Nguy hiểm từ việc lộ thông tin cá nhân: Người dân bỗng dưng mang nợ, tài khoản ngân hàng không lập vẫn có

Hồng Nhân Thứ sáu, ngày 01/07/2022 11:07 AM (GMT+7)
Nhiều đối tượng lợi dụng sự mất cảnh giác của người dùng mạng internet, người dân nhẹ dạ cả tin để đánh cắp các thông tin cá nhân nhằm thực hiện mục đích phạm pháp. Không ít trường hợp, người dân bỗng dưng mang nợ, tài khoản ngân hàng không lập vẫn có.
Bình luận 0

Trong thời gian quan, Cơ quan công an tại một số địa phương phải phát đi cảnh báo về tình trạng xin chụp hình chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân (CCCD) và trả tiền cho người được chụp nhằm mục đích khai thác thông tin để lừa đảo.

Cụ thể, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000₫ – 300.000₫ trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.

Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ Công an, Toà án, Viện kiểm sát, hải quan, thuế... gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí và tiền “bôi trơn” vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định để chiếm đoạt...

Phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội.


Nguy hiểm từ việc lộ thông tin các nhân: Bỗng dưng mang nợ, tài khoản ngân hàng không lập vẫn có - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc bỗng dưng gánh khoản nợ 56 triệu đồng sau khi nhận tiền “hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19”. Ảnh: Lê Trường.

Bỗng dưng nợ đổ đầu

Mới đây, tại Quảng Trị, gia đình chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc (SN 1991, trú tại thôn Nghĩa Phong, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ) chưa hết bàng hoàng khi bỗng nhiên trở thành "con nợ" với số tiền 56 triệu đồng.

Chị Ngọc cho biết, đầu tháng 5/2022, chị nhận được điện thoại của một người phụ nữ xưng là nhân viên của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, kiểm tra thông tin để hướng dẫn cách nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19.

"Tôi khá bất ngời vì bản thân và gia đình không mua bảo hiểm của Bảo Minh. Tuy nhiên người phụ nữ đầu đây bên kia thuyết phục rất tốt, đưa ra nhiều thông tin trùng khớp về số chứng mình thư, địa chỉ... nên tôi đồng ý gặp để nhận tiền hỗ trợ", chị Ngọc cho biết.

Ngay trong chiều hôm đó, có 2 người đàn ông hẹn gặp chị Ngọc ở quán cà phê và đưa ra các gói chương trình hỗ trợ. Sau đó chị Ngọc nhận được 820.000 đồng.

"Tôi thấy thủ tục rất đơn giản, 2 người đàn ông lạ mặt chỉ yêu cầu tôi cho phép họ chụp ảnh chứng minh nhân dân và ảnh chân dung trực tiếp. Nhận tiền xong tôi không nghĩ ngợi gì nhiều và về nhà.

Bằng đi khoảng gần một tháng sau gia đình tôi mới tá hỏa vì khoản tiền nợ 56 triệu đồng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng FE CREDIT (viết tắt là Trung tâm An ninh FE CREDIT", chị Ngọc bức xúc kể.

Theo chị Ngọc, sau khi xác minh, phía công ty giải thích rằng, chị bị lộ thông tin cá nhân cho nhóm đối tượng trên, sau đó chúng thực hiện vay tiền qua mạng, cần xác minh chứng minh thư hai mặt và chụp ảnh chân dung.

Tự nhiên có tài khoản ngân hàng

Cũng câu chuyện liên quan đến việc lộ thông tin, anh N.T.H (Bạch Mai, Hà Nội) tỏ ra khó hiểu khi thông tin của mình được dùng để đăng kí mở thẻ tại Ngân hàng Quân đội (MBBank).

Anh H cho biết, chiều 30/6, điện thoại của anh nhận được tin nhắn của Ngân hàng Quân đội (MBBank), thông báo đã mở tài khoản, rồi kích hoạt eBanking thành công.

Nguy hiểm từ việc lộ thông tin các nhân: Bỗng dưng mang nợ, tài khoản ngân hàng không lập vẫn có - Ảnh 3.

Điện thoại của anh H nhận được tin nhắn của Ngân hàng Quân đội (MBBank), thông báo đã mở tài khoản, rồi kích hoạt eBanking thành công.

"Thật không thể tin được, vì suốt cả ngày, mình di chuyển và cũng chưa từng liên quan hoặc đi đến văn phòng giao dịch của MBBank một lần nào. Mình gọi cho tổng đài để hỏi lại, thì họ kiểm tra và xác nhận tài khoản mang tên mình (ứng với số CCCD và số điện thoại cá nhân) đã được mở chiều ngày 30/6.

Trước điều bất thường ấy, đương nhiên, mình yêu cầu kiểm tra lại để rà soát lỗ hổng, vì mình không hề đăng ký tài khoản nào", anh H bức xúc nói.

Anh H bảo, CCCD của mình hoàn toàn có thể bị kẻ khác lợi dụng (vì đi đăng ký sim, vào khách sạn... thì toàn phải đưa giấy tờ cá nhân ra), nhưng dựa vào đó để tạo tài khoản ngân hàng thì lại rất sai.

Bởi vì quy định luôn rõ ràng, nếu tạo tài khoản ở văn phòng giao dịch thì chủ CCCD phải đến tận nơi, không có chuyện mở hộ. Nếu tạo tài khoản qua app thì phải chụp ảnh bằng camera trước...

"Nhiều vụ việc, các đối tượng lợi dụng vào đó, tạo tài khoản qua app rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không ít người vướng rắc rối, không ngờ chính bản thân mình lại gặp phải trường hợp này. Bản thân tôi cũng đã yêu cầu ngân hàng xử lý, tuy nhiên đến nay ngân hàng lại yêu cầu ra quầy để làm việc... lạ đời với cách làm việc của MBBank", anh H bức xúc.

Theo anh Hiếu, việc tạo tài khoản như này rất nguy hiểm, lợi dụng vào đây, các đối tượng thường làm giả tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của người khác khiến cơ quan chức năng khó truy vết.

Lời cam kết "không lộ thông tin" từ app cho vay đến những tin nhắn "gạ" vay tiền không rõ nguồn gốc

Hiện nay người dân rất dễ lộ thông tin cá nhân từ việc đăng kí mua bán online, vay tiền,...

Trung tuần tháng 6/2022, phóng viên Dân Việt đã trực tiếp vay tiền tại một app và tận thấy được thông tin của mình bị lộ lọt như thế nào.

Những năm gần đây, nhiều "con nợ", nhiều người thiếu tiền như tìm được "pháo cứu sinh" khi vay tiền qua app online mà không phải thế chấp, cầm cố tài sản. Việc của người vay chỉ cần có CCCD, chụp cùng mặt bản thân mình, kê khai thêm một số thông tin cơ bản là có thể vay tiền. Thủ tục nhanh, gọn, lẹ, chỉ ít phút tiền đổ về tài khoản nhưng phía sau việc vay tiền, còn là ẩn họa khôn lường từ việc thông tin của người dùng bị lộ lọt ra bên ngoài.

Chỉ cần gõ tìm app vay tiền trên ứng dụng điện thoại, người vay có thể tìm thấy hàng chục app cho vay đủ thể loại trong đó có những app mời gọi rất hấp dẫn như vay tiền nhanh chóng, giải ngân nhanh, vay tiền lấy liền, cho vay nhanh…

Người dân "nếm trái đắng" khi để lọt thông tin cá nhân - Ảnh 1.

Lần theo dấu vết các địa chỉ cho vay online, phóng viên thực hiện một giao dịch vay trên app VĐồng. Ảnh chụp màn hình.

Lần theo dấu vết các địa chỉ cho vay online, phóng viên thực hiện một giao dịch vay trên app VĐồng. Chỉ cần nhập số điện thoại, một mã số được gửi về, phóng viên đã vào được trang này.

Ngay trên màn hình chính khi mở có thông tin "Chúng tôi đảm bảo an toàn cho thông tin của bạn" và yêu cầu người dùng cho phép truy cập vị trí theo định vị với lời mời chào hấp dẫn: "Sau khi cho phép quyền này, tỉ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên đến 99,9%".

Ngay sau đó, app này yêu cầu người vay cung cấp một loạt thông tin như tên tuổi, chứng minh nhân dân, số điện thoại người thân, nơi làm việc...

Cụ thể, app VĐồng có 5 bước thủ tục và yêu cầu người vay nhập thông tin cá nhân.

Để người vay yên tâm, tin tưởng, app này cam kết không sử dụng những thông tin của người dùng cho mục đích khác.

Theo từng bước, chúng tôi nhập thông tin gồm họ tên, ngày sinh, giới tính, tình trạng hôn nhân, số con, địa chỉ thường trú, địa chỉ số nhà, chứng minh nhân dân.

Tiếp theo là nhập thông tin tình trạng việc làm. Bước ba, nhập thông tin liên lạc chỉ được sử dụng để xác định mối quan hệ xã hội của người vay, gồm thông tin về anh em, bạn bè và người thân.

Bước bốn, điền thông tin ngân hàng nhận khoản vay.

Cuối cùng, chúng tôi phải chụp mặt trước, mặt sau chứng minh nhân dân và chụp hình ảnh của mình để gửi đi. Và cuối cùng, để tiến hành vay thành công, xác nhận khuôn mặt trên app cho vay.

Kết quả app đưa ra hạn mức chúng tôi được vay là 8 triệu đồng.

Người dân "nếm trái đắng" khi để lọt thông tin cá nhân - Ảnh 2.

Kỳ hạn trả tiền của phóng viên.

Khi chúng tôi bấm nút đồng ý vay, app thông tin người vay sẽ chia khoản vay làm ba đợt, tổng phải thanh toán là gần 9 triệu đồng.

Toàn bộ các bước từ tải app đến khi được duyệt tiền chúng tôi chỉ mất 10 phút thao tác. Theo thông tin từ người tư vấn của app VĐồng, nếu người vay không có khả năng trả nợ, hồ sơ sẽ được chuyển cho một bộ phận khác, đồng thời người vay cũng bị một khoản phạt do chậm trả nợ.

Ngay sau khi hoàn thành thủ tục vay tiền, phóng viên liên tục nhận được tin nhắn và một số cuộc gọi hỗ trợ vay tiền nếu cần. Trùng hợp là, theo thông tin mà những tin nhắn để lại, đối tượng cho vay ngay gần địa chỉ phóng viên cung cấp.

Cụ thể, số điện thoại 0984022xxx, nhắn tin qua số điện thoại phóng viên cung cấp cho app online với nội dung: "Anh N đó ạ. Khi nào cần vay vốn gọi em ạ. Em Toàn Nghi Lộc".

Người dân "nếm trái đắng" khi để lọt thông tin cá nhân - Ảnh 3.

Tin nhắn phóng viên nhận được.

Phóng viên chủ động gọi lại để gọi lấy thông tin từ đâu thì đầu dây không bốc máy, nhắn tin không trả lời lại. Chưa dừng lại ở đó, những ngày sau, phóng viên liên tục nhận được những cuộc điện thoại lạ mời vay tiền....

Với lời cam kết ban đầu của app vay tiền là không để lộ lọt thông tin, tuy nhiên, chỉ sau ít phút, nhiều đối tượng khác đã có số điện thoại, địa chỉ cũng như là thông tin cá nhân của phóng viên.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư quách Thành Lực - Đoàn LS TP Hà Nội cho biết, việc người dân để lộ lọt thông tin các nhân ra bên ngoài là cực kì nguy hiểm.

"Như hai trường hợp trên chúng ta thấy, tự nhiên khoản nợ ở đâu đổ xuống đầu. Theo như tôi hiểu, khi xác minh vay tiền, các đối tượng đã sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh chụp khuôn mặt của chị Ngọc để vay, dẫn đến việc có khoản nợ.

Còn đối với trường hợp thứ 2, một app đăng kí tài khoản online của một ngân hàng lớn, thế nhưng việc đăng kí tài khoản không do chính chủ đăng kí diễn ra công khai... thật sự phải xem lại bảo mật", ông Lực nói.

Vị luật sư cho biết, chúng ta cần phải có chế tài đủ mạnh để răn đe những đối tượng sử dụng, phát tán, mua bán thông tin các nhân của người khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem