Nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội, có được phục chức?
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội, có được phục chức?
Quang Trung
Thứ tư, ngày 08/11/2023 06:10 AM (GMT+7)
Ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được TAND tỉnh tuyên vô tội sau quá trình xét xử. Vậy quyền lợi của ông Hùng sẽ được giải quyết thế nào?
Ông Đinh Tiến Hùng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên vô tội
Chiều 7/11, HĐXX TAND tỉnh Yên Bái tuyên án các bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và vụ án sử dụng trái phép vật liệu nổ xảy ra tại huyện Yên Bình giai đoạn 2020 - 2021.
Theo đó, HĐXX sơ thẩm bác bỏ các cáo buộc của Viện KSND tỉnh Yên Bái và nhận định có đủ căn cứ kết luận ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái không phải là người khởi xướng trong vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên xảy ra tại mỏ Núi Ngàng, huyện Yên Bình.
Việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của ông Đinh Tiến Hùng được giải quyết theo quy định của pháp luật.
HĐXX cũng tuyên 8 bị cáo lãnh án từ 10 đến 19 năm tù. Có 2 bị cáo bị tuyên án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Một số bị cáo còn bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.
Quyền lợi của ông Đinh Tiến Hùng được giải quyết ra sao?
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền bào chữa và không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm đối với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Trong vụ án này, quan điểm của HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với ông Đinh Tiến Hùng là không có căn cứ, hành vi của ông Hùng không cấu thành tội phạm nên đã tuyên bố bị can không phạm tội.
Ông Cường thông tin, theo quy định của pháp luật, trường hợp điều tra, truy tố không đúng quy định pháp luật, gây oan sai, người ký các quyết định và những người tham gia hoạt động tiến hành tố tụng trong vụ án phải chịu trách nhiệm, có thể phải xin lỗi và bồi thường oan sai.
Còn người bị khởi tố, truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được phục hồi các quyền cơ bản của công dân, trong đó sẽ được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc.
Tuy nhiên, đây chỉ là bản án sơ thẩm, rất có thể Viện KSND tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án này, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội.
Trường hợp có kháng nghị thì bản án này chưa có hiệu lực pháp luật và hồ sơ sẽ được chuyển đến TAND cấp cao tại Hà Nội để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn luật định sẽ không có hiệu lực pháp luật đối với phần bản án bị kháng cáo, kháng nghị, khi đó các quyền lợi của bị cáo có thể sẽ chưa được phục hồi.
Vì thế, nếu ông Hùng không có kháng cáo và viện kiểm sát không có kháng nghị đối với phần xét xử liên quan tới ông Hùng trong thời hạn luật định thì phần này mới có hiệu lực pháp luật.
Bởi vậy, phải chờ đợi sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) mà không có bất kỳ kháng cáo, kháng nghị nào đối với phần bản án này, quyền lợi của ông Hùng mới được xem xét phục hồi theo quy định của pháp luật.
Còn trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị, tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý và xem xét xét xử theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xét xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm, xác định ông Hùng không phạm tội, khi đó mới giải quyết hậu quả của việc điều tra, truy tố oan sai.
Trước đó, theo cáo buộc của Viện KSND tỉnh Yên Bái, tháng 3/2018, Công ty Tuyên Huy được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận chủ trương thực hiện dự án khai thác mỏ chì - kẽm Núi Ngàng (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái). Tiếp đó, công ty này hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ TN-MT đề nghị cấp giấy phép khai thác quặng.
Khoảng tháng 5/2020, Công ty Tuyên Huy có chủ trương sửa chữa, nâng cấp đường vào mỏ Núi Ngàng. Giám đốc công ty này là Nguyễn Văn Hậu, phân công cho 2 Phó giám đốc là Nguyễn Trọng Tuấn và Bùi Mạnh Hùng tìm chọn đơn vị thi công và giám sát thi công.
Kết quả, Công ty Ngọc Tâm do Lăng Đức Hân làm Giám đốc, được phía Công ty Tuyên Huy "chốt" là đơn vị thi công tuyến đường.
Giữa tháng 10/2020, thời điểm Công ty Tuyên Huy vẫn chưa được cấp phép khai thác khoáng sản, Nguyễn Trọng Tuấn nói với Nguyễn Văn Hậu rằng mình có quen biết Đinh Tiến Hùng (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái), có thể giúp giải quyết các vấn đề vướng mắc.
Chiều 18/10/2020, Tuấn và Hậu tới TP.Yên Bái uống nước tại quán cà phê Đồng Tâm. Tại đây, Tuấn gọi điện cho Đinh Tiến Hùng, cả 3 người gặp nhau.
Sau khi nghe Hậu trình bày rằng Công ty Tuyên Huy đang gặp khó trong việc xin cấp phép, Tiến Hùng đồng ý sẽ liên hệ giúp với Sở VH-TT-DL tỉnh Yên Bái, đồng thời chủ động đặt vấn đề: "Các ông có mỏ, tôi thì có quan hệ. Bây giờ đang tiện việc làm đường thì cứ tiến hành khai thác quặng luôn. Tôi sẽ đứng ra lo quan hệ, cơ chế… Sau khi khai thác và bán được quặng, trừ chi phí quan hệ và chi phí sản xuất, tôi sẽ lấy 1/3 lợi nhuận…".
Cuộc gặp trên kết thúc, Hậu và Tuấn cùng trao đổi lại cho Nguyễn Mạnh Hùng (tức Hùng "lùn", lao động tự do) biết, đồng thời giao Hùng "lùn" tìm người khai thác quặng.
Viện kiểm sát xác định, từ tháng 10 – 30/12/2020, lợi dụng hợp đồng nổ mìn sửa chữa, nâng cấp đường giữa Công ty Ngọc Tâm và Công ty Tuyên Huy, Lăng Đức Hân cùng đồng phạm đã sử dụng trái phép 2.768 kg thuốc nổ các loại, 3.391 kíp nổ các loại, để khai thác trái phép quặng chì - kẽm với tổng khối lượng 1.096 tấn, giá trị hơn 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, suốt quá trình giải quyết vụ án, nguyên Phó Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái Đinh Tiến Hùng không thừa nhận hành vi phạm tội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.