Mặc dù đây không phải là kịch bản xuất sắc, nổi đình nổi đám của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, song qua màn thể hiện của các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam, người xem vẫn bị lay động bởi nội dung chất chứa nhiều vấn đề nhức nhối của cuộc sống.
Cô đơn vì là… người tốt
"Người tốt nhà số 5" kể về nhân vật Hiệp và những gia đình chung sống trong một căn nhà. Ngôi nhà chung đó như một xã hội thu nhỏ, mỗi gia đình là một hoàn cảnh khác nhau, phản ánh các mặt của thực tại cuộc sống, của cái tốt và cái xấu luôn bủa vây mỗi chúng ta. Hiệp là người tốt, nhưng anh cô đơn giữa những người xung quanh bởi khi được thuyết phục, rủ làm điều xấu anh không chịu. Thậm chí anh còn không ngại ngần vạch ra cái xấu ngay cả khi đó là Bình - người bạn thân nhất đã cho anh mượn căn phòng để ở nhờ.
Ngoài diễn viên chính Thế Nguyên trong vai Hiệp là gương mặt trẻ phải đảm đương vai vai diễn khá nặng, thì các vai còn lại đều do các nghệ sĩ nhiều kinh nghiệm của Nhà hát Kịch Việt Nam đảm nhận. NSƯT Dũng Nam trong vai kỹ sư Bình, NSND Việt Thắng trong vai ông Kỉnh, nghệ sĩ Khuất Quỳnh Hoa trong vai Yến, nghệ sĩ Thanh Hường vai bà Ngoạt…
Không chịu nổi người tốt này, những người xung quanh cùng nhau tìm cách chê bai, đổ lỗi cho anh. Nhưng sau khi Hiệp bị đẩy ra khỏi ngôi nhà chung ấy, mọi người bắt đầu nhìn lại "người tốt nhà số 5" và chính họ.
Ngay khi tấm màn nhung mở ra, sân khấu hiện ra 5 cánh cửa tượng trưng cho 5 căn phòng bị giăng kín bởi những sợi dây như sợi tơ nhện, những con người bên trong cố gắng vén màn tơ, khắc khoải với nỗi đau khi không thể gỡ được mớ bòng bong của chính mình. Ý đồ của đạo diễn rất rõ khi thể hiện tư tưởng của tác giả: Những người trân trọng, biết được người tốt, điều tốt luôn trong vòng "tơ nhện", còn người tốt với lý tưởng kiên định thì tuy không lúc nào bước qua lưới tơ nhện chằng chịt ấy, nhưng trên sàn diễn, anh ta lại thật cô đơn…
Vở "Người tốt nhà số 5" tuy không nằm trong số các kịch bản hay của Lưu Quang Vũ, không nổi bật như: "Lời thề thứ 9", "Mùa hạ cuối cùng", "Hồn Trương Ba da hàng thịt"…, nhưng chính vì thông điệp của vở kịch vẫn mang tính thời sự, vẫn nóng hổi hơi thở cuộc sống nên người xem rất muốn biết cách thể hiện của mỗi đạo diễn.
Theo đánh giá của một số nhà phê bình, "Người tốt nhà số 5" là kịch bản rất khó dựng, khó diễn. Bởi đây là kịch bản dường như không có xung đột, với những đối thoại ông nói gà bà hiểu vịt, với các nhân vật "đồng sàng dị mộng". Viết từ năm 1984, nhưng cố tác giả Lưu Quang Vũ đã sớm nhận ra người tốt là điều quá hiếm hoi đến mức trở nên lạc lõng, "điên rồ" trong xã hội hiện đại.
Đem lại nhiều cảm xúc
Vở kịch "Người tốt nhà số 5" rõ ràng kén khán giả, nhưng các đêm diễn tại Nhà hát Kịch Việt Nam đều chật kín người xem. Giữa mùa dịch Covid-19, khán giả đến rạp đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn trước khi vào cửa, đeo khẩu trang suốt đêm diễn…
Nhưng điều đó không ngăn được những tràng pháo tay nổi lên, những tiếng cười phấn khởi của khán giả khi nghệ sĩ Thanh Hường thể hiện cú trượt ngã trên sân khấu, rồi đoạn vợ chồng Chất quay về ôm nhau khi nhận ra người này đã không thật sự thấu hiểu sự hy sinh của người kia… Được biết, vở kịch này cũng chính là bài thi tốt nghiệp lớp đạo diễn đại học sân khấu của đạo diễn Tạ Tuấn Minh vào năm 2018. Sau đó năm 2020, vở diễn đã được Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng lại, chọn làm vở diễn chính thức của nhà hát. "Lòng tốt bây giờ chỉ có trong viện bảo tàng, và mỗi chúng ta chính là một viện bảo tàng ấy… Thông điệp của vở diễn chính là, người tốt có cần không? Người tốt không thể chỉ là khát khao của mỗi cá nhân, mà phải là sự đồng lòng, thấu hiểu trong cả xã hội thì cái tốt mới tồn tại, lan tỏa" - đạo diễn Tạ Tuấn Minh chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.