Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, đã có tổng cộng 36.359 xe được bán ra thị trường trong tháng 10/2020, tăng 9% so với tháng liền trước và tăng đến 22% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường ô tô tăng trưởng
Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 28.755 chiếc, tăng 13% so với tháng liền trước; phân khúc xe thương mại đạt 7.122 chiếc, giảm 5%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 482 chiếc, tăng 25%.
Tỷ lệ tăng trưởng 9% theo tháng không phải là lớn nhưng trên thực tế, con số 36.359 xe bán ra thị trường lại là một kỷ lục về sức mua trên thị trường ô tô Việt Nam 2 năm trở lại đây.
Lưu ý là trước đó, vào tháng 10/2020, sức mua ô tô cũng đã có cú bứt tốc mạnh mẽ khi tăng trưởng đến 22% so với tháng 9/2020, đạt tổng cộng 33.254 chiếc. Còn nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, sức mua ô tô cả tháng 9 và tháng 10 đều tăng trưởng 2 con số.
Càng đáng khích lệ hơn khi thấy rằng, bức tranh thị trường ô tô cuối năm nay vẫn đang bị bao trùm bởi gam màu u ám do sức ép từ đại dịch Covid-19 đổ xuống.
Cũng bởi những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, ngành ô tô buộc phải bung sức gồng mình vượt qua khó khăn, trong đó đáng chú ý nhất là chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) từ Chính phủ.
Theo nội dung Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các loại xe ô tô CKD được hỗ trợ 50% tỷ lệ thu lệ phí trước bạ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô trong nước vượt qua khó khăn. Chính sách này trên thực tế đã giúp thị trường ô tô Việt Nam duy trì được sự ổn định suốt từ giữa năm cho đến nay.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ của Chỉnh phủ chỉ là giải pháp ngắn hạn và do đó, sẽ chính thức hết hiệu lực kể từ sau ngày 31/12/2020.
Người Việt mua xe "chạy" trước bạ
Mới đây, Bộ Tài chính đã có kiến nghị không kéo dài chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ đối với mặt hàng ô tô CKD. Một phần do đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, phần khác là chính sách này đã nhận những phản hồi gay gắt từ các doanh nghiệp nhập khẩu, Đại sứ quán Thái Lan và Indonesia (hai nước xuất khẩu ô tô nhiều nhất vào Việt Nam) và cơ quan thương mại châu Âu.
Giới kinh doanh ô tô nhận xét, ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất không gia hạn chính sách hỗ trợ, thị trường ô tô lập tức có những phản ứng mạnh mẽ. Lượng người tiêu dùng tham khảo và đặt mua các loại xe lắp ráp trong nước tăng vọt.
Trung, nhân viên sale của một đại lý Hyundai tại Hà Nội, cho biết những ngày qua, lượng khách mua xe đang tăng vọt. Thậm chí một số mẫu xe trước đây không phải "hàng hot" song cũng bán khá chạy.
"Tính ra, 50% trước bạ của một chiếc xe có giá khoảng 600 triệu đồng cũng lên đến ít nhất 30 triệu đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ với phần lớn người tiêu dùng, nhất là những người có nhu cầu mua xe vừa sử dụng cho gia đình, vừa dùng chạy taxi công nghệ. Khi chính sách hỗ trợ sắp kết thúc, việc người tiêu dùng tranh thủ mua "chạy" trước bạ là hoàn toàn dễ hiểu", Trung chia sẻ.
Tâm lý mua xe "chạy" trước bạ của người tiêu dùng cũng thể hiện khá rõ qua kết quả bán hàng của các loại xe CKD. Cụ thể, tổng sản lượng bán hàng các loại ô tô CKD tháng 11/2020 đạt 23.509 chiếc, tăng đến 15% so với tháng liền trước. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu chỉ đạt 12.850 chiếc, tăng vẻn vẹn 0,7%.
Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường cộng dồn 11 tháng năm 2020 đạt 248.768 chiếc, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 184.418 chiếc, giảm 13%; phân khúc xe xe thương mại đạt 60.833 chiếc, giảm 15%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 3.517 chiếc, giảm 27%.
Trong bối cảnh người tiêu dùng tranh thủ mua xe "chạy" lệ phí trước bạ đồng thời các hãng xe vẫn đang tiếp tục giảm giá, khuyến mại dồn dập, dự báo sức mua ô tô tháng cuối cùng của năm 2020 sẽ còn tiếp tục tăng trưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.