Nguyên nhân nào khiến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam thấp so với các quốc gia khác?

Mộc Anh Thứ tư, ngày 19/10/2022 11:07 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, có 3 yếu tố dẫn đến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Bình luận 0

Tỉ lệ học đại học thấp so với thế giới

Tại tọa đàm trực tuyến "Giáo dục đại học - Thách thức và cơ hội" tổ chức ngày 18/10 ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý đã bàn luận, phân tích về thực trạng giáo dục đại học hiện nay, những thách thức cũng như khó khăn mà giáo dục đại học của Việt Nam đang gặp phải.

Một trong những vấn đề được quan tâm là tỉ lệ người học đại học hiện tại của Việt Nam đang thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, tỉ lệ toàn bộ sinh viên đang học đại học so với người trong tuổi học đại học (thường được tính từ 18 - 23 tuổi) ở Việt Nam rất thấp so với thế giới. Nếu tính quy mô trung bình 6.000 - 7.000 sinh viên/trường thì khá thấp, mặc dù số cơ sở giáo dục đại học nhiều.

Nguyên nhân nào khiến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam thấp so với các quốc gia khác? - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn tại tọa đàm. Ảnh: Báo Đại biểu Nhân Dân

Thứ trưởng Bộ GDĐT đã đưa ra nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhu cầu của nền kinh tế xã hội đối với nguồn nhân lực có trình độ cao tính từ đại học và sau đại học trở lên chưa được như các nước và tỉ lệ đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Việt Nam còn thấp rất nhiều lần.

Thứ hai, nguồn cung về năng lực đào tạo, chất lượng đào tạo, nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính còn hạn chế. Mặc dù có nhiều thành tích, có nhiều sự biến chuyển trong thời gian qua nhưng chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế xã hội.

Thứ ba, với người học luôn cân nhắc về chi phí các lợi ích đạt được, chọn trường này trường kia, hay thậm chí cân nhắc giữa đi học hay không đi học, học trường nghề hay trường nào, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng không thể tăng.

Rõ ràng, quy mô đào tạo và yêu cầu về chất lượng nhân lực cao chưa tương xứng. Bài toán được đặt ra là làm sao vừa phải nâng cao chất lượng, lại vừa nâng cao quy mô.

Thể hiện rõ cân bằng cung cầu

Tại buổi tọa đàm, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ nhận định, thực tế tỉ lệ sinh viên so với toàn dân hiện nay của Việt Nam thể hiện rất rõ cân bằng cung cầu.

Theo GS.TSKH Đặng Ứng Vận, có hai nguyên nhân cho vấn đề này: "Thứ nhất, sức hấp dẫn của giáo dục đại học đối với thế hệ trẻ giảm sút, không như xưa.

Ngày xưa vào được đại học rất cao quý nhưng hiện nay chúng ta mở rộng hơi quá, sinh viên học thế nào cũng vào được đại học, không háo hức như ngày xưa, các em giảm động lực học tập.

Thứ hai, sức tiêu thụ các sản phẩm giáo dục đại học theo đúng nghĩa của nền kinh tế Việt Nam hiện nay không cao.

Mức lương của sinh viên sau tốt nghiệp được trả quá thấp, như vậy khó để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng ta vẫn đang tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, đồng thời là các ngành công nghiệp phụ thuộc như gia công, lắp ráp. Chúng ta chưa có các doanh nghiệp cấp cap hơn mang tính quyết định nền kinh tế như Samsung, Apple.... Có tình trạng khi có ngành nghề dễ tuyển các trường lại ào ào mở ra nhưng mà chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khi đào tạo một hai năm là không tuyển sinh được nữa. Không phải chất lượng đào tạo không cao mà việc đào tạo của các trường hiện đang nhanh bị bão hòa nhanh do nền kinh tế chưa tiêu thụ hết sản phẩm ở mức cao như vậy".

Nguyên nhân nào khiến tỉ lệ nhập học đại học của Việt Nam thấp so với các quốc gia khác? - Ảnh 2.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh 2022, có khoảng 35% thí sinh bỏ xét tuyển đại học. Ảnh minh họa thí sinh thi đánh giá tư duy tại ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022: Tào Nga

GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, cần điều chỉnh cung cầu – làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm đào tạo đại học thì cân bằng sẽ chuyển dịch sang hướng cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ: "Qua giám sát chúng tôi cũng thấy còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Đầu tiên là một số bất cập trong hệ thống quy định pháp luật về giáo dục đại học "càng gỡ càng khó, nảy sinh vấn đề ở luật này luật kia". Thứ hai, chất lượng giáo dục đại học Việt Nam nếu so với khu vực và thế giới vẫn bị bỏ quá xa.

Thứ ba, tỉ lệ nhân lực qua đào tạo đại học thấp hơn các nước nhiều, chưa nói tới chất lượng sinh viên ra trường có đáp ứng nhu cầu xã hội không. Thứ tư, chúng ta đang hướng tới tự chủ đại học, nhưng phải là tự chủ thực chất chứ không phải tự chủ trên giấy tờ".

Theo bà Hoa, các trường đại học buộc phải thích ứng với sự thay đổi nhu cầu sau đại dịch Covid-19, biến đổi và ứng phó linh hoạt. Đây cũng là thách thức với các cơ sở giáo dục đại học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem