Nguyên Phó Bí thư Thường trực Hà Nội được đề xuất danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021

Sông Bùi Thứ ba, ngày 21/09/2021 08:54 AM (GMT+7)
Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng là một trong 9 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021 để lấy ý kiến nhân dân.
Bình luận 0

Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TP.Hà Nội vừa công bố danh sách tóm tắt thành tích 9 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021 để lấy ý kiến nhân dân. 

Danh sách và tóm tắt thành tích 9 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021 để lấy ý kiến nhân dân:

1. Bà Phan Thị Bính, công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội; sinh năm 1956

Dù hoàn cảnh còn khó khăn, sức khỏe không được tốt nhưng với tấm lòng nhân ái, hơn 21 năm qua, bà Phan Thị Bính đã gắn bó và giúp đỡ cho rất nhiều cảnh đời cơ cực trong cuộc sống. Bà luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện như thường xuyên nấu cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phóng xạ ung bướu Quân đội; cứu trợ lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn màn… và tiền mặt cho bà con tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Đặc biệt năm 2018, cá nhân bà đã tự nguyện bán 1 mảnh đất để ủng hộ gần 1 tỷ đồng và vận động bạn bè, gia đình góp thêm tiền mua xe cấp cứu nhằm tổ chức vận chuyển những bệnh nhân là người nghèo các tỉnh về Hà Nội hoặc từ Hà Nội về quê....

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Hà Nội được đề xuất danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021 - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội. Ảnh: HNM.

2. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu), Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; sinh năm 1956.

Trên cương vị Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm luôn tích cực kêu gọi tăng, ni, Phật tử trên địa bàn thành phố chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết các tôn giáo, cùng nhân dân tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động góp phần xây dựng Thủ đô. 

Trực tiếp cùng tăng, ni tham gia nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội như: Thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở một số bệnh viện, trao tặng nhà tình nghĩa cho những gia đình chính sách, tặng quà cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh liệt sĩ, người già neo đơn...

3. Giáo sư Trương Hoàng Chương (bút danh: Hoàng Chương), Viện trưởng Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam; sinh năm 1934.

Với tâm huyết trong công cuộc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam, sau khi nghỉ chế độ, Giáo sư Hoàng Chương đã đề nghị sáng lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc và đến năm 2019, chuyển thành Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. 

Giáo sư Hoàng Chương đã phối hợp với nhiều địa phương, ban, ngành, đơn vị tổ chức hơn 60 cuộc hội thảo khoa học với nhiều đề tài phong phú phục vụ thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc và văn hóa Thủ đô. 

Cá nhân Giáo sư Hoàng Chương có nhiều công trình khoa học đã xuất bản và được dư luận đánh giá cao như: Đi tìm vẻ đẹp của sân khấu dân tộc; Tuồng và võ thuật dân tộc; Nghệ thuật bài chòi, tuồng, báu vật của văn hóa dân tộc… 

Ngoài ra, mỗi năm, Giáo sư Hoàng Chương còn có nhiều bài báo đăng trên Tạp chí Văn hiến Việt Nam và các cơ quan báo chí trung ương, địa phương khác và hàng chục cuộc trả lời phỏng vấn trên các đài truyền hình về các vấn đề cấp thiết của văn hóa xã hội Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Hà Nội được đề xuất danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2021 - Ảnh 2.

Lãnh đạo TP.Hà Nội trao danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2020 cho các cá nhân. Ảnh: Viết Thành.

4. Trung tá Lê Minh Hải, Đội trưởng Đội phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra trọng án, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội; sinh năm 1982.

Trung tá Lê Minh Hải đều nỗ lực cố gắng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, khám phá các vụ trọng án, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, bắt giữ nhanh các đối tượng gây án đảm bảo an toàn, được các cấp lãnh đạo và quần chúng nhân dân ghi nhận, góp một phần vào thành tích chung của đơn vị.

Quá trình công tác, Trung tá Lê Minh Hải đã tham mưu Công an TP, UBND TP ban hành nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm gây án đặc biệt nghiêm trọng, trọng án trên địa bàn thành phố nói chung và phòng ngừa trọng án, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng..., góp phần làm giảm phạm pháp hình sự, không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

5. PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; sinh năm 1961

Trên 35 năm công tác trong ngành Y tế, trải qua nhiều vị trí công tác, ở cương vị nào, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh cũng không ngừng nỗ lực học hỏi, phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Từ tháng 8/2008 đến 7/2021, trên cương vị Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Bộ Y tế, thành phố giao, đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Đề xuất, tham mưu kịp thời cho thành phố trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý ổ dịch kịp thời triệt để, qua đó đã khống chế thành công một số bệnh dịch nguy hiểm như: Dịch tả (các năm 2007, 2008), các bệnh dịch mới nổi như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, Ebola…

Đặc biệt năm 2019, ngay từ khi có thông tin về các ca bệnh viêm phổi lạ tại Vũ Hán (Trung Quốc), PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hoàng Đức Hạnh đã cùng tập thể Ban Giám đốc Sở Y tế tham mưu kịp thời thành phố chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. 

Kịp thời tham mưu xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch do chủng mới của vi rút Corona theo các cấp độ dịch, các biện pháp, giải pháp phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình dịch phù hợp với thực tiễn của thành phố, góp phần trong công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân Thủ đô.

6. Bà Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hà Nội; sinh năm 1960

41 năm công tác, học tập, rèn luyện liên tục tại Hà Nội (từ năm 1980 đến năm 2021), là cán bộ trưởng thành từ cơ sở đến cấp quận và thành phố, là đại biểu HĐND thành phố 4 khóa (khóa XI, XII, XIII, XIV); là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố 4 khóa (khóa XIII, XIV, XV, XVI); là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy 2 khóa (khóa XV, XVI); là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy 2 khóa (khóa XV, XVI); là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII. 

Đặc biệt, trong thời gian gần 20 năm liên tục giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt thành phố, bà đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước. Bà đã có nhiều hoạt động phong phú, có sức lan tỏa, đóng góp tích cực trong việc phát triển quan hệ hợp tác gắn bó với các bộ, ngành, địa phương trên cả nước cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết với Thủ đô và thành phố của nhiều nước trên thế giới.

7. GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; sinh năm 1967

Trên 30 năm công tác tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đã có nhiều nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới của vi rút, tập trung vào dịch tễ học phân tử miễn dịch và phát triển vắc xin…, qua đó góp phần vào việc phát triển các chiến lược phòng ngừa ở Việt Nam cũng như chia sẻ thông tin giữa hệ thống giám sát toàn cầu. 

Giáo sư Lê Thị Quỳnh Mai là người 18 năm trước đây đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thành công vi rút SARS-CoV, vi rút cúm A/H5N1…, góp phần to lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Với kinh nghiệm thành công trong nghiên cứu SARS-CoV (2003) và cúm gia cầm A/H5N1 (2004), GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai chỉ đạo trực tiếp nhóm nghiên cứu phân lập vi rút 2019-nCoV từ những mẫu bệnh phẩm dương tính đầu tiên (ngày 30-1-2020), đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công vi rút này vào năm 2020 (sau Trung Quốc, Australia và Singapore). Việc này cũng góp công để Việt Nam sớm sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm nhằm điều trị và chống dịch hiệu quả.

8. Em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam; sinh năm 2003.

Là học sinh nhiều năm liền đạt học sinh giỏi, đặc biệt trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, em đã đạt nhiều giải cao. Năm học 2018-2019, em tham dự kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2018) lần thứ 15 tại Nam Phi và giành Huy chương vàng cá nhân. Với kết quả này, em đã cùng các bạn trong đội tuyển giành Huy chương đồng toàn đoàn kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế (IJSO 2018) lần thứ 15.

Năm học 2019-2020, em tham dự kỳ thi Olympic Thiên văn và Vật lý thiên văn quốc tế IOAA tại Hungary. Với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất, được sự hướng dẫn của các thầy cô của trường, các thầy cô chuyên gia, em đã giành Huy chương vàng, đồng thời là thí sinh có điểm cao nhất cuộc thi. 

Cũng trong năm học này, em tham gia và giành giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn vật lý năm học 2019-2020; tham gia và giành Huy chương vàng kỳ thi Olympic vật lý châu Âu 2020, là thí sinh xếp thứ 5 toàn cuộc thi.

Năm học 2020-2021, em tham gia và giành giải Nhất kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn vật lý năm học 2020-2021. Đặc biệt, tại kỳ thi Olympic vật lý châu Á - Thái Bình Dương (AphO) năm 2021 do Đài Loan (Trung Quốc) đăng cai tổ chức có 23 đoàn từ các nước và vùng lãnh thổ với 181 thí sinh, trong đó có 5 đoàn khách, với 37 thí sinh, với sự cố gắng nỗ lực, Nguyễn Mạnh Quân đã đạt điểm cao nhất của kỳ thi và được Chủ tịch APhO năm 2021 tặng Bằng khen.

9. Bà Phan Thị Thuận, Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, Hội viên Hội nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức; sinh năm 1954.

Là hội viên nông dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, bà đã có nhiều đóng góp cho việc khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống. 

Bà đã có nhiều ý tưởng và cho ra đời nhiều sản phẩm chăn, gối từ sản phẩm dệt có chất lượng cao như: Nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa tơ sen, đạt giải Nhất với Đề tài sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức, được cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng chứng nhận "Đã có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được công bố trong sách và sáng tạo Việt Nam năm 2016"… 

Sản phẩm của công ty đã có mặt ở những thị trường khó tính như: Nhật, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê út…, mang đến lợi nhuận sau thuế hơn 3 tỷ đồng/năm. Năm 2019, công ty vinh dự được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn sản phẩm lụa tơ sen là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Doanh nghiệp do bà lãnh đạo đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong vùng, với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng (số lượng lao động sử dụng mùa vụ 1.500 người).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem