Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc"

Nhật Lệ Chủ nhật, ngày 20/09/2020 16:31 PM (GMT+7)
6 năm trước, bước vào ngưỡng cửa tuổi 30, Nguyễn Mạnh Duy lên kế hoạch cho một chuyến đi để đời. Hành trình một tháng ở vùng đất Hi Mã Lạp Sơn đã làm thay đổi cuộc đời anh. Vùng đất này trở thành quê hương thứ 2, để từ đó những "ngôi nhà văn hoá Tây Tạng" xuất hiện tại Việt Nam: Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng.
Bình luận 0
Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 2.

Chuyến đi tới Himalaya cách đây 6 năm thay đổi hoàn toàn cuộc đời nhà báo Nguyễn Mạnh Duy.

Chuyến đi 6 năm trước không chỉ là một hành trình trải nghiệm cho vui mà thay đổi toàn bộ cuộc đời Nguyễn Mạnh Duy. Trở về từ Tây Tạng, Duy bỏ việc và bắt tay vào một kế hoạch: xây ngôi nhà văn hoá Tây Tạng ngay tại Việt Nam. 

Một hành trình dài, qua nhiều nền văn hoá và tích lũy được nhiều bài học về đời sống của người dân bản địa, những trải nghiệm tinh tuý được chắt lọc, góp nhặt trên con đường dài, sẽ còn được nối dài nữa bằng niềm đam mê và tình yêu kỳ lạ với văn hoá xứ Tuyết của Duy.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 2.

Từ Tây Tạng về

Vì đâu anh gắn bó sâu sắc với văn hóa Tây Tạng và vùng đất Himalaya?

-Người Tây Tạng luôn tin vào những nhân duyên tiền định từ vô lượng kiếp theo triết lý Phật giáo Mật tông. Câu chuyện bắt đầu khi tôi muốn thực hiện một hành trình đến Nepal - Tây Tạng với mục tiêu làm mới mình, chỉ đơn giản vậy.

Những quan sát những người dân bản địa với tôn giáo  và đức tin của họ trong một tháng ở Nepal và Tây Tạng từ một chuyến đi 6 năm trước đã khiến tôi nhìn lại toàn bộ cuộc sống của riêng mình. Nói thật lòng, lúc đó, những giá trị ấy còn mơ hồ và xa lạ. 

Lúc đầu, tôi mê không khí, mê những vật phẩm Phật giáo, mê đời sống của con người, cảnh vật. Chỉ 4 tháng sau chuyến đi đầu tiên, tôi quyết định quay trở lại Nepal để tìm kiếm một điều gì đó cụ thể hơn. Tôi bắt đầu gặp những con người. Một vị Rinpoche (bậc thầy của Phật giáo Tây Tạng) nói với tôi: "Đây là con đường dành cho con".

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 3.

2 tháng một lần, Duy trở lại Himalaya.

Sau chuyến đi lần thứ 2, mối kết nối của tôi với văn hoá vùng Himalaya đã khăng khít hơn. Để rồi những chuyến đi của tôi đến Nepal - Tây Tạng cứ diễn ra đều đặn 2 tháng 1 lần. Không gian văn hoá Himalayas Vietnam đầu tiên được thành lập ở 18 Hàng Rươi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) sau chuyến đi thứ 3. 

Đến chuyến đi thứ 5 tôi quy y với sư phụ cũng là một vị Rinpoche của Phật giáo Tây Tạng. Bước sang năm thứ 7 gắn bó với vùng đất này, với tôi, Himalaya bây giờ chính là ngôi nhà thứ 2.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 4.

Một góc ngôi nhà Himalayas Sài Gòn.

"Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng" là một mô hình mới, thậm chí còn lạ lẫm với số đông. Anh có lo lắng gì không?

-Trước Himalaya đã có những nơi kinh doanh sản phẩm Phật giáo Tây Tạng, du lịch Tây Tạng rồi nhưng mô hình "ngôi nhà văn hoá" chưa hề có.

Ngôi nhà là nơi bạn có thể sống ở trong đó với đầy đủ trải nghiệm thân thuộc và gần gũi nhất. Trong ngôi nhà, cần có những "người thân" và phải cảm thấy thân mới vui sống được. Cũng có lo ở giai đoạn đầu vì chúng tôi (Duy và hai thành viên đồng sáng lập) chưa đủ nguồn lực và kinh nghiệm để xây ngay một "ngôi nhà".

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 5.

Ngôi nhà văn hóa Tây Tạng ở Sài Gòn.

Ngoài Himalayas Vietnam - không gian văn hoá chuyên về các vật phẩm Tây Tạng, chúng tôi lần lượt cho ra đời Om Healing - trung tâm trị liệu chuông xoay Tây Tạng, Lungta Center - chuyên tour du lịch trải nghiệm các nước Himalaya, Zi Bazaar - chuyên về các sản phẩm thủ công trên "Con đường tơ lụa" (Silk Roads).

Sau ngôi nhà đầu tiên ở Hà Nội, tôi xây nhà Himalayas Hải Phòng vào năm 2015, rồi Himalayas Sài Gòn vào năm 2016. Hiện tại, chúng tôi tích hợp các hoạt động và mô hình mang trải nghiệm văn hoá - sản phẩm - du lịch Tây Tạng vào ngôi nhà chung để có thể gọi là một ngôi nhà đúng nghĩa tại 256 Pasteur (quận 3, TP.HCM).

Con người cần "thức ăn" cho tinh thần

Liệu dịch Covid-19  có tác động đến"Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng"?

-Chúng tôi làm ở lĩnh vực văn hoá - năng lượng và chữa lành càng cảm nhận rõ hơn nhu cầu của mọi người. Khi xã hội vật chất đã đạt tới giới hạn đỉnh cao, khi con người bắt đầu cảm thấy dư thừa và ngột ngạt với tiện nghi, càng thấy những khoảng trống trong tâm hồn.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 6.

Nguyễn Mạnh Duy gõ chuông thanh lọc tâm trí.

Đại dịch Covid làm cho con người  sống chậm một cách tự nhiên, chú ý lắng nghe cơ thể và tâm thức.

Điều hạnh phúc và tâm đắc nhất của anh khi "xây" được "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng"? Liệu sẽ còn "ngôi nhà" nào khác nữa không?

-Tôi giúp được nhiều người trải nghiệm văn hoá Nepal - Tây Tạng ngay tại Việt Nam. Và họ bén duyên với vùng đất này. Nhiều người quyết định đến với các nước nằm trong khu vực Himalaya để tìm sự cân bằng thân và tâm. Có những doanh nhân khi trở về sống chậm hơn. Có họa sĩ khi trở về tìm thấy ý tưởng cho dòng tranh thiền… 

Điều tâm đắc và hạnh phúc nhất khi tôi xây ngôi nhà này chính là tìm ra con đường cho mình và "rủ" thêm được nhiều người đi đến vùng đất có con đường ấy. Thấy nhiều người sau chuyến đi Nepal chỉ một tuần thôi nhưng bắt đầu cân bằng được thân và tâm, tôi thấy ngôi nhà đã làm được điều ý nghĩa nhất.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 7.

"Điều tâm đắc và hạnh phúc nhất khi tôi xây ngôi nhà này chính là tìm ra con đường cho mình và "rủ" thêm được nhiều người đi đến vùng đất có con đường ấy."

Himalayas Vietnam đang khởi động dự định xây một nhịp cầu, một cây cầu văn hoá giữa Việt nam và Nepal bằng cách tạo ra một không gian tại Kathmandu (thủ đô Nepal). Hy vọng sẽ sớm được bật mí dự định này với mọi người khi đường bay Nepal-Việt Nam mở cửa trở lại.

Đi chậm mà chắc

Khởi nghiệp trong một lĩnh vực rất hẹp với nguồn lực và kinh nghiệm ít ỏi, từ đâu mà anh xây dựng Himalayas Vietnam thành một địa chỉ văn hoá như hiện nay?

-Năm 2014, khi bắt tay làm tôi có đúng hơn 600 triệu đồng trong tay do 3 anh em sáng lập góp lại. Họ là những người bạn, thấy tôi mê văn hoá Himalaya quá và tin tưởng tôi nên đưa tiền làm. Lúc đầu thậm chí chúng tôi chỉ xác định đây là một cuộc chơi để thoả mãn đam mê nên không ai nặng nề cả.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 8.

Ngôi nhà văn hóa Tây Tạng ở Sài Gòn có nhiều hoạt động đa dạng.

Có lẽ chúng tôi đã biết lựa chọn mô hình phù hợp với cộng đồng vào đúng thời điểm. Sự lớn lên của ngôi nhà này cũng bắt nguồn từ chính sự lớn lên của tình yêu mà mọi người dành cho nó. Chúng tôi xây dựng cộng đồng gắn bó, không cần đông. Mỗi lần họ đến đây là mỗi lần họ được về nhà.

Himalayas Vietnam rất giống một bảo tàng văn hoá Tây Tạng thu nhỏ. Nghe nói còn có những vật phẩm rất hiếm như thiên châu Tây Tạng (đá Dzi cổ của người Tây Tạng)?

-Tôi yêu mọi thứ liên quan đến văn hoá Tây Tạng, từ tranh Thangka, tượng Phật, đồ nội thất, các pháp khí của Phật giáo Kim Cang Thừa… Đó là những vật phẩm văn hoá mà Himalaya đã ghi dấu ấn từ lâu. Đá Dzi cổ cũng kì bí như chính văn hoá Tây Tạng vậy. 

Cũng có nhiều thông tin khác nhau nhưng có thể nói một bộ phận người Việt Nam mê và sẵn sàng trả giá cả vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng cho một viên đá bé xíu được cho là viên "ngọc trời" mang năng lượng tâm linh và bảo hộ cực mạnh của dân Tây Tạng.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 9.

Trị liệu bằng chuông xoay tại Himalayas Sài Gòn.

Niềm tin thì không phán xét được, nhưng tôi cho rằng câu chuyện ấy thôi thúc chúng tôi cung cấp và đem đến thông tin chuẩn mực cũng như sản phẩm chuẩn mực cho những người có niềm tin vào những giá trị tinh thần, không cứ đó là viên đá tâm linh hay một vật phẩm bình thường.

Hành trình cuộc sống và câu chuyện của anh giống như một cuộc du ngoạn đặc biệt và ly kỳ?

-Từ lúc đi Himalaya, tôi tìm được vùng đất phù hợp với chất sống của mình. Đấy là được du ngoạn trong một thế giới tinh thần lẫn câu chuyện về văn hóa và lịch sử. Với tôi, ý nghĩa của cuộc sống chính là tìm lại sự cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất. Hiện nay nếu cân bằng được điều đó thì thật tuyệt vời. Làm lĩnh vực này không giàu vật chất  nhưng giàu về tinh thần.

Nguyễn Mạnh Duy, chủ dự án "Ngôi nhà văn hoá Tây Tạng": "Xứ tuyết Himalaya dẫn tôi tìm thấy hạnh phúc" - Ảnh 10.

Nguyễn Mạnh Duy chia sẻ về những bức tranh Thangka và vật phẩm Phật giáo. Ảnh: Cảnh Nguyễn.

Thực ra, nhiều khách hàng đến đây rất có điều kiện, vật chất hay tiền bạc không còn là mối quan tâm của họ nữa. Nhưng họ lại đang thiếu "thức ăn" cho tinh thần, thiếu năng lượng để làm điểm tựa cho mộc cuộc sống cân bằng - an lạc. Giàu hay nghèo, ai  cũng mong muốn có hạnh phúc. Mà để đạt được hạnh phúc, cần có sự cân bằng về thân và tâm. 

Tôi may mắn vì có được đời sống tinh thần phong phú, tìm thấy đức tin trong hành trình khám phá bản thân và thế giới… Tôi muốn những ai đến với ngôi nhà của chúng tôi cũng đều có được niềm vui ấy.

Xin cảm ơn anh.

Những cột mốc đáng nhớ:

2014: Đặt chân đến Hy Mã Lạp Sơn.

2014: Khởi nghiệp với dự án Ngôi nhà văn hóa Tây Tạng ở 18 Hàng Rươi, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

2015: Xây ngôi nhà Himalayas tại Hải Phòng.

2016: Xây ngôi nhà Himalayas tại Sài Gòn.

Hiện tại, Mạnh Duy và những người bạn của Himalayas Vietnam đang khởi động dự án "Cây cầu văn hóa" Việt Nam và Nepal bằng mô hình riêng tại Kathmandu (thủ đô Nepal).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem