Người Việt phương xa tưởng nhớ Tướng Giáp

Thứ sáu, ngày 11/10/2013 06:54 AM (GMT+7)
Từ những cựu chiến binh đang sống ở Đức khắc cốt ghi tâm từng câu nói của Tướng Giáp, đến các du học sinh ở Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ đều rưng rưng khi hay tin Đại tướng qua đời, tất cả chung một tâm niệm mong về viếng Cụ.
Bình luận 0
Từng có dịp được gặp mặt và trò chuyện với vị tướng Anh hùng của dân tộc, nên Đặng Thế Sáng, một cựu quân nhân đã định cư lâu năm ở Đức có những ấn tượng và tình cảm rất đặc biệt đối với Đại tướng.

"Đó là sau dịp Tết Nguyên Đán năm 1994, khi tôi về thăm quê hương. Đến thăm mấy nhà báo, chúng tôi đang nói chuyện hân hoan thì Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng, gọi điện thông báo là Đại tướng đồng ý mời các nhà báo vào chụp ảnh để làm tư liệu sau này. Tôi quá may mắn được đi cùng với các nhà báo".

"Lúc vào đến cổng nhà số 30 Hoàng Diệu, tôi hồi hộp và run bắn khi nghĩ mình sẽ gặp Tướng Giáp, người mà tôi đã ngưỡng mộ từ hồi trẻ", anh kể. "Vừa vào phòng khách thì Đại tướng đi ra, tự nhiên mắt tôi nhòa đi. Bác Giáp giản dị, gần gũi làm cảm giác sợ sệt của tôi vụt biến mất".
Bức ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của anh Thế Sáng.
Bức ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp của anh Thế Sáng.
Anh Sáng còn nhớ như in, khi anh kể với Đại tướng rằng mình đang ở Đức, đã có vợ và có hai con, Đại tướng liền ôn tồn nói: "Người Việt mình ở nước ngoài luôn được họ tôn trọng và đánh giá cao là chăm chỉ và học tập tốt. Các cháu cố gắng dạy cho con em mình nói được tiếng Việt, cho các cháu về thăm gia đình và đừng quên Tổ quốc".

"Tôi như nuốt từng lời và gật đầu lia lịa", anh kể lại. Bức ảnh anh chụp cùng Tướng Giáp vẫn được treo trang trọng ngay giữa nhà ở Berlin từ hồi đó đến nay.

Kỷ niệm về lần gặp gỡ ấy khiến cho ngày 4.10 trở thành một ngày thật buồn với anh khi biết tướng Giáp đã qua đời. Sau vài phút "chết lặng", anh lập tức liên lạc với các đồng hương ở Berlin để báo hung tin. Bạn bè anh ai cũng bàng hoàng, sửng sốt.

Anh cho hay, tờ báo của Việt kiều tại Đức cũng đăng tải các thông tin về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau VnExpress ít phút. Hội người Việt tại Đức đang khẩn trương bàn bạc kế hoạch tổ chức lễ truy điệu Đại tướng vào ngày 13.10 tới, trùng với thời điểm diễn ra lễ truy điệu ông ở Việt Nam.

Hoàng Anh Minh, nghiên cứu sinh tại bang Illinois, Mỹ, cũng "biết tin Cụ mất từ trên Facebook và các tờ báo trong nước cũng như quốc tế vào buổi sáng ngày 04.10 ở Mỹ", anh xin phép được gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cách gọi thân mật.

"Mình cũng như các thế hệ đi sau vẫn luôn ngưỡng mộ và yêu mến Cụ, từ ngày còn rất nhỏ", Minh kể. "Khi đi học xa, có dịp đọc thêm được nhiều tài liệu, sách, báo, các cuộc phỏng vấn, phân tích của các nhà báo, tướng lĩnh bên này, mình lại càng thêm thấu hiểu, rồi khâm phục, tự hào và yêu mến tài năng, nhân cách và cuộc đời của Cụ hơn".

Cả ngày hôm qua, Minh nói anh thật sự cảm thấy một nỗi mất mát rất lớn. Anh dành nhiều tiếng liền ngồi đọc những bài báo viết về tướng Giáp. Sáng nay, anh dậy sớm để chờ xem thời sự lúc 19h ở Việt Nam thông báo chính thức về lễ tang để rồi không cầm được nước mắt. Đặc biệt, khi biết Đại tướng sẽ được an táng tại quê nhà Quảng Bình, Minh hết sức xúc động và thỏa lòng, bởi anh cũng là một người con của vùng đất gió Lào, cát trắng.

"Chưa từng được gặp Cụ, nhưng điều gây ấn tượng mạnh với mình nhất có lẽ là sự sáng suốt trong chỉ huy, đức "dĩ công vi thượng" trong hoạt động, và tính khiêm nhường nhưng quyết đoán mà cả cuộc đời Cụ đã sống và đã được thể hiện rõ trong sách", Minh nói. "Cụ là Đại tướng của nhân dân, từ nhân dân mà ra, và sẽ trở về với nhân dân, với đất mẹ. Một cuộc đời thật trọn vẹn".

Với Ngô Trung Hiếu, nhân viên ngành công nghệ thông tin tại Chiba, Nhật Bản, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quá đột ngột, bởi "đợt sinh nhật 103 tuổi vừa rồi, mình được biết là sức khỏe của Bác Giáp vẫn ổn", anh nói.

Là người hay tìm hiểu về lịch sử của đất nước, Hiếu đặc biệt yêu kính và ngưỡng mộ Bác Giáp và Bác Hồ. "Bác Giáp qua đời, mình cảm thấy như mất đi một người thân trong gia đình vậy", anh chia sẻ. "Mong ước lớn nhất bây giờ của mình là được trở về quê hương, hòa cùng dòng người tiễn đưa Bác Giáp".

Cách Nhật Bản hơn chục nghìn cây số nhưng Khánh Linh, du học sinh tại Blois, Pháp, cũng có chung ước nguyện "được về viếng Bác Giáp". Đọc bài viết "Tướng Giáp, người anh hùng của nền độc lập Việt Nam, đã từ trần" trên LeMonde, tờ báo lớn nhất ở Pháp, cậu du học sinh cảm thấy tự hào nhưng cũng không khỏi đau lòng.

"Hồi còn ở Hà Nội, sáng nào mình cũng đi học ngang qua đường Hoàng Diệu, chỉ ao ước ghé vào nhà Bác Giáp một lần. Giờ thì ko có cơ hội nữa rồi", Linh nói. "Bây giờ mình chỉ muốn được treo cờ rủ, đeo băng tang như đồng bào mình".

Tại Thiên Tân, Trung Quốc, Hoàng Như Quỳnh, du học sinh ngành Y, rưng rưng nước mắt khi hay tin dữ. Là một người con của Quảng Bình, Quỳnh cảm nhận rõ hơn bao giờ nỗi mất mát với quê hương trong những ngày này. "Khung cảnh quê hương tiêu điều sau cơn bão số 10 lại càng bi thương hơn trước tin Tướng Giáp ra đi. Cơn bão lớn như một điềm báo đối với đất Quảng. Bão của đất trời đã qua nhưng bão của lòng người sẽ còn dai dẳng", Quỳnh nói.

Tuy nhiên, trong nỗi buồn chung của người dân Việt Nam lúc này, có một điều khiến Quỳnh cảm thấy hãnh diện. Cô kể, một người bạn cùng phòng của mình đã sững sờ và xúc động khi được chính bạn học người Trung Quốc báo tin về Tướng Giáp. Điều đó cho thấy không chỉ người Việt mà cả những bạn trẻ nước ngoài cũng dành sự quan tâm đến vị Đại tướng danh tiếng của Việt Nam.

Quỳnh cho hay cô hy vọng sẽ có một tượng đài và con đường mang tên Võ Nguyên Giáp ở quê nhà, như một sự tri ân và cũng là lời nhắc nhở đến những thế hệ mai sau của Quảng Bình về vị tướng vĩ đại của dân tộc.

Từ London, nghệ sĩ múa Lê Ngọc Văn, thuộc đoàn ba-lê quốc gia Anh, bày tỏ niềm tin rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là một vị anh hùng ở trong trái tim nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

"Tôi luôn dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với Bác Giáp, dẫu chưa được một lần gặp gỡ và Bác cũng chẳng biết tôi là ai", anh nói. "Đôi khi ở đời luôn có những thứ tình cảm tinh thần thật lạ dành cho các bậc vĩ nhân như thế, dù không phải là máu mủ, ruột rà".

Cũng chính thứ tình cảm lạ mà quen ấy khiến Thế Sáng cảm thấy day dứt khi để mất một bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

"Tôi có ông chú họ, gia đình nghèo lắm. Trong nhà chẳng có gì đáng kể nhưng có một bức ảnh Bác Giáp đội mũ đại lễ rất đẹp, được treo trang trọng ở trên cao. Lần nào đến chơi tôi cũng ngắm. Một lần quê tôi bị lũ tràn vào, bức ảnh cũng bị thất lạc", anh kể, giọng chùng xuống.

"Từ bé tôi đã ngưỡng mộ Đại tướng. Khi còn nhỏ tôi hay chơi trò "cờ quân sự". Chúng tôi bao giờ cũng nhận Tướng Giáp về quân mình và không để Đại tướng "chết", phải giữ đến cùng. Nay Bác mất rồi, tôi ân hận quá vì không thể tìm lại được bức ảnh", anh đau buồn nói. "Bác ơi, con xin lỗi bác".
VnExpress (Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem