Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân một huyện ở Bắc Giang xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

Đức Thịnh Thứ bảy, ngày 29/06/2024 09:11 AM (GMT+7)
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp trong huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) đã tập trung xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) phát triển, giúp đỡ, hỗ trợ trực tiếp hội viên, nông dân triển khai các dự án, mô hình phát triển kinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tăng trưởng ấn tượng

Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa cho biết: Thực hiện Đề án "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2020-2024", Hội ND huyện Hiệp Hòa đã chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kết luận về việc đồng ý để Ban Thường vụ Hội ND huyện tiếp tục tổ chức thực hiện Đề án "Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND giai đoạn 2020-2024".

Hàng năm, UBND huyện bố trí nguồn kinh phí 400 triệu động cho Quỹ HTND; Đảng ủy các xã, thị trấn chỉ đạo UBND cùng cấp bố trí kinh phí 5 triệu đồng cho Quỹ HTND xã, thị trấn.

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp nông dân một huyện ở Bắc Giang xây dựng nhiều mô hình hiệu quả- Ảnh 1.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) thăm mô hình nuôi bò thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Bẩy. Ảnh: Phương Nhung

Các hộ nông dân nông dân huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang tham gia dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND đầu tư chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, từ đó góp phần tăng số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi hàng năm, từ 12.302 hộ (năm 2019), lên 13.916 hộ (năm 2023).

Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhân rộng cách làm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND. 5 năm qua nguồn Quỹ HTND của các cấp trên địa bàn huyện chuyển biến rõ rệt. Năm 2019, tổng nguồn vốn quỹ do huyện quản lý là hơn 8,1 tỷ đồng. 

Đến nay tổng nguồn vốn quỹ đã tăng lên hơn 10,2 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2019, trong đó nguồn huyện gần 6,9 tỷ đồng, nguồn ủy thác là 3,4 tỷ đồng, đạt 147% mục tiêu đề án. Một số xã, thị trấn chủ động xây dựng nguồn quỹ và ở mức cao như: thị trấn Thắng (hơn 198 triệu đồng), xã Đoan Bái (155 triệu đồng), xã Đông Lỗ (142 triệu đồng), xã Hoàng An (138 triệu đồng)… 

Từ năm 2019 đến nay, Ban Điều hành Quỹ HTND huyện hướng dẫn, hỗ trợ gần 950 lượt hộ gia đình hội viên vay vốn để thực hiện hơn 100 dự án như: Chăn nuôi bò thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường, nuôi cá nước ngọt thâm canh, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cây đào cảnh…

Phát triển các mô hình liên kết sản xuất

Anh Nguyễn Văn Bẩy (thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa) là một trong những hộ được Hội Nông dân huyện hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND. Năm 2021, anh Bẩy được vay 50 triệu đồng từ Quỹ HTND để chăn nuôi bò thương phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ nguồn vay cùng tiền vốn của gia đình, anh mua bò giống, thức ăn và nuôi đều đặn từ 8-10 con mỗi năm; xuất chuồng sau khoảng 6 tháng. 

Anh Bẩy chia sẻ: "Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn nên việc chăn nuôi cơ bản thuận lợi. Với giá bò hơi trung bình 70.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm, gia đình tôi lãi từ 50-60 triệu đồng".

Còn anh Trần Văn Sơn (thôn Chằm, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa) được vay 100 triệu đồng từ Quỹ HTND từ năm 2023 để đầu tư nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn thương phẩm. Hiện gia đình anh nuôi cá trên diện tích 8.000m2 mặt nước và hơn 30 con lợn. Ngoài ra, gia đình anh còn trồng 100 gốc bưởi, 20 gốc nhãn…tổng thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo Hội ND huyện Hiệp Hòa cho rằng, vốn vay từ Quỹ HTND không nhiều nhưng rất ý nghĩa, nhất là với các hội viên khó khăn có thể xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Hội ND các cấp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa đã lựa chọn, xây dựng dự án, trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn hộ vay vốn thực hiện các dự án nhóm hộ liên kết sản xuất phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong 4 năm qua, Hội ND huyện đã hướng dẫn cơ sở Hội xây dựng được 92 mô hình kinh tế tập thể. Trong đó có 12 HTX nông nghiệp; 18 tổ hợp tác; 7 chi hội và 55 tổ hội nông dân nghề nghiệp, với hơn 1.000 thành viên tham gia.

Điển hình như mô hình chăn nuôi gà của Chi hội nông dân nghề nghiệp xã Hoàng An có quy mô: 12.000 con, hiệu quả kinh tế: 405 triệu đồng/lứa). Hay như mô hình chăn nuôi lợn và chế biến của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, xã Danh Thắng có quy mô 10ha, hiệu quả kinh tế: 42 tỷ/năm). Mô hình nuôi cá của HTX nuôi trồng thủy sản Thái Sơn có quy mô 10ha, sản lượng 5-6tấn/ha, hiệu quả kinh tế: 1,7tỷ/ha...

"Quá trình bình xét cho vay, Hội ND huyện phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên hộ có tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm sản xuất, bảo đảm các điều kiện để hoạt động. Đồng thời chú trọng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng nguồn vốn; thường xuyên đánh giá tính khả thi của các dự án; quan tâm nhân rộng các mô hình hiệu quả" - Chủ tịch Hội ND huyện Hiệp Hòa nói.

Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền cho biết: Khi thực hiện cho vay các dự án từ nguồn Quỹ HTND đều được Ban điều hành Quỹ tổ chức đi thẩm định trước khi cho vay và kiểm tra sau 30 ngày thực hiện giải ngân. Qua kiểm tra các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích.

Từ năm 2020 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 15 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt... cho 946 lượt hội viên và gần 500 lượt hộ vay vốn tham gia. Ngoài ra, Hội ND các xã, thị trấn đã chủ động tổ chức các buổi thăm quan học tập mô hình, các cuộc hội thảo đầu bờ để các hộ vay vốn giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem