Nguyễn Chánh Tín và những "người hùng" bước ra từ chiếc tivi đen trắng

Thứ ba, ngày 07/01/2020 12:30 PM (GMT+7)
Điện ảnh Cách mạng với sứ mệnh lịch sử trên vai đã mang đến cho khán giả những nhân vật nam chính với khí chất anh hùng, đầy cảm xúc.
Bình luận 0

Phải đến khi Nguyễn Chánh Tín mất đi, người ta mới thấy khoảng trống vô tận mà vai diễn Nguyễn Thành Luân để lại trong phim Việt. Sẽ rất lâu nữa, thậm chí không bao giờ nữa, màn ảnh Việt mới lại có một bộ phim tình báo, với câu chuyện về một nam chính anh hùng giữa bối cảnh cuộc chiến cam go, đầy xung đột.

Nguyễn Thành Luân và những vai nam chính mang sứ mệnh lịch sử

Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được đặt nền móng từ bộ phim Chung một dòng sông ra mắt năm 1959 và kéo dài đến những năm 1980 với nhiều tác phẩm kinh điển, phản ánh cuộc chiến gian lao, kiên cường của dân tộc.

Điện ảnh Cách mạng sáng tác giữa bối cảnh chiến tranh, đất nước nghèo, thiếu thốn, nhưng âm hưởng bi tráng và sự hào sảng của chủ nghĩa anh hùng lại có sức sống mãnh liệt, lay động hàng triệu trái tim khán giả, mãi đến sau này.

Những năm 1980 của thế kỷ trước, ở nông thôn, cả làng, cả xã chỉ có một, hai nhà có tivi đen trắng với màn hình nhỏ xíu.

Đó là những năm tháng, khán giả từ người già đến trẻ con, cứ tối đến, dù xa đến mấy cũng rộn ràng kéo đến gia đình có tivi, xếp dép ngồi đầy ngoài sân, hướng vào màn hình nhỏ xíu, xem phim chiến tranh của Việt Nam.

img

Hình ảnh nhân vật Nguyễn Thành Luân của NSƯT Nguyễn Chánh Tín. Ảnh: Tư liệu.

Từ chiếc tivi đen trắng với màn hình nhỏ xíu ấy, những người hùng như Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa, Ba Đô của Cánh đồng hoang, Sáu Tâm, Tư Chung của Biệt động Sài Gòn… đã bước ra. Họ không chỉ được yêu mến, họ còn trở thành ký ức của nhiều thế hệ khán giả. Những vai nam chính với khí chất mạnh mẽ, quyết liệt, sự mưu trí hơn người đã trở thành những biểu tượng mạnh mẽ của chủ nghĩa anh hùng trên phim ảnh.

Nguyễn Thành Luân của Ván bài lật ngửa là câu chuyện của một tình báo hoạt động trong lòng địch. Xuyên suốt 8 tập phim kéo dài từ năm 1982 đến 1987 là cuộc đấu trí giữa Nguyễn Thành Luân và chính quyền, tay chân Ngô Đình Diệm, trong đó “nhân vật chính” là Ngô Đình Nhu. Để xây dựng hình tượng cho kỹ sư Nguyễn Thành Luân, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã dành nhiều tâm sức. Từ phần giới thiệu đầu tiên của bộ phim, Nguyễn Thành Luân đã bước ra với áo măng-tô dài, đầu đội mũ phớt, đi sâu vào khu rừng bí hiểm, trong mỗi thước phim của Lê Hoàng Hoa, Nguyễn Thành Luân xuất hiện với tất cả sự hào hoa, lịch lãm, nam tính và mưu lược.

Lấy chất liệu từ cuộc đời hoạt động tình báo có thật của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, bộ phim Ván bài lật ngửa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hình tượng hóa, sinh động hóa một vai tình báo đầy khí chất anh hùng, mưu lược, và đẹp đẽ. Nguyễn Thành Luân đã trở thành biểu tượng của màn ảnh, biểu tượng về một nhân vật tình báo hoạt động trong lòng địch, và là biểu tượng của chính Nguyễn Chánh Tín. Nam diễn viên sống mãi trong ký ức của nhiều thế hệ khán giả với hình ảnh của Nguyễn Thành Luân. Cho đến khi qua đời, trên khắp mạng xã hội, đông đảo khán giả, bạn bè, các thế hệ nghệ sĩ khi gửi lời vĩnh biệt anh – đã viết: Vĩnh biệt Nguyễn Thành Luân!

img

Nguyễn Chánh Tín trở thành biểu tượng màn ảnh một thời. Ảnh: Tư liệu.

Năm 2017, cả thế giới trầm trồ trước bộ phim chiến tranh Dunkirk của đạo diễn Christopher Nolan với cách mở rộng không gian ra vô tận để thấy cuộc chiến trên bầu trời, trên biển và mặt đất. Cách kể chuyện với không gian phân lớp vô tận ấy, khán giả đã có thể bắt gặp ở bộ phim Cánh đồng hoang, từ chiếc tivi đen trắng năm 1979. Đạo diễn Hồng Sến đã có cuộc trình diễn của riêng mình trên cánh đồng Tháp Mười với cuộc chiến quần thảo trên bầu trời của trực thăng Mỹ, và cuộc chiến trên cánh đồng của vợ chồng Ba Đô.

Ba Đô của NSND Lâm Tới không lịch lãm, hào hoa như Nguyễn Thành Luân, nhưng được khán giả yêu thương bởi chất đôn hậu, hào sảng của người đàn ông miền sông nước. Khí chất anh hùng của Ba Đô đến từ nụ cười vang vọng khắp cánh đồng, đến từ tiếng gọi vợ, đến từ sự khỏe khoắn nhanh nhẹn khi chiến đấu với trực thăng, đến từ cuộc sống quá đỗi giản dị, gian lao giữa cuộc chiến.

Đạo diễn Hồng Sến đã tạo ra thế đối lập kịch tính trong câu chuyện để tôn lên khí chất anh hùng cho Ba Đô. Cuộc chiến trên cánh đồng hoang là cuộc chiến không cân sức, giữa một bên là trực thăng, là vũ khí tối tân, là kẻ đứng từ trên bắn xuống, và một bên là người đàn ông chỉ với chiếc xuồng, giữa sông nước mênh mông.

img

Nhân vật Ba Đô của NSND Lâm Tới trong phim Cánh đồng hoang. Ảnh: Tư liệu.

Cánh đồng hoang khi trình chiếu ở Liên hoan phim quốc tế Moskva đã khiến báo chí kinh ngạc. Người ta không thể tưởng tượng, trong cuộc sống không cân sức ấy, Việt Nam đã giành chiến thắng. Hình ảnh Ba Đô – người đàn ông mạnh mẽ, khỏe khoắn với nụ cười vang vọng khắp cánh đồng đã trở thành hình ảnh biểu tượng của cuộc chiến. Điện ảnh Cách mạng đã mang đến cho khán giả những vai nam chính đầy cảm xúc và giàu tính biểu tượng như thế.

Những vai nam chính với khí chất nam tính, mưu lược của chủ nghĩa anh hùng ấy đã và đang dần mất đi, khi phim Việt bước vào những giai đoạn mới, gánh vác trên vai nỗi lo toan “cơm áo gạo tiền”.

Khi phim Việt bị thống trị bởi những vai hài, giả gái

Từ những năm 1990, phim Việt bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, gánh trên vai một sứ mệnh mới. Dòng phim “mỳ ăn liền” với những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng và dàn ngôi sao lộng lẫy đã cuốn điện ảnh Việt theo một hướng đi mới. Lý Hùng - ngôi sao sáng giá bậc nhất của dòng phim này cũng sắm những vai anh hùng như Tráng sĩ Bồ Đề, Thăng Long đệ nhất kiếm…

Tuy nhiên, câu chuyện phim đơn giản, không giàu chất liệu lịch sử, không đào sâu chủ nghĩa anh hùng, đã khiến “tráng sĩ” của Lý Hùng cũng giống như hầu hết vai nam chính khác trong các phim tình yêu, tâm lý của anh. Dòng phim thị trường những năm 1990 không ghi được dấu ấn về những tác phẩm điện ảnh kinh điển, có giá trị, mà được nhớ đến nhờ dàn diễn viên lộng lẫy, xinh đẹp.

Khi phim “mì ăn liền” thoái trào, phim Việt bị chia rẽ rõ rệt về hình thái sản xuất, phim nhà nước và phim tư nhân. Những bộ phim do nhà nước đặt hàng để trình chiếu vào các dịp kỷ niệm vẫn bám sát đề tài chiến tranh, cách mạng.

Tuy nhiên, những bộ phim chiến tranh được đặt hàng này, dù được đầu tư số tiền kỷ lục như Ký ức Điện Biên (13 tỷ đồng vào thời điểm 2004), Sống cùng lịch sử, Người tiên tri… đều bị chê khô cứng, cũ mòn và tất nhiên, không thể dựng lên một biểu tượng anh hùng đầy sức truyền cảm hứng, trong thời kỳ mới.

Dòng phim tư nhân trỗi dậy giữa bối cảnh cạnh tranh doanh thu khốc liệt với phim ngoại nhập. Với sức ép thu hồi vốn, sinh lợi nhuận, phim Việt rầm rộ ra rạp với những nam chính mang bầu (Khi đàn ông có bầu), giả gái, ngốc nghếch (Tèo em)… Phim hài lên ngôi khắp các phòng vé, đây được cho là dòng phim dễ bán vé nhất, dễ kiếm tiền nhất, khi ra rạp.

img

Tèo em là một trong những phim hài đạt doanh thu cao.

Năm 2007, Nguyễn Thành Luân - Nguyễn Chánh Tín khi ấy là ông chủ của Hãng phim Chánh Phương, đầu tư sản xuất Dòng máu anh hùng với sự xuất hiện của hàng loạt nam chính từ Mỹ trở về với võ nghệ đầy mình là Dustin Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn. Dự án phim được khen ngợi về mặt nội dung, nhưng đã không thể mang lại thành công về tiền bán vé.

Sau dự án phim này, đạo diễn Charlie Nguyễn đã cay đắng nói: “Sau đây tôi sẽ làm phim hài. Tôi cầm tiền của nhà sản xuất, tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền ấy. Khán giả đến rạp bây giờ với nhu cầu giải trí rất cao, họ đến rạp để cười, để được vui vẻ, và tôi sẽ làm những bộ phim đáp ứng được nhu cầu của họ”.

Sau tuyên bố này, Charlie Nguyễn có những bộ phim hài đoạt kỷ lục doanh thu như Tèo em, Chàng vợ của em… Trước câu hỏi về sự đổ bộ ồ ạt của phim hài ra rạp, Charlie Nguyễn trả lời: “Khi đưa tiền cho tôi, nhà sản xuất không hỏi: ‘Đó là phim gì? Phim thể loại nào? Có hay không? Có sâu sắc không?’, họ hỏi: ‘Phim của anh sẽ thu được bao nhiêu tiền?’”.

Phim hài, phim giàu tính giải trí hiện được mặc định là xu hướng, là thị hiếu, là thước đo doanh thu, là gương mặt mới của điện ảnh Việt. Diễn viên hài lên ngôi. Gương mặt phòng vé là những cái tên đình đám trong giới nghệ sĩ làm hài như Trường Giang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn…

Khoảng trống

Kể từ Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng, màn ảnh Việt gần như vắng bóng những vai nam chính có sự nam tính, mạnh mẽ, gai góc trong tính cách và tạo hình.

Khi Nguyễn Chánh Tín ra đi, người ta nhắc nhớ về hình tượng Nguyễn Thành Luân như một sự thiếu vắng, như thể anh đã để lại một khoảng trống vô tận phía sau mình.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Nhưng, Marvel đang thống trị phòng vé thế giới với những bộ phim siêu anh hùng triệu USD. Điện ảnh thế giới vẫn đang kiếm ra tiền với dòng phim điệp viên, hành động. Để thấy, những nhân vật anh hùng dù ở thời đại nào, vẫn có đất dụng võ.

Và nói như một nhà làm phim: "Vấn đề chỉ là tài năng, chúng ta có hay không?".

Hiền Hương (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem