Người trồng lúa hàng thập kỷ vẫn nghèo, đại biểu đề xuất loạt chính sách đột phá cho tam nông
Trăn trở vì người trồng lúa hàng thập kỷ vẫn nghèo, đại biểu đề xuất loạt chính sách đột phá cho tam nông
An Linh
Thứ tư, ngày 01/11/2023 08:59 AM (GMT+7)
Theo đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng), dù gánh trách nhiệm an ninh lương thực nhiều thập kỷ song thu nhập người trồng lúa vẫn chênh lệch lớn với mặt bằng chung. Vì thế cần nhiều chính sách đột phá để họ thoát nghèo, xây dựng tam nông hiện đại.
"Gồng gánh" an ninh lương thực mấy thập kỷ vẫn nghèo
Phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) nhấn mạnh đến những thành tự hàng thế kỷ của ngành nông nghiệp, người nông dân và người trồng lúa.
Theo đại biểu, đối với các nước châu Á nói chung, người Việt Nam ta nói riêng, lúa gạo là lương thực thiết yếu, không thể thiếu cho cuộc sống hằng ngày. Cây lúa chính là biểu tượng cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc và tới thời điểm hiện tại cây lúa vẫn đóng vai trò chủ lực của nền nông nghiệp nước ta.
Về thực tiễn, Đại biểu Vang cho biết, là một nước nông nghiệp, Việt Nam bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Nhưng với bàn tay cần cù, cộng với khả năng chịu đựng của người nông dân, ngành nông nghiệp đã tìm ra nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả để sản lượng lúa cả nước duy trì sản lượng tốt như hiện nay.
Kết quả là, năm 2023, sản lượng lúa gạo cả nước đạt trên 43 triệu tấn, bảo đảm nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Dù sản lượng cao, giá xuất khẩu tăng, song theo đại biểu Vang thu nhập từ nông nghiệp của người nông vẫn còn có sự chênh lệch, vẫn còn thấp rất nhiều so trước yêu cầu của cuộc sống.
Trước thực trạng người trồng lúa có thu nhập chưa tương xứng, thậm chí mão nghèo sau nhiều thập kỷ gắn bó với cây lúa, gánh trên vai trách nhiệm an ninh lương thực cho đất nước, Đại biểu Quốc hội đề xuất 3 nhóm mục tiêu cho chương trình tam nông thời gian sắp tới là: Nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân; Xây dựng ngành nông nghiệp hiện đại và Xây dựng nông thôn văn minh.
Lợi nhuận hạt lúa bị chia nhiều phần, nông dân bị viện mọi lý do ép giá
Đại biểu cho rằng, nhiều phân tích của các chuyên gia cho biết, quá trình từ hạt lúa giống đến hạt lúa sản phẩm đã bị chia lợi nhuận thành nhiều phần. Từ việc làm đồng đến chọn giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí ghi sổ nợ đến cuối vụ trả lãi. Bên cạnh đó, hạt lúa từ ruộng qua nhiều khâu trung gian như thương lái, cơ sở xay xát, vỡ lúa mới đến điểm thu mua của doanh nghiệp nhà nước.
“Những công đoạn này bị khấu trừ từ 5 đến 10% giá thành thu mua lúa. Trong khi giá mua trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu gạo chưa rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, có nhiều trường hợp nông dân bị thương lái viện nhiều lý do để ép giá”, Đại biểu Quốc hội Tô Ái Vang phân tích.
“Chính phủ cần kiểm mức giá thu mua cần tính đủ các mức chi phí thành phần, đảm bảo nông dân có lãi trên 30%” bà Vang nhấn mạnh.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiếp tục khuyến khích nhà khoa học nông nghiệp chuyển gen công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, chịu hạn mặn, sâu bệnh, được kiểm định và quản lý chặt chẽ, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn và cấp mã vùng trồng, công bố chất lượng kết hợp chỉ dẫn địa lý để nông dân có sự lựa chọn.
Đại biểu cho rằng, Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc cảnh báo tình hình thế giới đang có dấu hiệu bất ổn về lương thực. 36 quốc gia đang có báo động về tình trạng thiếu lương thực, dự trữ lương thực toàn cầu ở mức thấp nhất so với mức dự trữ bình quân của 25 năm qua, trong khi gạo được coi là thức ăn chính của một nửa dân số thế giới, khoảng 4 tỷ người.
Vì vậy, đề nghị sớm đầu tư và vận hành hệ thống kho dự trữ lúa gạo với đầy đủ trang thiết bị đặt tại 3 vùng trồng lúa tập trung của cả nước. Đây cũng là mục đích để chất lượng lúa gạo sau thu hoạch tốt hơn.
Vị đại biểu này cho rằng, sau khi thu hoạch, người nông dân phải được chủ động quyết định giá trị con đẻ do mình tạo ra thông qua nhiều kênh đã được các cơ quan hữu quan tổ chức hỗ trợ kết nối liên thông hoặc thực hiện theo hợp đồng tiêu thụ trong chuỗi liên kết.
Để có nông thôn văn minh, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần xây dựng các dữ liệu thu trực tiếp trên đồng ruộng của người dân qua các khâu tổ chức quản lý và sản xuất để hỗ trợ đưa ra các quyết định có căn cứ khoa học và đây chính là xu thế toàn cầu.
“Cần đầu tư phát triển các hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi cấp, thoát nước. Hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng còn gặp nhiều khó khăn. Theo đánh giá của ngành giao thông vận tải hiện nay, tỷ lệ đường đất chiếm tới 53,16%”, bà Vang nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.