Nguyễn Nhật Ánh: Trong tôi luôn sống mãi tuổi 15

Thứ bảy, ngày 08/10/2011 06:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu hỏi các bạn trẻ hiện nay ai là nhà văn sáng tác cho tuổi mới lớn được yêu thích nhất ở Việt Nam, câu trả lời có lẽ không ngoài cái tên “Nguyễn Nhật Ánh”.
Bình luận 0

Bằng sự tươi vui, trong sáng và hết sức gần gũi, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã làm đẹp thêm thế giới tâm hồn của thế hệ trẻ trong suốt hơn 20 năm qua.

Truyện dài “Lá nằm trong lá” là tác phẩm mới nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Trẻ chính thức phát hành toàn quốc từ ngày 6.10 vừa qua.

img
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh giới thiệu về tác phẩm “Lá nằm trong lá”. Ảnh: DNSG.

Viết sách để… đẩy lùi văn hóa độc hại

Sau những tác phẩm viết cho tuổi mới lớn rất được yêu thích như “Cô gái đến từ hôm qua”, “Nữ sinh”, “Thằng quỷ nhỏ”, “Hoa hồng xứ khác”, “Bồ câu không đưa thư”, “Trại hoa vàng”… và gần đây nhất là “Ngôi trường mọi khi” (xuất bản năm 2001), tính ra cũng đã 10 năm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mới trở lại với mạch sáng tác này.

Quay về thời điểm cuối những năm 80 của thế kỷ trước, đó là khi tác giả của những cuốn sách dành cho thiếu nhi đã rất thành công như “Trước vòng chung kết”, “Chú bé rắc rối”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, bộ truyện “Kính vạn hoa”… quyết định tập trung cho những sáng tác dành cho tuổi mới lớn.

Chia sẻ với Dân Việt về quyết định lúc bấy giờ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhớ lại: Cuối thập niên 80, trong giới học trò bỗng xuất hiện phong trào sưu tầm “sách đen”, lén lút truyền tay nhau đọc, thậm chí là chép tay để lưu giữ.

Khi đó, dư luận xã hội, thầy cô giáo, phụ huynh và báo chí đã hết sức lo lắng. Nhưng rồi họ chợt nhận ra rằng sở dĩ các em tìm đến “sách đen” là bởi mảng sách dành cho lứa tuổi mới lớn 14-15 của các em với những câu chuyện trường lớp, những suy nghĩ, tình cảm rung động đầu đời trong sáng… vẫn đang rất thiếu.

Ngay lập tức, NXB Trẻ (lúc đó thuộc Thành đoàn TP.HCM) đã được giao nhiệm vụ tập hợp các nhà văn chưa xa tuổi mới lớn để tập trung cho ra đời những tác phẩm dành riêng cho độ tuổi này.

Là một trong số những nhà văn trẻ được “đặt hàng” để viết, Nguyễn Nhật Ánh lúc ấy mới hơn 30 tuổi, đã nghĩ: “Mình để một vùng trắng về hưởng thụ văn hóa, các em không có sách phù hợp lứa tuổi nên phải đọc mấy cái bậy bạ thôi. Các nhà văn phải viết loại sách để đáp ứng được nguyện vọng của các em, đẩy lùi văn hóa độc hại ra khỏi nhà trường”.

Và truyện dài “Còn chút gì để nhớ” (phát hành năm 1988) đã ra đời, là tác phẩm ghi dấu mốc đầu tiên cho loạt truyện dành cho tuổi mới lớn của Nguyễn Nhật Ánh.

Nhà văn “sống mãi tuổi 15”

Từ sáng tác đầu tiên đó, trong suốt 13 năm (1988-2001), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã miệt mài cho ra đời 23 tác phẩm dành riêng cho tuổi mới lớn. Để rồi sau một thời gian chuyên sáng tác cho lứa tuổi này mà không viết truyện thiếu nhi, bị các em lứa tuổi nhỏ hơn “phân bì”, nhà văn lại trở về với các bạn nhỏ bằng bộ truyện pháp thuật “Chuyện xứ Lang Biang”. Và tiếp đó là một loạt truyện không phân biệt đối tượng rõ ràng, đưa vào đó cả những trải nghiệm của người lớn như “Tôi là Bêtô”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, rồi đến “Đảo mộng mơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”…

“Sau khi đi vòng vèo hết ngõ ngách này đến ngóc ngách kia trong sáng tác, tôi vẫn không quên yêu cầu của các em. Các em nói với tôi rằng có 23 cuốn sách dành cho tuổi mới lớn cứ phải lôi ra đọc đi đọc lại hoài. Thấy cũng tội lắm! Nên có dịp tự nhiên rảnh rỗi, tôi muốn viết một cuốn cho lứa tuổi mới lớn cũng đã lâu không viết” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hồ hởi nói về lý do ra đời của truyện dài mới nhất “Lá nằm trong lá”.

Nguyễn Nhật Ánh đã từng thành lập và làm trưởng bút nhóm Mặt Trời Khuya khi học lớp 9 trường Tiểu La (huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Khi viết xong “Lá nằm trong lá”, nhớ lại lúc ngồi tán gẫu với nhà thơ Lê Minh Quốc, Đỗ Trung Quân, Vũ Trọng Quang, Nguyễn Thái Dương…, nhắc đến chuyện bút nhóm học trò và cách đặt bút danh “hoành tráng” hồi xưa, tự nhiên tác giả đã cao hứng đề tặng các văn hữu ở ngay đầu sách như một cách cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời học trò.

So với 23 tác phẩm dành cho tuổi mới lớn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trước đó, “Lá nằm trong lá” mặc dù chững chạc hơn về văn phong, bút pháp, nhưng nội dung truyện và những diễn biến tâm lý, tính cách nhân vật… vẫn thể hiện vẹn nguyên được cái nhung tuyết, mượt mà của một tâm hồn tươi trẻ như cách đây 10-20 năm. Tác phẩm là câu chuyện của các bút nhóm học trò nuôi giấc mộng văn chương, của những hờn giận tuổi mới lớn, được lấy cảm hứng từ chính những câu chuyện thời học trò của Nguyễn Nhật Ánh và những bạn bè nhà văn.

Khi người viết bày tỏ thắc mắc rằng đã lâu không tập trung vào mạch sáng tác dành cho tuổi mới lớn, liệu nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có thấy “gượng tay” khi viết “Lá nằm trong lá”, nhà văn “U60” đã trả lời rằng: “Có lẽ trong tôi luôn luôn sống mãi tuổi 15. Mỗi lần tôi viết một tác phẩm tuổi mới lớn cũng giống như một cậu bé học trò ngồi viết nhật ký đời mình vậy thôi, rất tự nhiên, không có gì phải lên gân, gượng gạo cả”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem