Nguy cơ mất hàng trăm nghìn tỷ đồng

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 09/10/2014 05:14 AM (GMT+7)
Sáng 8.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). 
Bình luận 0

Các tỉnh vùng ĐBSCL là nơi cư trú và sản xuất của hơn 18 triệu người dân (số liệu năm 2011) và là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Theo dự báo với xu thế BĐKH và thiên tai ở ĐBSCL, trong 3 thập kỷ sắp tới diễn biến bất thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng kinh tế này. Nhiệt độ cao nhất trung bình trong mùa khô vùng ĐBSCL sẽ tăng từ 33-35°C đến 35-37°C.

Còn về thực trạng thì hiện nay vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau diện tích nhiễm phèn đang ngày càng rất lớn. Tình trạng ngập lụt ở Hậu Giang thời gian qua có những biểu hiện bất thường, khi lũ thượng nguồn từ An Giang chưa về mà vùng trũng Phụng Hiệp đã ngập nặng.

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2010 đến 2014, tổng mức kinh phí đã bố trí thực hiện chương trình ứng phó với BĐKH hơn 214 tỷ đồng. Có 17 dự án của toàn bộ 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc khoản kinh phí đầu tư dự kiến từ nguồn chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH khoảng 5.000 tỷ đồng cho 17 dự án trên.

Góp ý cho báo cáo của Chính phủ và báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội K’sor Phước đặt vấn đề: Các dự án khi xây dựng có tính đến BĐKH không? Nếu không tính đến khi xây xong một thời gian lại bị ngập. Chính vì thế chương trình này phải được lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình nông thôn mới.

Ông Nguyễn Đức Hiền - Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, báo cáo cần đánh giá thêm về liên kết vùng là thế nào, có kịch bản ứng phó với khí hậu, ai là nhạc trưởng trong số 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL trong việc thực hiện chương trình ứng phó BĐKH. "Cần đánh giá thêm vai trò vị trí với biến đổi khí hậu của ĐBSCL với vùng lân cận như TP.HCM cũng như các vùng khác" - ông Hiền nêu quan điểm.

 Trong báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, có bổ sung nội dung Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem