Chưa thể kiểm soát bệnh lao Dù nằm điều trị tại khoa Lao - Bệnh viện (BV) Phổi T.Ư đã 2 tuần, nhưng Nguyễn Hải Anh (22 tuổi, quê ở Hải Dương) sinh viên ĐH Giao thông vận tải vẫn không tin nổi mình lại mắc bệnh lao. Hải Anh tâm sự: “Một năm em vẫn đi khám sức khỏe 2 lần, lần gần đây nhất là vào tháng 1 vừa qua, nhưng không phát hiện bệnh. Đến giờ em vẫn không hiểu tại sao mình lại có thể mắc lao”.
Bệnh nhân được điều trị tại khoa Lao (BV Phổi T.Ư).
Theo bác sĩ Hoàng Thị Phượng – Trưởng khoa Lao (BV Phổi T.Ư) thực tế điều trị bệnh cho thấy bệnh lao đang có xu hướng giảm ở lứa tuổi già và tăng ở lứa tuổi trẻ. Ở lứa tuổi 15 - 24, tỷ lệ phát hiện lao phổi dương tính mới trên 100.000 dân tăng từ 37,5% (năm 2008) lên 42,3% (năm 2013) đối với nam giới còn ở nữ giới là từ 22,8% lên 27,3%.
TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: Phần lớn các bệnh nhân đang điều trị tại BV đều là những bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, riêng bệnh nhân đã mắc lao kháng thuốc và kháng đa thuốc (hoặc phát hiện muộn) sẽ được điều trị tại BV Phổi Hà Nội. “Thật đáng buồn vì chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát và khống chế được bệnh lao. Ngoài nhóm thanh niên trẻ chủ quan, ít khi đi khám bệnh, tôi đặc biệt lo ngại về nhóm bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch có HIV/AIDS, nhóm bệnh nhân đái tháo đường, bệnh nhân nghiện rượu có dùng corticoid và nhóm bệnh nhân trong trại giam… Đây là nhóm khó kiểm soát bệnh và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan lao” – TS Nhung đánh giá.
Số liệu của chương trình phòng chống lao quốc gia cập nhật tới tháng 1.2014 cho thấy, mỗi năm Việt Nam chỉ phát hiện khoảng 1.000 trường hợp mắc lao, trong khi đó số mắc mới hàng năm ước khoảng 200.000 trường hợp. Cộng dồn trong 10 năm qua Việt Nam có khoảng 1,1 triệu người mắc bệnh lao.
Hiện Việt Nam có khoảng 3.700 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc cần được điều trị và số bệnh nhân chết do lao là gần 30.000 người/năm.
Cảnh báo lao thai sản Không chỉ có xu hướng trẻ hóa, người mắc bệnh lao trong thời kỳ thai sản cũng có chiều hướng gia tăng. Chị Nguyễn Thị Huyền (Quảng Bá, Hà Nội) vừa trải qua những tháng ngày đau đớn vì bị lao trong thời kỳ mang thai. Chị Huyền kể: Cách đây 1 năm chị có thai, đến tháng thứ 5 thì có hiện tượng sốt nhẹ, ho dai dẳng. “Tôi có uống thuốc bắc, còn người thân thì cho rằng ho là do thai nhi đang… mọc tóc nên không phải lo. Khi thai nhi đã được 8 tháng, tôi đi khám và làm xét nghiệm để sinh mới biết mình mắc lao và được giới thiệu vào điều trị tại BV Phổi T.Ư” - chị Huyền buồn bã nói.
Bác sĩ Phượng – người trực tiếp điều trị cho chị Huyền nói: “Huyền nhập viện tình trạng bệnh diễn biến rất xấu. Lúc này, Huyền đã mắc lao toàn thể: Lao xương, lao cột sống, lao màng não…”. Chính vì vậy mà con trai của chị Huyền đã bị nhiễm lao ngay từ trong bụng mẹ. Hai tuần sau khi sinh, dù được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng cháu bé vẫn không thể qua khỏi.
“Thực tế điều trị có rất nhiều thai phụ mắc bệnh lao, đa phần đều phát hiện ở giai đoạn muộn do tâm lý chủ quan. Vì thế khả năng thai nhi bị nhiễm lao và tử vong sau sinh là rất lớn” – bác sĩ Phượng khuyến cáo.
Mặt khác, theo phân tích của bác sĩ Phượng, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ nhiễm lao nhất vì trong quá trình mang thai, hệ miễn dịch của cơ thể người mẹ yếu hơn bình thường. Trong khi đó tại các cơ sở y tế, bác sĩ sản khoa lại chưa có đầy đủ phương tiện để phát hiện bệnh lao.
“Chỉ trong năm 2013, khoa Lao đã tiếp nhận điều trị cho 50 ca lao thai sản. Trong đó có 2 ca thai nhi bị nhiễm lao từ mẹ và tử vong ngay sau sinh. Mặc dù số lượng bệnh nhân lao thai sản là không nhiều nhưng nó để lại những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tâm lý, đặc biệt là ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dân số” – bác sĩ Phượng cảnh báo.
20 năm mới có một công bố về thuốc chống lao mới Trong khi các hãng dược liên tiếp tung ra thị trường các loại thuốc, dược phẩm chức năng mới để chữa các căn bệnh như tim mạch, tiểu đường thì phải đến 20 năm nay, giờ mới có thuốc mới để điều trị lao. Điều này chứng tỏ, không chỉ riêng cộng đồng, mà ngay cả các nhà khoa học, tổ chức Chính phủ cũng đang lãng quên bệnh lao. Năm 2012 một hãng dược phẩm của Hoa Kỳ công bố nghiên cứu về một loại thuốc chống lao có tên Bedaquiline (Sirturo). Tháng 2.2014, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, đại diện Cục Dược, Cục Cảnh sát dược VN… đã tổ chức phiên họp về việc triển khai Bedaquiline ở Việt Nam. Theo đó, dự kiến tháng 11.2014 chúng ta có thể ứng dụng loại thuốc này vào điều trị cho bệnh nhân tiền siêu kháng thuốc và lao kháng đa thuốc tại Hà Nội, TP.HCM và Cần Thơ. TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi T.Ư
Cần học tậpmô hình của Trung Quốc Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã giảm hơn 50% số ca bệnh lao nhờ việc áp dụng rộng rãi chiến dịch bài trừ bệnh lao của WHO. Từ năm 1990, nước này mở rộng chiến lược trị liệu, theo dõi trực tiếp (DOTS) trong cả nước. Theo đó, các bệnh nhân phải uống thuốc mỗi ngày trong khoảng thời gian từ 6 - 9 tháng. Để yêu cầu bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc, nhân viên y tế đã phải đến nhà của bệnh nhân mỗi ngày để bảo đảm là bệnh nhân phải uống đủ liều thuốc. Hiện Trung Quốc đã giảm được tỷ lệ nhiễm lao từ 170/100.000 người xuống còn 59/100.000 người. Điều này có nghĩa là tỷ lệ lây lan bệnh lao đã giảm 57%. Nguồn Tập san Lancet.com.
|
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.