Người Tống không có chữ viết riêng, hiện nay chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính. Nghề truyền thống của bà con là làm nông nghiệp, cấy lúa nước và gieo trồng trên nương rẫy. Cách thức canh tác và chế tác nông cụ của người Tống không khác gì người Tày, Dao. Trước đây, trang phục của đàn ông Tống là đầu cạo nhẵn chỉ để một chỏm tóc dài (giống người Mông) trên đỉnh đầu, vấn khăn đầu rìu bằng vải chàm, mặc áo tứ thân, quần lá toạ. Phụ nữ mặc áo ngắn với váy và khăn đội đầu màu chàm, đồ trang sức bằng ngà voi hay một số lâm sản từ rừng.
Hiện nay, đa phần đồng bào Tống nhiều tuổi thì vận trang phục giống người Tày, còn những người trẻ lại ăn vận giống người Kinh. Khác với ở một số dân tộc thiểu số phía Bắc khác, gia đình người Tống là gia đình nhỏ phụ quyền do người cha hoặc người chồng làm chủ. Anh em trong họ ai sinh trước đều được gọi là anh hay chị, không kể con chú, bác, cô, cậu...
Dân số người Tống quá ít nên họ phải kết hôn với người thuộc các dân tộc khác, như Mông, Dao, Tày. Lấy vợ, lấy chồng của dân tộc nào, họ phải theo tục lệ của dân tộc ấy. Người Tống cũng có tục khi con gái đã đi lấy chồng không được về nhà mẹ để đẻ. Về thờ cúng, người Tống thờ tổ tiên và ma bếp là chính. Ma tổ tiên chia làm hai bàn thờ, một ở gian giữa gọi là “cô ống pù”, một đặt ở cửa ra vào gọi là “chủi ke to”. Ma cửa là ma tổ tiên đã qua 4 - 5 đời. Ma bếp “chủi ke pi” thờ ở bếp, cúng vào lúc 12 giờ đêm, phải bí mật không cho người ngoài biết; chỉ có người nhà và thầy cúng mới được ăn cỗ này. Người Tống kiêng không chọc que, đổ nước, hơ quần áo vào bếp. Ngoài thờ ma tổ tiên, ma bếp, người Tống còn thờ ma rừng, ma núi, ma nước…
Vinh Minh (Vinh Minh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.