Theo truy tố, bị cáo Ngô Văn Quảng với chức vụ công tác của mình đã lợi dụng việc ký hợp đồng giải phóng mặt bằng khu đất Báo Thanh Niên được UBND thành phố Hà Nội cấp để cùng 7 đồng phạm lập hồ sơ đền bù giả đưa những người không có thật, hoặc không có quyền lợi để đứng tên chủ sử dụng đất để lấy tiền đền bù.
Vào năm 1999, UBND thành phố Hà Nội có quyết định cấp gần 4000m2 đất ở quận Đống Đa để xây dựng nhà ở cho cán bộ phóng viên, nhà khách và trung tâm truyền số liệu Báo Thanh Niên. Nguồn gốc đất được giao là đất canh tác, phần còn lại là ao Hợp Tiến của Hợp tác xã nông nghiệp Minh Khai quản lý.
|
Ảnh các bị cáo tại tòa. |
Tuy nhiên, khi dự án có giấy phép xây dựng thì lợi dụng đêm tối, một số hộ dân đã đổ đất, lấn chiếm, xây dựng thêm 19 gian nhà cấp 4 và trồng chuối để chiếm giữ đất. UBND phường Ô Chợ Dừa và phường Quang Trung đã nhiều lần lập biên bản vi phạm và tổ chức cưỡng chế những gian nhà xây trái phép nhưng không xác định được người lấn chiếm. Sau khi chính quyền cưỡng chế, các hộ dân lại tiếp tục việc xây dựng trái phép đồng thời còn dùng điện thoại di động để đe dọa Hội đồng giải phóng mặt bằng và cán bộ phường.
Để tiếp tục giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư đã cùng chính quyền 2 phường là Quang Trung và Ô Chợ Dừa tổ bàn bạc với các hộ dân có nhà trên diện tích đất dự án để thỏa thuận phương án đền bù. Vào tháng 4.2005, khi tổ chức họp bàn, trong các hộ dân tham dự có Ngô Văn Quảng (đang sống cùng gia đình mẹ vợ tại đây). Mặc dù không được ủy quyền, Quảng vẫn đứng ra ký vào biên bản họp dân với tư cách là người đại diện cho các hộ để thỏa thuận đền bù. Ngày 1.6.2007, chủ đầu tư (Báo Thanh Niên) đã ký hợp đồng tư vấn hỗ trợ giải phóng mặt bằng với Ngô Văn Quảng.
Nhằm chiếm đoạt tiền đền bù của chủ đầu tư, sau khi ký hợp đồng tư vấn, Ngô Văn Quảng đã tự ký hợp đồng với Công ty địa chính Hà Nội vào tháng 5.2007 để đo vẽ lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho các hộ. Quảng tự cung cấp tên chủ sử dụng đất không có thật cho cán bộ địa chính và là người hướng dẫn cán bộ địa chính đo vẽ sơ đồ từng thửa đất.
Sau khi có hồ sơ kỹ thuật, danh sách những hộ được giải phóng mặt bằng, Quảng cùng đại diện chủ đầu tư đã soạn thảo biên bản thỏa thuận đền bù GPMB cho 30 hộ. Quảng đã nhận tạm ứng của chủ đầu số tiền hơn 16,6 tỷ đồng để chi trả, tuy nhiên khi đến hẹn bàn giao mặt bằng Quảng đã không thực hiện được như đã thỏa thuận. Khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, Quảng đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất hợp pháp của các hộ đã nhận tiền đền bù.
Hành vi lừa đảo của Quảng có sự trợ giúp đắc lực của Nguyễn Hồng Hạnh (SN 1968, là vợ sắp cưới của Quảng). Ngoài ra còn có các đối tượng khác là Lê Thu Hà (SN 1970) ở quận Ba Đình là người có 3 tiền án. Nguyễn Thị Minh (SN 1969), Trần Thị Dung Diễm (SN 1939), Nguyễn Ngọc Mỹ (SN 1951), Đặng Thành Công (SN 1976) tất cả ở quận Đống Đa và Nguyễn Văn Thắng (SN 1972) ở Thuận Thành Bắc Ninh.
Quá trình điều tra, các cơ quan tố tụng đã làm rõ, nhiều người ký nhận hộ Quảng vào hồ sơ đền bù nhưng thực chất họ bị Quảng lừa và không hề nhận được đồng nào. Trong số tiền hơn 16,6 tỷ đồng, trong đó bị cáo Quảng chiếm đoạt 11 tỷ, số còn lại chi trả cho các đồng phạm. Đây là vụ án có tính chất phức tạp, số lượng bị cáo đông nên TAND thành phố đã dự kiến xét xử trong 3 ngày ( 7,8 và 9.1)
Lương Kết
Vui lòng nhập nội dung bình luận.