Nhà cách mạng Phùng Chí Kiên - vị tướng được truy phong đầu tiên

PVCT Thứ ba, ngày 18/05/2021 06:06 AM (GMT+7)
Sau 6 năm hy sinh, nhà cách mạng Phùng Chí Kiên đã được truy phong cấp tướng và 62 năm sau ông được Đảng công nhận là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I, tương đương nguyên Ủy viên Bộ Chính trị).
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của nhà cách mạng Phùng Chí Kiên (18/5/1901 -18/5/2021), chúng tôi xin giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật lịch sử này.

Hy sinh giữa lúc tài năng đang nở rộ

Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ, sinh ngày 18/5/1901 trong một gia đình nông dân ở làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Học hết bậc sơ học, do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, ông phải nghỉ học ở nhà làm ruộng. Trước cảnh đất nước bị đô hộ ông đã sớm mang trong mình những khát khao, hoài bão cứu nhà, cứu nước, cứu dân.

Nhà cách mạng Phùng Chí Kiên- vị tướng được truy phong đầu tiên - Ảnh 1.

Nhà cách mạng Phùng Chí Kiên (ảnh tư liệu).

Năm 1925, Nguyễn Vĩ ra làm thuê ở ga Yên Lý, Diễn Châu. Thời gian này ông đã được giác ngộ, dìu dắt, giúp đỡ để tham gia hoạt động cách mạng.

Tháng 10/1926, ông được tổ chức cử đến Quảng Châu, dự lớp huấn luyện chính trị đầu tiên do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Ông đã đổi tên là Phùng Chí Kiên, sau khóa học, ông được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm sau, do Tưởng Giới Thạch phản bội, nhà trường bị đóng cửa, ông cùng với cán bộ cách mạng Việt Nam đứng về phía Đảng Cộng sản Trung Quốc chống lại hành động phản cách mạng của bọn quân phiệt.

Đáng chú ý vào tháng 12/1929, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc, gia nhập Hồng quân và thời gian sau được tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4, quân đoàn 2, Hồng quân Đông Giang.

Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào năm 1930. Tháng 1/1931, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi ông sang học trường Đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản.

Sau thời gian hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/1/1941, Phùng Chí Kiên cùng với 4 người nữa đã theo Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt cột mốc 108 về Pắc Bó (Cao Bằng) để xây dựng phong trào cách mạng.

Trong quá trình hoạt động, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lại giao cho ông soạn thảo các bài viết về "Con đường giải phóng dân tộc", trong đó có nội dung về đấu tranh vũ trang, chiến tranh cách mạng, chiến thuật chiến tranh du kích, đồng thời tổ chức các lớp huấn luyện quân sự cho các địa phương ở Cao Bằng, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. Ông được phân công phụ trách công tác quân sự Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Đội Cứu quốc quân.

Nhà cách mạng Phùng Chí Kiên- vị tướng được truy phong đầu tiên - Ảnh 2.

Lễ thành lập đội Cứu quốc quân Bắc Sơn (tư liệu).

Tháng 9/1940, khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, gây tiếng vang lớn trong cả nước làm thực dân Pháp ra sức tìm cách đối phó. Cuối tháng 6/1941, chúng mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ cách mạng của ta nhằm bắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang cách mạng mới hình thành. Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

Ngày 21/8/1941, đơn vị do ông Phùng Chí Kiên chỉ huy trên đường rút lui lên Cao Bằng bị địch phục kích. Ông đã chiến đấu anh dùng tới viên đạn cuối cùng và bị sa vào tay giặc.

Ngày 22/8/1941, địch đã hành quyết ông ở Ngân Sơn, Bắc Kạn. Ông hy sinh ở tuổi 40, giữa lúc tài năng đang nở rộ.

Nhà chính trị, quân sự tài ba

Ngày 23/9/1947, ghi nhận công lao của ông trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp tướng cho ông. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước ta. Tháng 11/2003, Đảng, Chính phủ ra quyết định công nhận ông là nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng (khóa I- từ Đại hội II của Đảng năm 1951 đã thành lập ra Bộ Chính trị và không còn Ban Thường vụ Trung ương Đảng), cán bộ lãnh đạo quân đội cấp tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu. 

Ở góc độ nghiên cứu, PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Ông Phùng Chí Kiên là người Cộng sản tuyệt đối trung thành, kiên cường vượt bao khó khăn thách thức, trải qua nhiều địa bàn hoạt động. Ông là tấm gương sáng về lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, giữ vững ý chí chiến đấu đến cùng.

Ông là nhà chính trị, quân sự tài ba, lỗi lạc. Tài năng quân sự của ông được thể hiện rõ trong thời kỳ hoạt động ở Pác Bó, Cao Bằng. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ do Tổng Bí thư Trường Chinh giao, ông bắt tay ngay vào việc củng cố, xây dựng các cơ sở cách mạng, tổ chức đảng đoàn thể.

Một trong những bài học lớn nhất và có giá trị nhất được ông vận dụng một cách sáng tạo vào công việc lúc bấy giờ trên cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân là dựa vào dân, bám trụ vào dân, có dân là có tất cả. Dưới sự chỉ đạo của ông, Đội Cứu quốc quân đã bảo vệ an toàn Khu căn cứ Bắc Sơn, giúp xây dựng và phát triển các đội tự vệ, du kích tại các địa phương khác; bảo vệ an toàn cho các cán bộ Trung ương Đảng về quán triệt Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII; tổ chức đánh các đồn lẻ của địch, thu vũ khí.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem