Người thương binh vực dậy làng nghề may đo

Chủ nhật, ngày 19/02/2012 20:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi chiến tranh kết thúc, anh Trần Văn Hòa trở về làng với thương tật nặng và hai bàn tay trắng, nhưng với đức tính cần cù, anh đã cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần vực dậy một thương hiệu làng nghề may đo.
Bình luận 0

Trong các câu chuyện về sự đổi thay của thôn Từ Thuận (Văn Từ, Phú Xuyên, Hà Nội), người dân thường bắt đầu với hình ảnh anh thương binh Trần Văn Hòa đội nắng đội mưa đến từng nhà chỉ dạy mọi người từng đường kim mũi chỉ, hay cách phòng bệnh dịch cho vật nuôi như người trong nhà.

img
Anh Trần Văn Hòa cần mẫn làm việc trong hiệu may của gia đình.

Trăn trở với làng

Trần Văn Hòa sinh năm 1954 trên vùng đất chiêm trũng của thôn Từ Thuận. Năm 20 tuổi anh tham gia khóa huấn luyện trinh sát thuộc Sư đoàn 9, Trung đoàn 4. Sau 3 tháng huấn luyện, anh vào Nam chiến đấu, trung đoàn của anh đã góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975.

Lúc bấy giờ đơn vị của anh đóng tại Bình Dương, nhiệm vụ của các chiến sĩ là bí mật đặt mìn, gài kíp nổ phá dây thép gai của địch, mở đường để các cánh quân khác tiến tới tiếp quản Sài Gòn trong thời gian sớm và ngắn nhất. Trong một lần làm nhiệm vụ, anh đã bị hỏa lực địch bắn trọng thương. Năm 1976, rời quân ngũ, anh Hòa là thương binh nặng với thân thể mang đủ các loại bệnh như tim mạch, tiểu đường, thoái hoá cột sống...

Hồi đó về phục viên, làng anh Hòa nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Bà con lao động quần quật quanh năm, chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, túng thiếu triền miên. Có nhiều hộ vì không chịu đựng nổi đã tha hương cầu thực khắp xứ những mong có cơ hội đổi đời. Còn riêng anh, anh vẫn nghĩ không đâu bằng chính quê mình: “Nơi đây là nhà của tôi, dù có chết vì nghèo tôi cũng nhất định không bỏ xứ mà đi”.

Cùng với ý nghĩ và khát vọng ấy, anh đã chăm chỉ luyện tập để có sức khỏe học nghề. Thế nhưng có một điều mà mãi anh vẫn không hiểu, trước đây làng mình đã có nghề may đo truyền thống của cha ông, có nền tảng để lại, tại sao bà con không làm? Từ suy nghĩ đó, anh bàn với vợ con, sau đó đi tham khảo ý kiến của nhiều người nhưng anh cũng chỉ nhận được một câu trả lời: “Thôi chú ạ, nghề đã mai một, thất truyền lâu rồi, giờ khôi phục có ích chi, hơn nữa lấy vốn đâu mà tái thiết sản xuất hả chú”. Câu nói ấy đã khiến anh có quyết tâm học nghề, dạy nghề và khôi phục làng nghề may trở thành làng du lịch mang diện mạo hôm nay.

"Ngày đó, thấy anh Hòa muốn khôi phục nghề may đo, người ta nửa tin, nửa ngờ. Có thời gian, anh ốm liệt giường gần hai tháng trời tưởng chừng không qua khỏi, tôi chỉ sợ việc không thành, người ta lại chê cười cho"- chị Nguyễn Thị Thuyên, vợ anh Hòa cho hay.

Biến làng nghèo thành làng giàu

Quyết tâm cao, anh Hòa biền biệt khắp xứ những mong sẽ tìm được thầy giỏi để học lại ngón nghề may đã thất truyền thuở trước. Năm 1979, anh nghe nói ở Hà Nội có mở nghề cắt may đo, anh vui lắm. Ngay hôm sau anh lên đường ra Hà Nội, bắt đầu những ngày theo học may đo. Với khát vọng khôi phục làng nghề cha ông anh đã lao vào học một cách say sưa, cần mẫn, đến nỗi người gầy rộc, xanh xao. Anh học từ việc dễ nhất như cách cầm kéo, cách dùng thước đo khổ áo, quần, tra cúc cho đến phần khó nhất như tra cổ, vắt sổ… Và chỉ trong thời gian 5 tháng theo học, anh đã có thể thông thạo toàn bộ các kỹ năng, vận dụng một cách thành thục, nhuần nhuyễn để hoàn chỉnh những bộ quần áo đầu tiên trong cuộc đời hành nghề của mình.

Trở về làng, nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương anh đã mở xưởng sản xuất may thủ công nhỏ tại nhà, chủ yếu phục vụ nhu cầu may đo quần áo cho nhân dân trong vùng. Sau 2 - 3 năm, nhân dân khắp trong thôn, ngoài xã ùn ùn kéo về học nghề. Và anh quyết định mở các lớp dạy miễn phí cho nhiều người, trong đó có cả con em các thương bệnh binh. Lớp học may của anh hồi đó đã thu hút trên dưới 200 học viên tới theo học. Sau khi học xong anh trực tiếp giao khoán sản phẩm đến từng hộ gia đình, nhờ đó mà họ có thêm thu nhập, cuộc sống được cải thiện. Trong lứa học trò của anh hồi đó sau này đã có nhiều người thành danh, trở thành những ông chủ lớn trong nghề may đo như anh Toản, anh Tuấn, anh Thi, anh Cường… hiện vẫn đang miệt mài gìn giữ nghề tiên tổ.

Nói về người thầy của mình, anh Tuấn- chủ một hiệu may trong thôn cho biết: “Nếu không có thầy Hòa thì không có chúng tôi hôm nay. Thầy Hòa dạy chúng tôi đủ điều, từ những bộ phận đơn giản cho đến những động tác khó nhất để làm nên một bộ quần áo hoàn chỉnh. Thậm chí lúc đó chúng tôi không có vốn để làm nghề, thầy đã đến tận nhà động viên và cho vay vốn làm ăn. Thật tình tôi và mọi người không biết phải cảm ơn thế nào cho xứng đáng, chỉ mong thầy tiếp tục có thêm sức khỏe để đào tào cho làng nghề nhiều người thành đạt trong nghề may”.

Nhiều gia đình khi mới bắt tay vào sản xuất không có vốn để mua máy móc, dụng cụ làm may, anh Hòa đã tận tình cho vay không lấy lãi, có hộ cho đến bây giờ mới trả hết.

Mô hình “tam tự”

Ông Nguyễn Ngọc Dương- Chủ tịch UBND xã Văn Từ nói với chúng tôi: “Anh Hòa là người có nghị lực thép, dẫu mang trên mình thương tật của chiến tranh nhưng không khi nào anh bi quan chán nản. Lúc nào cũng hết mình với phong trào phát triển kinh tế địa phương.

Vào những năm tháng làng nghề chúng tôi gặp khó khăn tưởng chừng như không thể đứng vững, vậy mà nhờ có sự tận tụy của anh, chúng tôi đã vực dậy được làng nghề không những mạnh về kinh tế, có thu nhập cao mà còn trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Ngoài ra, anh còn tham gia đào tạo rất nhiều lớp thế hệ kế cận để tiếp tục duy trì làng nghề may cho đến hôm nay, nhiều người trong số đó đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp dựng xây quê hương đổi mới. Anh Hòa đã thể hiện rõ bản lĩnh cũng như phẩm chất của người lính Cụ Hồ”.

Với những đóng góp của mình, anh thương bình Trần Văn Hòa đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng, bằng khen của các tổ chức trong, ngoài tỉnh: Năm 2003, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào giúp nhau nâng cao đời sống xóa đói giảm nghèo và làm kinh tế giỏi. Anh đoạt bằng khen về thành tích phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 1991-2000; giấy khen phong trào phát triển tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 1996-2000…

Hiện căn nhà nơi anh Hòa đang sống đã dần trở thành đại lý cấp I về thức ăn gia súc, gia cầm cho Công ty Thai Way ở Khu công nghiệp Đông Anh. Rồi anh kiêm luôn cả vai trò bác sĩ thú y, ngày ngày cần mẫn đi xe đến từng hộ gia đình đôn đốc, tư vấn cách phòng và chống các dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mỗi khi có dịch bệnh lây lan. Anh chăm chỉ đọc báo, nghe đài, cập nhật thông tin để nâng cao hiểu biết cho bản thân rồi cùng chia sẻ với bà con.

Chẳng hạn như mô hình “tam tự” (tự đóng góp, tự làm và tự vận động) của Hội Chiến binh do anh Hòa làm Chi hội trưởng với 29 hội viên đã giúp cải thiện đời sống của hàng trăm hội viên nơi thôn quê. Trong đó, Hội đề cao việc ưu tiên chăm lo tới đời sống của những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức động viên thăm hỏi sức khỏe, tặng quà cho các gia đình neo đơn, gia đình có công với cách mạng và hướng nghiệp cho con em các thương bệnh binh, người khuyết tật giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Chính vì thế, bây giờ về Từ Thuận, người ta không còn thấy hình ảnh những ngôi nhà cũ kỹ, nghiêng ngả, đổ nát xưa kia nữa mà khắp nơi đang mọc lên những ngôi nhà mới. Và trong thành tựu chung ấy, nổi lên là sự đóng góp của anh thương binh Trần Văn Hòa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem