|
Người tiêu dùng mua đường. Ảnh soctrang.gov |
Người tiêu dùng bắt đầu lo ngại
Ngày 22-7, Ban quản lý chợ Cái Khế (TP.Cần Thơ) cho biết, giá đường niêm yết của hơn 10 cơ sở bán sỉ và lẻ ở đây dao động ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với tuần trước.
Khảo sát ở các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải khát tại trung tâm TP.Cần Thơ, tất cả những nơi này đều khẳng định, giá đường đang là áp lực với việc kinh doanh của họ trong suốt nửa tháng qua.
Anh Huỳnh Hồng Linh - chủ một quán ăn và cà phê ở đường 30 Tháng 4 (quận Ninh Kiều), cho biết: “Chúng tôi tiêu thụ vài trăm kg đường mỗi ngày, giá tăng lên 1.000 đồng/kg là chúng tôi chịu giảm khoảng 15% lợi nhuận”. Trên thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh chúng tôi khảo sát cho biết, họ đã tăng giá trong tuần qua, đặc biệt là giá các loại nước giải khát pha chế (cà phê, nước ép cocktail, sinh tố...).
Tuy nhiên, nhóm các cơ sở sản xuất bánh kẹo được cho là đang chịu áp lực lớn nhất từ việc đường tăng giá trở lại một cách bất thường và liên tục như thời gian qua.
Anh Phan Văn Mỹ, đại diện một cơ sở sản xuất bánh kẹo lớn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang), cho biết: Đang chuẩn bị cho mùa Trung thu và ngày khai giảng năm học mới, nên các cơ sở sản xuất bánh kẹo đều tập trung nhập nguyên liệu và đường về để sẵn sàng cho ra lò những đợt sản phẩm mới. Tuy nhiên, anh Mỹ tính toán, chỉ trong vòng 2 tuần qua, giá đầu vào nguyên liệu đã tăng lên hơn 20% so với cùng kỳ năm 2009, trong đó, riêng đường cát đã đẩy giá thành lên hơn 15%.
Anh Mỹ khẳng định: “Chắc chắn với giá đường từ 19.000 đồng/kg như hiện nay, các cơ sở phải tăng giá từ 20 – 30% mới bù lỗ giá đầu vào”.
Nghịch lý giá đường…
Theo thông tin NTNN có được, lượng đường trong nước đang tồn kho khá lớn và lượng đường nhập khẩu hồi đầu năm (khoảng 150.000 tấn) thực chất cũng chưa tiêu thụ hết. Hiện mức tiêu thụ đường của Việt Nam đang dao động từ 60.000 – 70.000 tấn/tháng, trong khi theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng đường tồn trong nước đang ở mức 330.000 tấn (chủ yếu ở các kho doanh nghiệp và nhà máy chế biến).
Theo khảo sát của chúng tôi, giá đường thế giới giao dịch ngày 21-7 tại sàn London (Anh) chỉ ở mức 520 USD/tấn (tức khoảng 13.000 đồng/kg). Mức giá này có tăng chút ít so với tuần trước, nhưng thấp hơn 25% so với đầu năm. Câu hỏi đặt ra là: Viện dẫn nguyên nhân giá đường thế giới tăng làm giá đường trong nước tăng cao có hợp lý?
Chưa kể, mỗi ngày tại khu vực biên giới phía Tây (khu vực giáp ranh giữa tỉnh An Giang và Campuchia), một lượng đường lậu từ Thái Lan tràn sang không dưới 700 tấn/ ngày với giá cực thấp, chất lượng cao (!). Như vậy mỗi tháng đường lậu từ Thái đã chiếm gần 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Cung cao hơn cầu mà giá vẫn tăng đều đặn đang là vấn đề nghịch lý của giá đường trong nước.
Tìm hiểu vấn đề này, một đầu mối thông tin có giao dịch làm ăn nhiều năm với nhiều nhà máy đường trong cả nước, cho biết: Hầu hết lượng đường tồn trong kho của doanh nghiệp thực chất đã bán hoặc ký hợp đồng bán (dạng đặt cọc) cho các doanh nghiệp bán sỉ và các nhà phân phối lớn. Vì vậy, dù tồn kho lớn, nhưng thực chất việc bán ra lại không do các nhà máy hay doanh nghiệp sản xuất quyết định nữa. Khi nào bán ra và bán giá nào đều do “người mua” lô hàng đang còn nằm trong kho doanh nghiệp sản xuất ra nó ấn định (?).
Nhiều đại lý bán sỉ và lẻ lớn ở miền Tây cũng xác nhận thông tin: Họ đã liên lạc nhiều lần với các nhà máy để đặt hàng mua đường, nhưng hầu hết đều bị từ chối vì “hết hàng” (?). Điều này đặt ra vấn đề, có hay không chuyện các doanh nghiệp sản xuất và các nhà buôn - kinh doanh phân phối mặt hàng đường “bắt tay” ghim hàng nâng giá để trục lợi trước thời điểm “vàng” của tiêu thụ đường?
Quốc Huy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.