Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện: Củng cố “thành lũy” cuối cùng

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 08/05/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 7/5, 3 cơ sở Bệnh viện K T.Ư đã phải phong tỏa vì ở đây phát hiện tới 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Liên tiếp 2 bệnh viện lớn tuyến cuối đã phải đóng cửa khiến nhiều người lo lắng.
Bình luận 0

Phong tỏa BV có hàng nghìn bệnh nhân ung thư

Sáng ngày 7/5, Bệnh viện (BV) K ghi nhận 6 trường hợp người bệnh và 4 người nhà người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2, nghi nhiễm Covid-19. Tất cả những trường hợp này đều điều trị hoặc chăm sóc người nhà tại 1 phòng bệnh thuộc Khoa Ngoại gan - mật - tụy (nằm tại BV K cơ sở Tân Triều).

Ông Lê Văn Quảng-Giám đốc BV K Trung ương cho biết, từ 7/5, ông đã ký quyết định phong toả các đơn vị gồm nhân viên y tế, người lao động, người bệnh và người nhà tại 3 cơ sở của BV K để phục vụ cho công tác chống dịch. BV cũng tạm thời không tiếp nhận bệnh nhân mới, không cho bệnh nhân ra viện và cách ly từng khoa với nhau. Khi có kết quả chính xác ca nghi ngờ, BV sẽ thông báo cụ thể.

Đến kiểm tra tại BV K T.Ư sáng 7/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong số bệnh nhân mắc Covid-19 có 1 người từng là bệnh nhân BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư chuyển sang. Như vậy, đánh giá ban đầu cho thấy chùm bệnh ở BV K T.Ư có yếu tố dịch tễ liên quan đến chùm ca bệnh ở BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư.

Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện: Củng cố “thành lũy” cuối cùng - Ảnh 1.

Khử khuẩn tại Bệnh viện K Trung ương sáng ngày 7/5. Ảnh: Gia Khiêm

Tính đến hết ngày 6/5, cả nước đã có gần 748.000 người được tiêm vaccine Covid-19, bao gồm cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng; ban chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội. Trong đó, nhiều BV đã tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho nhân viên. Đây được xem là những "lá chắn" hữu hiệu để ngăn chặn dịch vào BV.

Ông Thuấn cho biết, việc hiện tại là khoanh vùng các F1, F2, xét nghiệm cho toàn bộ người có mặt trong 3 cơ sở của BV K T.Ư, tăng cường xét nghiệm nhanh, truy vết, phát hiện thần tốc các ca Covid-19 (nếu có) để khoanh vùng. "Sau khi có kết quả xét nghiệm, Bộ sẽ có những biện pháp tương ứng"- ông Thuấn cho biết.

Ngoài ra, TP.Hà Nội cũng cần mở rộng xét nghiệm sang khu vực nhà trọ xung quanh, nơi có nhiều bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở BV K T.Ư tới ở trọ. Công an huyện Thanh trì, Sở Y tế phối hợp với BV K tổ chức các chốt phong tỏa. Cùng với đó, tạm dừng các cửa hàng kinh doanh xung quanh để kiểm soát dịch bệnh.

Sau khi có ca bệnh nhiễm Covid-19, BV K đã tăng cường thêm 50% số y bác sĩ vào trong để phục vụ công tác phòng chống dịch cũng như điều trị cho các bệnh nhân bên trong. Do vậy, từ giờ phút này, BV K nội bất xuất, ngoại bất nhập, chỉ nhận trường hợp bệnh nhân nặng nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng chống dịch. Tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân sẽ ở lại trong viện, thực hiện cách ly y tế.

Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch TP Hà Nội cũng nhận định, tình hình tại BV K phức tạp hơn BV Bệnh Nhiệt đới do BV gần sát nhà dân, mật độ dân cư cao, đồng thời cũng rất đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân qua lại. Chủ tịch giao UBND huyện Thanh Trì phối hợp với BV K chăm lo toàn bộ nhu yếu phẩm, vật tư y tế, điều kiện chăm sóc sức khỏe của y bác sĩ, người nhà bệnh nhân... Giao các đơn vị của thành phố phối hợp với Binh chủng Hóa học phun khử khuẩn toàn bộ BV K ở 3 cơ sở.

Nhấn mạnh tại 3 cơ sở BV K có khoảng 5.000 người, có bệnh nhân của nhiều tỉnh thành, Chủ tịch thành phố yêu cầu thần tốc truy vết, xét nghiệm những người liên quan. Còn bên trong BV, đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo công tác phòng chống dịch, phân luồng, truy vết, xét nghiệm...

Ông Ngọc Anh cũng cho biết, thông tin phong tỏa TP.Hà Nội là không chính xác, không có chuyện phong tỏa hay cách ly xã hội toàn thành phố. Ông kêu gọi người dân thực hiện nghiêm túc 5K phòng dịch, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Việc dịch Covid-19 xâm nhập vào BV K T.Ư khiến nhiều người lo lắng vì nơi đây có hàng nghìn các bệnh nhân ung thư, đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu như mắc thêm Covid-19.

Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện: Củng cố “thành lũy” cuối cùng - Ảnh 3.

Như vậy, chỉ sau 2 ngày, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 ở Đông Anh (Hà Nội) phải đóng cửa cách ly y tế, BV K T.Ư cũng phong tỏa vì Covid-19. Ngoài ra, hàng loạt BV khác cũng đã phải đóng cửa vì xuất hiện bệnh nhân Covid-19 như: BV Đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc); BV Phong da liễu T.Ư ở Quỳnh Lập (Nghệ An); BV Phổi Lạng Sơn; BV Đa khoa Thái Bình" BV Quân Y 105 (Sơn Tây, Hà Nội); BV Hoàn Mỹ (TP.Đà Nẵng); BV Đa khoa Medlatec cơ sở Nghĩa Dũng (Hà Nội)...

Bảo vệ "thành lũy cuối cùng"

Về nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào các BV, ông Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc BV Đại học Y cho rằng: "Điểm quan trọng nhất để Việt Nam tránh khỏi nguy cơ "vỡ trận" như Ấn Độ là bảo vệ thành trì, không để Covid-19 xâm nhập vào bệnh viện một cách ồ ạt vì BV là nơi có rất nhiều bệnh nhân nặng bấp bênh sinh tử. BV là thành trì cuối cùng trước dịch. Nếu hệ thống bệnh viện suy yếu, thảm họa y tế lẫn nhân đạo sẽ xảy ra".

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhận định, cả nước có hàng nghìn BV. Cho dù các BV đều nỗ lực ngăn chặn dịch nhưng luôn có những thời điểm nào đó việc lây nhiễm chéo trong bệnh viện có thể xảy ra. Điều này đặt ra nhiệm vụ tối quan trọng cho các BV là phải tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn hơn nữa. Với dịch Covid-19, chỉ cần lơ là 1 chút, bỏ qua khâu phòng hộ 1 chút... là có thể xảy ra nhiễm chéo Covid-19".

Theo PGS Khuê, không thể để tình trang đúng lúc bệnh nhân cần, dịch bệnh bùng phát thì các bác sĩ, các bệnh viện bị "khóa". Trước nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào BV, nhiều BV đã "lên giây cót" cho công tác phòng dịch trong BV. Ông Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, BV vừa xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ 4.000 nhân viên y tế, hơn 5.000 học viên, hơn 1.000 bệnh nhân đang điều trị tại BV, đều cho kết quả âm tính. Ngày 8/5, BV xét nghiệm tiếp 7.000 mẫu xét nghiệm của bệnh nhân, người nhà vào phòng chăm sóc bệnh nhân. Tiến hành thực hiện tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho 1.000 cán bộ BV. Thời gian tới BV sẽ tiếp tục tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ BV.

"Cho dù tốn kém nhưng chúng tôi muốn đảm bảo an toàn cho BV, cho nhân viên y tế và toàn bộ bệnh nhân"- ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại BV Bạch Mai cũng thực hiện triệt để 5K phòng dịch, không gian trong các buồng bệnh cũng đảm bảo mở, thoáng đãng. Tại BV E Hà Nội cũng đã ra thông báo tạm dừng các hoạt động thăm hỏi bệnh nhân trong thời gian này kể từ 18 giờ ngày 5/5. Gia đình bệnh nhân cử 1 người chăm sóc (nếu cần) và phải chủ động đăng ký, khai báo thông tin sàng lọc yếu tố dịch tế với khoa, hạn chế ra - vào BV; hạn chế người nhà đưa người bệnh đi khám trừ trường hợp đi lại khó khăn hoặc cấp cứu; yêu cầu bệnh nhân, người nhà tuân theo hướng dẫn phân luồng của BV (thực hiện kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang đúng cách, sát khuẩn tay, khai báo y tế trung thực, đầy đủ); Chủ động cài đặt và chia sẻ ứng dụng Bluezone, NCOVI hoặc VHD để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Tại BV Ung bướu TP.HCM cũng đã thiết lập tới 3 "lá chắn" để ngăn chặn dịch xâm nhập. Mỗi người đến BV phải triển khai khai báo y tế 3 vòng (gồm khai báo và giám sát khai báo y tế ở cổng vào; điều dưỡng kiểm soát tại lối vào các khoa; bác sĩ tham gia giám sát tại phòng khám). Tại BV Ung bướu mỗi ngày tiếp nhận hơn 3.000 bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành khác nhau đến khám và điều trị và hàng nghìn người nhà nên chỉ khai báo y tế "1 cửa" ở cổng sẽ dễ bị bỏ sót các đối tượng nghi ngờ.

Theo ông Lê Đình Thanh – Giám đốc BV Thống Nhất (TP.HCM), BV đã dồn lực để triển khai các biện pháp phòng ngừa. Ngoài việc tổ chức phân luồng, đo nhiệt độ, khai báo y tế, trang bị dung dịch sát khuẩn tại cổng, khoa, khu vực hành lang, BV bố trí 1.200 máy rửa tay tự động trong BV. Đặc biệt, BV vừa trang bị thiết bị robot đa năng tích hợp khử khuẩn, đo thân nhiệt, rửa tay tự động ngay tại cổng vào, nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho cán bộ y tế và người khám bệnh khi tiếp xúc gần.

BV còn ứng dụng robot vào vận chuyển tự động thức ăn, nước uống và vận dụng trong khu cách ly, giảm thiểu tiếp xúc với các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm; tổ chức xét nghiệm định kỳ, thường xuyên cho hơn 1.300 cán bộ, viên chức của bệnh viện, cho đến nay tất cả kết quả đều âm tính...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem