Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất trích nộp 2% phí công đoàn

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 03/06/2024 15:29 PM (GMT+7)
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất giữ khoản thu kinh phí công đoàn 2%, trong đó chia 25% kinh phí công đoàn cho công đoàn cấp trên và 75% cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Bình luận 0

Chiều 3/6, Quốc hội nghe Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày tờ trình về Dự luật Công đoàn (sửa đổi). Một trong những điểm được dự luật này điều chỉnh, sửa đổi là "tài chính công đoàn". 

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất trích nộp 2% phí công đoàn- Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: QH

2 phương án chia kinh phí công đoàn

Ông Khang cho hay, Luật Công đoàn năm 1957 và Luật Công đoàn năm 1990 đều đã quy định về nguồn thu tài chính công đoàn. Tới Luật Công đoàn 2012 quy định: Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ông Khang trình bày tờ trình nói khoản kinh phí này "chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 0,14% đến 0,2% chi phí của doanh nghiệp".

Dẫn chiếu các nghị quyết của Trung ương trong đó có nói về tài chính công đoàn và kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp thời Covid-19, ông Khang nói "cần phải xem xét, bổ sung vào dự thảo luật nội dung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn".

Đồng thời, kinh phí công đoàn hiện vẫn còn chưa tạo được sự đồng thuận cao về mục đích, cách thức sử dụng. Bộ luật Lao động 2019 lại đã cho phép thành lập "tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp", mà quyền và trách nhiệm của tổ chức này trong quan hệ lao động được đảm bảo bình đẳng với tổ chức công đoàn ở cơ sở. Do đó, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Một phương án là việc trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp để cho Chính phủ quy định. Phương án 2 là quy định cụ thể: công đoàn cấp trên được trích 25% và 75% còn lại phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo từng trường hợp cụ thể.

Khắc phục thất thu kinh phí công đoàn

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng: để bảo đảm tính khả thi của dự luật, cần phải tổng hợp tài chính công đoàn, thu - chi theo các nguồn trong giai đoạn 2019-2023 hoặc từ khi Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực đến nay và theo 12 nhiệm vụ chi của Luật Công đoàn năm 2012. Cũng cần làm rõ hơn nhu cầu sử dụng kinh phí công đoàn trong thời gian tới để làm căn cứ cho việc quy định những nhiệm vụ chi mới hợp lý, hiệu quả, tránh tình trạng kết dư lớn và nghiên cứu giải pháp khắc phục thất thu kinh phí công đoàn.

Dù tán thành việc sửa đổi các quy định về tài chính công đoàn, cơ quan thẩm tra đề nghị Tổng Liên đoàn phải tiếp tục rà soát từ thể chế đến bộ máy và cơ chế quản lý tài chính công đoàn. Tán thành duy trì quy định "kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm", Ủy ban Xã hội cho hay, để doanh nghiệp, ĐBQH đồng thuận, thì Tổng Liên đoàn cần phải làm rõ trong tương lai "kinh phí công đoàn" có thể phải phân bổ cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tình hình thu, chi, sử dụng khoản kinh phí công đoàn này thế nào; cung cấp thông tin về chậm, trốn đóng và số kinh phí công đoàn không truy thu được.

Ủy ban Xã hội cũng đồng tình việc phải quy định việc miễn, giảm kinh phí công đoàn nhưng cần quy định rõ tiêu chí cụ thể.

Về hai phương án phân chia kinh phí công đoàn, Ủy ban Xã hội cũng có hai loại ý kiến liên quan đến hai phương án của Tổng Liên đoàn đề xuất. Đáng chú ý, ý kiến đồng thuận phải phân định tỷ lệ phân chia ngay trong luật cho rằng phương án này thể hiện sự công khai, minh bạch. Cũng có ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ phân chia kinh phí công đoàn theo hướng "tối thiểu 75%" cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, "tối đa 25%" cho công đoàn cấp trên để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem