhân xứ Huế mày mò xây dựng. Một nghệ nhân bình thường khó có thể làm nổi công trình kiến trúc này mà phải là một người am hiểu tường tận về văn hóa và lịch sử Huế mới có thể đảm đương.

“Nhưng như thế cũng chưa đủ. Một người con xứ Huế phải có lòng yêu Huế đến da diết và muốn làm một điều gì đó cho Huế mới có thể làm được nó” – chỉ tay về kinh thành Huế thu nhỏ, anh Tùng bộc bạch.

Toàn bộ công trình kiến trúc “Huế thu nhỏ” của anh có 151 kiến trúc. Đầu tiên, anh chỉ làm trước 24 kiến trúc bằng gỗ và làm xong thì thất bại đến 3 lần vì để ngoài trời nên mưa nắng, gỗ không chịu nổi. Sau đó, anh chuyển sang làm bằng đá.

Có những chi tiết chạm trổ quá tinh vi, nhiều đường nét phức tạp khiến các nghệ nhân lắc đầu vì ước chừng phải mất 10 năm mới chạm trổ xong chừng ấy kiến trúc. Có người tư vấn cho anh phải làm mái che nhưng một công trình văn hóa, lịch sử mà làm trong nhà thì coi sao được.

Nghĩ thế, anh quyết định chuyển qua làm bằng đá nhưng lại gặp khó vì giá một cái khuôn 100 triệu đồng, trong khi anh phải làm đến 151 kiến trúc thì làm sao chịu nổi. Anh tâm nguyện, đầu tiên làm là cho ba mạ mình, kế đến là cho con cháu trong gia đình gìn giữ gia phong, gìn giữ chút văn hóa cội nguồn nên dù khó khăn đến mấy, anh cũng không nản lòng...

May mắn là anh gặp được một nghệ nhân giúp anh làm khuôn bằng silicon để làm công trình kiến trúc bằng bột đá, rẻ hơn rất nhiều.

Thành công hơn mong đợi

Công trình hoàn thành, bà con họ hàng kéo đến tham quan ngày càng đông, ba mạ anh rất vui mừng. Rồi tiếng lành đồn xa, các trường học bắt đầu gửi học sinh đến học ngoại khóa để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Huế.

Anh Tùng tâm niệm, anh làm công trình Ngự Lãm Viên không phải để kinh doanh du lịch nên tất cả mọi người đến đây tham quan đều được miễn phí.

Đầu tiên là Trường Tiểu học Dương Minh Châu đưa 800 học sinh đến tham quan và được anh Tùng giảng về lịch sử, văn hóa Huế. Sau đó, các Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Tiên Hoàng... gửi học sinh đến học ngoại khóa vì trong chương trình lớp 4 có nội dung học về lịch sử kinh thành Huế.

Anh Tùng tiếp tục dạy ngoại khóa miễn phí cho học sinh. Nhiều học sinh rất thích thú, trong thư để lại, có em viết: “Chú ơi, từ rày trở đi con không còn ghét học môn lịch sử nữa, con sẽ thích nó”.

Từ khi hoàn thành đến nay, Ngự Lãm Viên đã đón khoảng 100.000 khách từ nhiều nơi đến tham quan, đa phần là học sinh và sinh viên. Anh Tùng bảo, đón thêm một người khách là anh đón thêm một niềm vui, bởi ước nguyện của anh đã được thêm một người hiểu và chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem