Nhà đầu tư hoảng loạn, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 1.000 tỷ đồng

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 26/04/2018 17:14 PM (GMT+7)
Diễn biến thị trường cho thấy dấu hiệu hoảng loạn khi càng về cuối phiên giao dịch áp lực bán càng gia tăng. Điều này đã khiến VnIndex mất gần 36 điểm, về ngưỡng hơn 1.044 điểm, còn tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 1.000,8 tỷ đồng sau 2 phiên giao dịch gần nhất.
Bình luận 0

img

Cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va còn giảm sàn, rơi vào tình trạng "trắng bên mua"

Những phút đầu phiên giao dịch chiều 26.4, áp lực bán dồn dập tiếp diễn khiến các chỉ số tiếp tục chìm sâu. Thanh khoản toàn thị trường ở mức rất thấp với 3.600 tỷ đồng cho thấy giới đầu tư đang hết sức thận trọng, chưa vội bắt đáy.

Số mã giảm điểm trên 3 sàn lên tới 353 mã, áp đảo hoàn toàn so với 156 mã tăng điểm.

Càng về cuối phiên giao dịch chiều 26.4, nhà đầu tư càng cho thấy dấu hiệu hoảng loạn khi áp lực bán ngày càng gia tăng. Thời điểm 13h33, VnIndex giảm 37,72 điểm (3,49%) xuống 1.043,02 điểm; Hnx-Index giảm 5,54 điểm (4,39%) xuống 120,74 điểm và Upcom-Index giảm 0,98 điểm (1,72%) xuống 56,07 điểm.

Hàng loạt cổ phiếu giảm điểm, đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu từ sau 14h và tạo hiệu ứng lan tỏa khiến các cổ phiếu khác cũng giảm mạnh.

VNM, SAB, ROS là 3 trong số ít các cổ phiếu vốn hóa lớn đi ngược xu hướng thị trường, song sắc xanh tại 3 cổ phiếu này là không đủ để ngăn đà giảm của VnIndex khi hàng loạt cổ phiếu giảm sâu cùng nhóm ngân hàng.

Trong bối cảnh thị trường chung giảm sâu, dòng tiền bắt đáy trỗi dậy. Tại nhiều mã cổ phiếu xuất hiện khối lượng khớp lệnh hàng triệu đơn vị tương đương giá trị khớp lệnh hàng trăm tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 26.4, VnIndex mất gần 36 điểm, về ngưỡng hơn 1.044 điểm. HNX-Index mất 6,19 điểm về ngưỡng 120 điểm.

Tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bốc hơi hơn 1.000 tỷ

Tài sản chứng khoán của tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục “bốc hơi” 606,22 tỷ đồng (1,76%) sau phiên giao dịch ngày 26.4 do cổ phiếu VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet giảm 3.000 đồng/cổ phiếu (1.54%) xuống còn 192.000 đồng/cổ phiếu.

Như vậy chỉ sau 2 phiên giao dịch liên tiếp (24.4 và 26.4), tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã giảm khoảng 1.000,8 tỷ đồng.

img

Tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bốc hơi hơn 1.000 tỷ chỉ sau 2 phiên giao dịch

Tính từ đầu tháng 4.2017 tới nay, giá trị giao dịch của VJC đã giảm 36.100 đồng/cổ phiếu (15.83%) sau khi đạt đỉnh 228.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 2.4.

Cũng trong ngày 26.4, Công ty CP Hàng không Vietjet (VJC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.

Theo đó, năm 2017, doanh thu thuần của Vietjet Air đạt gần 42.303 tỷ đồng, tăng gần 45 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Vietjet đạt 5.074 tỷ đồng, vượt 150% kế hoạch và tăng 103% so với năm trước.

Cũng trong năm 2017, Vietjet đã bổ sung thêm và đưa vào khai thác 17 tàu bay mới A321, tăng số lượng tàu bay lên 51 tàu (24 tàu bay A320 và 27 tàu bay A321).

Số lượng hành khách được vận chuyển cũng tăng gần 22% lên 17,11 triệu lượt. Công ty đã mở rộng khai thác thêm 1 đường bay nội địa và 21 đường bay quốc tế, nâng số đường bay khai thác lên 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế; đồng thời thực hiện được 98,805 chuyến bay trong năm qua. Thị phần của Vietjet đạt 43% vào cuối năm 2017.

Năm 2018, Vietjet Airs đặt mục tiêu doanh thu vận tải hàng không đạt 1,4 tỷ USD, tăng 40%. Còn lợi nhuận ước đạt khoảng 120 triệu USD, tăng hơn 30%. Còn doanh thu khác năm 2018 không tăng tương ứng vì doanh thu trong hoạt động này đến chủ yếu từ việc bán tàu bay.

Trả lời câu hỏi của cổ đông nước ngoài: "Tại sao lợi nhuận tăng thấp hơn doanh thu?".

Đại diện Vietjet cho biết, nguồn thu của Công ty chia làm hai khu vực: Vận tải hàng không gồm vé và các dịch vụ phụ trợ như đặt chỗ, bán hàng... Và khu vực khác.

Trong đó, lĩnh vực cốt lõi là vận tải đang tăng rất tốt, nếu lợi nhuận năm 2017 là 90 triệu USD thì kế hoạch 2018 lên đến 120 triệu USD. Như vậy, trả lời câu hỏi cổ đông thì nguyên nhân Công ty đưa ra là do tại khu vực khác như trong năm kế hoạch bán tàu bay có chậm. Cụ thể, Vietjet chỉ bán 14/17 tàu bay ban đầu, 3 tàu giữ lại xem như là tài sản. Trên thực tế, giá trị 3 tàu bay này vẫn ghi nhận vào giá trị tài sản Công ty. Nếu công ty bán thêm tàu bay thì sẽ có thu nhập tương ứng.

Cổ phiếu Novaland lau sàn, đại gia Bùi Thành Nhơn “mất” 714 tỷ

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, giá trị giao dịch cổ phiếu CTD, CII, DXG, HDG, HUT, LDG, NVL… giảm khá sâu.

Trong đó, NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va còn giảm sàn, rơi vào tình trạng "trắng bên mua" với dư bán hơn 1,3 triệu cổ phiếu. NVL cũng bị khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu cổ phiếu.

Tổng khối lượng giao dịch trong ngày 26.4 của cổ phiếu NVL là 6.153.425 cổ phiếu ứng với tổng giá trị giao dịch 423,7 tỷ đồng.

img

Tài sản chứng khoán của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn giảm khoảng 714 tỷ đồng do cổ phiếu NVL lau sàn

Điều này đã khiến tài sản chứng khoán của ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn giảm khoảng 714 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ năm 2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL), Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland cho biết, tập đoàn sẽ dành khoảng 80% nguồn lực để phát triển các dự án bất động sản nhà ở tại TP.HCM và khoảng 20% nguồn lực cho các dự án nghỉ dưỡng ở những địa phương có thế mạnh du lịch như Nha Trang, Cam Ranh, Bình Thuận, Cần Thơ… Đặc biệt mới đây tập đoàn đã ký hợp tác với tập đoàn BCG tư vấn chiến lược và triển khai dự án "Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu" mới đây, và trực tiếp đầu tư vào dự án Nova Phù Sa tại Cần Thơ, đánh dấu bước đầu tư đầu tiên của tập đoàn vào lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng.

Cũng theo ông Bùi Thành Nhơn Novaland sẽ tiếp tục kiên định với mục tiêu phát triển bền vững, bởi tập đoàn đã trải qua cuộc khủng hoảng 2009 và ý thức được sự phát triển bền vững là rất quan trọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem