Người “viết sử” về làng dao kéo

Thứ hai, ngày 25/10/2010 01:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở làng nghề truyền thống rèn kéo sắc, dao bén nổi tiếng cả nước - Đa Sĩ, Hà Đông, Hà Nội có một ông già khôn nguôi nỗi nhớ thương di sản, hồn vía tiên tổ... Ông đã cầm bút viết lại chuyện làng mình.
Bình luận 0

Sách cho cả làng

img
 

Một người đàn bà trong làng đến nhờ ông Hoàn mấy việc về chữ nghĩa, trả tiền mua cuốn sách "Lại… việc làng" của ông hôm trước, cười rạng rỡ: Úi giời ơi, cháu đọc sách của ông mà biết ra bao nhiêu điều về làng mình! Từ ngày xưa cho đến sau này, rồi các chuyện phong tục, dân ca, đình, chùa, thôn xóm… của làng. Ông viết cuốn sách thật là quý quá!

Không riêng gì bà ấy, mà rất nhiều người trong làng Đa Sĩ đã đọc, đã thích sách của ông Huyền Khê Trịnh Quốc Hoàn. Ông vốn là một cán bộ thương phẩm, một người con cái nhà phú hộ, từng đi học trường Tây nhưng tự học Nho và viết thư pháp đẹp, theo Phật, cho đến giờ sống gần như ẩn dật, nhàn tản theo phong cách đạo Lão.

Nhiều người đọc sách của ông để thêm biết về một làng quê đã trăm năm, nghìn năm văn hiến chứ không chỉ có nghề rèn dao kéo vốn "lừng lẫy" bốn phương trời. Ông Hoàn kể: "Có anh kia một ngày mẹ mất, anh đem cái phần thủ tục tang lễ trong sách tôi viết ra mà thực hiện. Họ hàng từ Nam Định lên, các ông các bà mới ngạc nhiên quá, sao cậu trẻ thế mà đã biết làm đâu ra đấy!".

Ông Hoàn mang sách đến nhờ GS Trần Lâm Biền đọc bản thảo. Cụ Biền bảo: Tôi mới đọc thử một hai trang đầu, chằng ngờ thế nào mà đọc liền một mạch xong bản thảo. Tôi rất vui được viết lời giới thiệu và đề nghị được làm bạn với cụ!

Một cuốn sách nhỏ, không dám tham "ngó" sang làng khác, mà chỉ chuyên chú vào kể chuyện làng mình, từ lịch sử làng thế nào, chuyện ngôi đình ra sao, từ tích thành hoàng cho đến mấy việc làng việc xã của các ông lý trưởng, bá hộ sau này, rồi đến hội hè, lễ lạt… Không làm việc của một nhà nghiên cứu, ông Hoàn khéo léo kể chuyện, dẫn giải và lồng vào sách những người, những việc tai nghe, mắt thấy rất sinh động.

Đến nỗi mà GS Trần Lâm Biền cũng phải khen: "Huyền Khê đã đi vào nhiều góc cạnh văn hoá xã hội của làng Đa Sĩ xưa và nay, nhưng sao tập sách này vẫn có sức bao trùm lên cả nhiều vấn đề chung của xã, thôn VN thuở trước. Tập sách cũng đưa ra dược một số việc làng với những tư liệu khá thuyết phục mà nhiều nhà nghiên cứu lớn như đã chót chưa quan tâm tới".

Tấm lòng "để gió cuốn đi"

Ông Trịnh Quốc Hoàn sinh năm 1937, vậy là nay ông đã 73 tuổi. Ông tâm sự, cuộc đời nghĩ lại nhiều khi thấy mình như "chim phải tên sợ cành cong", nên cái việc viết lách e ngại vô cùng. Nhớ một năm nào đó rất xưa rồi, công tác trên Hoà Bình, trẻ tuổi bồng bột, ông cùng với người bạn "mở" tờ báo tường cơ quan, đặt tên là "Đãi sạn", ghi lại một cách châm biếm những việc chưa đúng, chưa hay. Ngay lập tức cơ quan họp kiểm điểm, quy là "Nhân văn giai phẩm". May mà ông thủ trưởng cao nhất lại "bênh" cho.

"Ở đời, ai mà chẳng mải mê, bận rộn mưu sinh. Chợt, có một lúc nào đó, ta dừng chân dưới một gốc đa, gốc bàng cổ thụ phía đầu làng, lòng ta không khỏi bâng khuâng nghĩ về dĩ vãng… Một cây bàng còn như vậy, một LÀNG ắt có biết bao dấu ấn, biết bao "CÁI NGÀY XƯA", khiến con người nghĩ đến mà tự hào, mà ngây ngất ấm lòng… Rồi, chính từ đó, trái tim ta xốn xang tình yêu quê da diết" (trích "Phi lộ" trong cuốn "Lại… việc làng").

Hoặc có những năm, làm việc ở Hà Đông, tổ chức cũng không lấy gì làm ưu ái lắm, nhưng viết lách lại tốt nên thủ trưởng thường yêu cầu viết văn bản, làm báo cáo thay. Lại có những năm tháng nghèo khổ, vợ chồng con cái phải trông vào mấy con lợn để mưu sinh. Vốn mê chữ nghĩa, thơ phú, nhưng rồi lại đi vào Đại học Thương nghiệp, mà ngay cái việc được thi và được học thôi, cũng đã rất "lằng nhằng". Muốn tránh đi, nhưng đến già rồi mà con chữ nó vẫn bám lấy, mà tấm lòng với bản quán cứ thôi thúc. Cũng vì thế mà ông lấy hiệu là Huyền Khê - chính là cái tên cổ của làng Đa Sĩ.

Ông Hoàn đau đáu: "Tôi cứ nghĩ mãi những chuyện xưa, thấy không viết lại cho lớp người sau biết được thì tiếc lắm! Nhiều đêm tôi nằm nghe gió thổi, cứ nhớ như in cái vườn học, hồi đầu còn để chỏm ra đó học bài, phượng vĩ cứ đỏ rực. Cái vườn học ấy có từ lâu lắm, là nơi các thầy đồ dạy trẻ, ở đấy có đủ bàn thờ Đức Khổng Tử, rồi Thất thập nhị hiền, trồng bao nhiêu loại cây. Bây giờ thì chẳng còn gì nữa…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem