Người trẻ vương vấn bài chòi

Thứ ba, ngày 26/03/2013 06:32 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Như một dòng tâm thức, dân ca bài chòi luôn âm ỉ chảy trong huyết mạch văn nghệ miền Trung. Gần đây có thêm nhiều câu lạc bộ đàn hát dân ca bài chòi đã được thành lập khắp nơi, thu hút thêm nhiều người trẻ tuổi yêu mộ...
Bình luận 0

Những người giữ lửa...

Tại thôn Phú Hiệp (xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên), nghệ sĩ Bình Thảng được nhiều người quý trọng, mến mộ. 45 tuổi, làm cán bộ xã và nhiều “chức vụ” văn nghệ như: Ủy viên Ban chấp hành Chi hội Sân khấu Phú Yên, Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa... nhưng “oách” nhất có lẽ là công việc dạy hát dân ca bài chòi tại nhà (học phí... ngẫu hứng).

img
Một hội hô (đánh) bài chòi xuân ở Phú Yên.

Nghệ sĩ Bình Thảng kể: “Mỗi tuần dạy bài chòi 1-2 buổi, tùy vào thời gian rảnh của tui và học viên. Phần đông học viên là học sinh và người yêu thích dân ca bài chòi, họ yêu mến loại hình dân ca này mà học thôi. Tui cũng phải chọn người có chất giọng để lập đội tham gia các chương trình văn nghệ, phục vụ các sự kiện của địa phương... Rất nhiều em thích thú và thật sự đam mê. Điều này càng thôi thúc tui hơn trong việc phát hiện những em có năng khiếu hát dân ca, để bồi dưỡng, để giữ dòng chảy dân ca, bài chòi Khu 5...”.

Riêng tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Đông Hòa), nghệ sĩ Bình Thảng đang đứng lớp dạy hát dân ca bài chòi miễn phí cho hơn 50 thanh thiếu niên, học sinh; khóa học đang hết sức khí thế, rôm rả. Mỗi tuần 2 buổi, ngoài 4 làn điệu cơ bản của bài chòi là xuân nữ, cổ bản, xàng xê và hò Quảng, các em còn được hướng dẫn hát một số làn điệu dân ca của Liên khu 5 và Nam Trung Bộ.

Nghệ sĩ Vân Phi (Tuy Hòa) nói: “Mình đã nhiều năm biểu diễn dân ca kịch bài chòi cùng với Đội thông tin lưu động Phú Yên. Tết về mà không có hội hát, hô bài chòi thì khí thế làng quê giảm hẳn. Bây giờ, không chỉ cơ quan nhà nước mà nhiều nhóm gia đình tự dựng hội chơi chòi. Mừng một điều là bây giờ có nhiều em trẻ đến câu lạc bộ dân ca của chúng tôi. Các em yêu chuộng thực sự chứ không theo phong trào đâu”.

Hiện nay, những người “rực lửa” dân ca bài chòi ở Phú Yên có thể kể ra rất nhiều như các nghệ sĩ Phụng Kỳ, Mai Hoàng, Xuân Hiếu, Phùng Long Ẩn, Huỳnh Trọng Thống, Tám Thủy...

Dòng chảy tâm thức

Thể loại dân ca kịch bài chòi hình thành và phát triển trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ vào khoảng cuối thế kỷ 15, theo bước chân mở mang bờ cõi của chúa Nguyễn. Trong suốt chiều dài thăng trầm 5 thế kỷ, với hình thức sơ khai là trò chơi đánh bài chòi (hay còn gọi là hô bài chòi), dân ca kịch bài chòi trở thành loại hình nghệ thuật dân gian gần gũi, đặc sắc thể hiện tâm tư, tình cảm, cuộc sống sinh hoạt của người dân duyên hải miền Trung.

Theo GS Hoàng Chương- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, “bài” có nghĩa là trò chơi văn hóa nghệ thuật, còn “chòi” là cái chòi để người chơi ngồi. Bài chòi về sau này phát triển được sáng tác thêm những điệu hát dài hơn, có thể vận dụng nhiều cách hát hơn như trong các vở tuồng, cải lương...

Hiện các cơ quan chức năng đang lập hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong sự bùng nổ các phương tiện giải trí, dân ca kịch bài chòi ít được xuất hiện trên ánh đèn sân khấu mà âm thầm sống trong lòng những nghệ sĩ và bao thế hệ người dân một thời yêu mến gắn bó với loại hình nghệ thuật đặc sắc này. Vẫn còn đó nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ nặng lòng, ăm ắp tình yêu với dân ca kịch bài chòi. Đặc biệt, tại các nhóm nhạc, câu lạc bộ đàn hát dân ca ở Bình Định - Phú Yên – Khánh Hòa, có rất nhiều bạn trẻ đang ngày đêm say sưa học hỏi, ngân lên làn điệu bài chòi lắng đọng, mộc tình như tấm lòng người Nam Trung Bộ.

Phục hồi, giữ gìn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này là nhiệm vụ khẩn thiết, được ngành văn hóa cùng các đoàn nghệ thuật, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên, khán giả... hết sức quan tâm. Thế nhưng vẫn còn nhiều cái khó, như lời của nghệ sĩ Hoàng Hường – Phó phòng Nghệ thuật quần chúng (Trung tâm Văn hóa và xúc tiến du lịch Phú Yên): “Cái thiếu nhất vẫn là tâm huyết của những người phụ trách các cơ quan chức năng, họ phải biết nóng ruột với sự phôi phai của một dòng bản sắc, một tình yêu đau đáu với bài chòi trong lòng nhân dân...”.

Mặc lòng, xuân về các hội đánh bài chòi vẫn rộn rã, thôi thúc lòng người tại nhiều vùng đất miền Trung, như một câu ca dao: “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún ra”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem