Nguy cơ sảy thai, sinh non nếu mẹ bầu hít khói thuốc

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 02/06/2018 07:08 AM (GMT+7)
Khói thuốc lá (thuốc lào) không chỉ có hại trực tiếp cho người hút mà còn là “kẻ giết người thầm lặng” đối với những người xung quanh, đặc biệt nguy hại với phụ nữ mang thai, trẻ em.
Bình luận 0

Từ sảy thai đến đẻ non, quái thai

Cưới nhau đã 5 năm nhưng vợ chồng chị Trần T (Hòa Bình) vẫn chưa có con. Chị T từng mang thai 3 lần nhưng 2 lần thai đến tháng thứ 2-3 là bị sảy. Có lần thai đã 7 tháng thì chị T bị sinh non, cũng không nuôi được. Chị đi khám nhiều nơi, các bác sĩ vẫn không biết nguyên nhân chị T hay sảy thai. Chỉ đến khi có bác sĩ hỏi tỉ mỉ về các thói quen trong cuộc sống, về việc chị hay người nhà có hay hút thuốc lá, thuốc lào hay không thì chị T mới sửng sốt.

img

Dù biết tác hại của khói thuốc nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan. Ảnh: Diệu Linh

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: So với năm 2010,  năm 2016 tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm 6,5%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động giảm rõ rệt, giảm 13,3% tại nơi làm việc và 13,2% tại nhà; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; trong trường đại học cao đẳng giảm 16,4%” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

Chị T cho biết, gia đình nhà chồng chị từ ông chồng, bố chồng đến chồng và em chồng đều nghiện thuốc lào nặng. Sáng sớm, đàn ông trong nhà dàn hàng ngang rít điếu cày, trưa và tối cũng lại “giải khát” bằng vài hơi thuốc. Cả nhà thường khói um, nồng nặc mùi hôi, ám cả vào người chị T. Có lúc chị T lo lắng nói hút thuốc nhiều sẽ bị bệnh thì mọi người trong nhà đều nói chị thiếu hiểu biết vì “thuốc lá mới độc, thuốc lào lành”. “Giờ bác sĩ tư vấn có thể em hay sảy thai là do hít quá nhiều khói thuốc lào, em mới biết. Oan uổng cho ba đứa bé của em” – chị T đau khổ.

Theo nhiều nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ hít phải khói thuốc có nguy cơ sinh non, sảy thai. Ngoài nicotine, hơn 2.500 chất độc khác được tìm thấy trong thuốc lá có thể tác động đến cơ thể mẹ và thai nhi. Không chỉ thể, hít phải khói thuốc lá làm giảm khả năng thụ thai ở khoảng 13% phụ nữ.

“Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu thêm gần 50%. Thời gian phơi nhiễm, lượng tiếp xúc và tuổi của mẹ có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển dị tật bẩm sinh khi tiếp xúc với khói thuốc lá” – PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) nhận định.

Các bệnh lý sau sinh có liên quan đến hút thuốc trong thời kỳ mang thai bao gồm hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nhiễm trùng đường hô hấp (như viêm phế quản, viêm phổi), hen, dị ứng, viêm tai giữa, đau bụng, viêm tiểu phế quản, tầm vóc ngắn, giảm tập trung chú ý, tăng động, béo phì ở trẻ em và giảm hiệu suất học tập.

Khói thuốc có 69 chất gây ung thư

Các nghiên cứu của WHO cũng chỉ ra rằng, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất độc hại gây ung thư. Sử dụng thuốc lá cũng gây nên hơn 25 loại bệnh trong đó có 12 loại ung thư do khói thuốc gây ra, nguy hiểm và thường gặp nhất là ung thư phổi, khí phế quản, thanh quản, khoang miệng, vòm họng. GS-TS Nguyễn Quý Châu – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết. Thăm dò ở trên các bệnh nhân bị ung thư phổi tại viện cho thấy, 90% bệnh nhân ung thư phổi có tiền sử hút thuốc lá.

Khói thuốc cũng là nguyên nhân chính gây nên các bệnh về tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và các bệnh đường hô hấp (viêm đường hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính); các bệnh về sinh sản và sinh dục ở cả hai giới (bệnh liệt dương, giảm chất lượng tinh trùng, gây nguy cơ vô sinh, đẻ non, sảy thai).

“Đặc biệt người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động cũng sẽ mắc các bệnh giống như người hút thuốc. Do đó, đời bố hút thuốc nhưng có thể đời con sẽ lãnh đủ hậu quả” – PGS Khuê nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

“Hút thuốc cũng đang trở thành gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình. Điều tra tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, số tiền người dân Việt Nam chi mua thuốc lá một năm là 31.000 tỷ đồng” – Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem