Người truyền nghề sửa xe miễn phí cho trăm người

Thứ bảy, ngày 14/07/2012 17:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chẳng nhớ từ khi nào, mọi người gần xa gọi tôi là "ông thầy nghiệp dư chuyên dạy nghề miễn phí".
Bình luận 0

Gắn bó với công việc sửa xe máy đã gần 30 năm, giúp được hơn 100 người thành nghề, nhưng tôi chưa hề lấy của ai một đồng tiền công nào.

Nhà nghèo, lại đông anh em nên nghiệp học hành của tôi chỉ dừng ở mức biết đọc, biết viết và tính toán. Năm 1971, tròn 17 tuổi, tôi nhập ngũ và được điều vào chiến đấu tại chiến trường B, mặt trận Tây Nguyên. Là lính lái xe tăng, tháng 4.1975, khi đang cùng đồng đội hừng hực tiến vào cửa ngõ Sài Gòn thì tôi bị thương nặng (mất hoàn toàn chân trái, 1/3 gót chân phải và đa chấn thương khắp cơ thể). Phục viên về quê, tài sản tôi có chỉ là mấy gian nhà tranh cha, mẹ để lại cùng vài sào ruộng khoán. Cuộc sống càng khó khăn sau khi tôi lấy vợ, sinh con, căng sức tần tảo mà vẫn "ăn bữa trưa, lo bữa tối".

img
Ông Kim Quang Hợp trong cửa hàng "truyền nghề miễn phí" của mình.

Nghe lời khuyên của một đồng đội cũ, năm 1981, tôi khăn gói đi tìm thầy học nghề sửa chữa xe máy. Trải qua không ít lận đận, cuối cùng tôi cũng nắm được nghề trong tay để về mở quán sửa chữa xe máy...

Cửa hàng sửa xe máy Hợp Hưng của tôi ngày một đông khách, việc làm không xuể nên phải thuê thêm người giúp. Đó là con em của những đồng đội cũ có gia cảnh khó khăn, những thanh niên con nhà nghèo nhưng có ý chí vươn lên. Tôi dạy nghề miễn phí cho họ. Người ở xa, tôi lo cho ăn uống, chỗ nghỉ. Khi làm được việc, tôi trả lương theo sản phẩm và khả năng. Người học nhanh thì 3 tháng, chậm hơn thì 5- 6 tháng là thạo nghề. Học xong, tôi động viên, cho tiền tàu xe, hỗ trợ vốn để các em, các cháu mở cửa hàng. Những ai có nhu cầu ở lại, tôi sẵn sàng đón nhận.

Công việc tôi làm được nhiều người biết tới, đã có không ít lời đề nghị mời liên kết để mở cơ sở dạy nghề, nhưng tôi từ chối với lý do sức khỏe của một thương binh nặng, tuổi ngày một cao. Nhưng lý do chính khiến tôi trăn trở, đó là khi mở được một cơ sở dạy nghề có sự tham gia đầu tư của nhiều người, với sức ép của lợi nhuận thì chắc gì mô hình truyền nghề miễn phí cho người nghèo của tôi được duy trì...

Ông Kim Quang Hợp - phố Me, thị trấn Tam Dương, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem