Giành nhiều giải thưởng từ cấp tỉnh, toàn quốc đến quốc tế, TS Nguyễn Viết Huy tự hào nhất với sản phẩm Bộ thí nghiệm quang học đa năng dùng trong dạy học Vật lý ở THCS, THPT và CĐ, ĐH.
TS Nguyễn Viết Huy hiện công tác tại Phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Công tác học sinh sinh viên (Sở GD&ĐT Thái Bình).
20 năm ấp ủ
Là môn học thực nghiệm, muốn quá trình dạy học phát huy được tính tích cực, chủ động và sáng tạo của HS, bài học không thể thiếu các thí nghiệm thực hành. “Có lẽ vì vậy, ngay những năm đầu tiên học tại Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, giờ thực hành với các bộ thí nghiệm đã khiến tôi say mê. Và cũng từ lúc đó, tôi đã hình thành suy nghĩ mạnh mẽ là phải nghiên cứu ra các thiết bị phục vụ cho dạy học”, TS Nguyễn Viết Huy nhớ lại.
Chia sẻ thêm về lý do bộ thí nghiệm ra đời, TS Huy cho biết: Quang học là nội dung có số lượng khá lớn trong các bài học Vật lý (lớp 7 có 9 bài/30 bài, lớp 9 có 19/62 bài), lớp 11 có 13/56 bài). Ở đại học, nội dung này được dạy ở học phần Quang học và Phương pháp dạy học Vật lý.
Tuy nhiên, một số bộ thí nghiệm quang học được giới thiệu trong sách giáo khoa, giáo trình còn nhiều hạn chế khi sử dụng như các bộ thí nghiệm nghiên cứu hiện tượng khúc xạ, phản xạ. Đặc biệt, trong phần nghiên cứu cấu tạo của mắt, các tật của mắt và cách sửa tật cận thị, viễn thị thì không có bộ thí nghiệm nào cho phần này, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của quá trình dạy và học.
“Bộ thí nghiệm quang học đa năng dùng trong dạy học Vật lý ở THCS, THPT và CĐ, ĐH” ra đời trong hoàn cảnh này, sau tròn 20 năm ấp ủ cùng nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh, đưa ra sử dụng thử nghiệm ở các trường THCS và THPT trong tỉnh, rồi hoàn thiện sản phẩm. “Ban đầu, khó khăn mà chúng tôi gặp phải rất nhiều, từ khâu thiết kế, đặt mua nguyên vật liệu, chế tạo và đưa vào sử dụng thử nghiệm không thành công.
Kinh phí do bản thân bỏ ra khá lớn, các lần thử nghiệm không thành công mất khá nhiều công sức và tiền bạc nên có lúc tưởng chừng bỏ cuộc. Có những đêm khi mọi người trong gia đình đã ngủ hết, chỉ còn một mình làm việc đến 1 giờ đêm, mệt quá bị dao sắc cắt vào tay, máu chảy nhiều, không dám gọi ai, tự mình băng lại để làm tiếp cho kịp gửi sản phẩm sang Hàn Quốc tham dự triển lãm.
Những cố gắng đó cuối cùng đã được đền đáp khi sản phẩm đoạt giải cao, được các trường phổ thông sử dụng phản hồi rất tốt” – TS Nguyễn Viết Huy chia sẻ.
Điểm đặc biệt của sản phẩm này là chế tạo ra một số thiết bị thí nghiệm quang học chưa có ở Việt Nam, như mô hình 3D cấu tạo mắt người; bộ thí nghiệm biểu diễn tật cận thị, viễn thị và sửa tật cận thị, viễn thị; bộ thí nghiệm nghiên cứu định luật khúc xạ định tính và định lượng...
Với ưu điểm đa năng, gọn nhẹ, dễ dàng mang lên biểu diễn trên lớp hoặc làm thực hành trong phòng thí nghiệm, sản phẩm khoa học của nhà giáo quê lúa đã khắc phục tình trạng thiếu trang thiết bị dạy học môn Vật lý ở trường phổ thông, góp phần đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục...
Nặng lòng với nghiên cứu khoa học
Những năm công tác trong ngành Giáo dục, TS Nguyễn Viết Huy đã chủ trì, tham gia 7 đề tài nghiên cứu từ cấp cơ sở đến Nhà nước. Các giải thưởng mà anh mang về cho ngành Giáo dục địa phương vô cùng dày dặn. Nếu chỉ tính ở cấp toàn quốc, anh đã 7 lần được ghi danh. Nhưng khi nói về những thành quả của mình, TS Huy vẫn dành nhiều sự ưu ái và say mê nhất cho các công trình được ứng dụng trong ngành.
Cùng với công trình thiết kế, chế tạo mới và cải tiến các bộ thí nghiệm quang học trong dạy học Vật lý ở trường THCS, THPT và CĐ, ĐH, 2 đề tài khác được TS Nguyễn Viết Huy tâm huyết là “Giải pháp tích hợp văn học, nghệ thuật tạo hình và công nghệ nhằm phát triển nhận thức của trẻ thông qua các hiện tượng khoa học tự nhiên” và “Giải pháp hướng dẫn trẻ mầm non lứa tuổi 3 - 4, 4 - 5 và 5 - 6 tuổi, lồng ghép giáo dục tình cảm, đạo đức và bảo vệ môi trường”.
Cả 2 giải pháp này đều giành giải Nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Thái Bình; giải Ba và giải Nhất Hội thi Sáng tạo Khoa học & Kỹ thuật toàn quốc; đặc biệt là cùng được ghi danh trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam.
TS Nguyễn Viết Huy cho rằng: Tham gia công tác nghiên cứu, sáng tạo khoa học và trực tiếp đưa các sản phẩm nghiên cứu vào giảng dạy đem đến cho bản thân những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Trong vai trò của cán bộ quản lý ngành Giáo dục, những kinh nghiệm nghiên cứu, sáng tạo ngoài việc nâng cao trình độ chuyên môn, còn giúp gắn lý luận vào thực tiễn một cách có hiệu quả.
Bộ thí nghiệm được sử dụng tại một số cơ sở giáo dục tại Thái Bình, trong đó có Trường CĐ sư phạm Thái Bình, Trường THPT Chuyên Thái Bình, Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình)... Sản phẩm này cũng đoạt Huy chương Bạc Triển lãm sáng tạo Khoa học & Công nghệ Quốc tế năm 2018 tại Seoul, Hàn Quốc; giành giải Vàng Hiệp hội khoa học Hoàng gia Thái Lan; giải Ba hội thi Sáng tạo Khoa học & Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 13 năm 2014 - 2015; tốp 10 xuất sắc nhất chương trình Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam, năm 2016.
Đây cũng là đề tài khoa học duy nhất của tỉnh Thái Bình được ghi danh trong Sách Vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017.
Từ thực tiễn của bản thân, bài học thấm thía tôi nhận thấy, không phải gì khác mà chính là lòng tâm huyết với nghề, sự am hiểu sâu về chuyên môn của các nhà giáo sẽ giúp thực hiện thành công đổi mới giáo dục - TS Nguyễn Viết Huy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.