Ngày Nhà giáo Việt Nam: Ngậm ngùi nghe tâm sự giáo viên dạy nghề

Nguyệt Tạ Thứ sáu, ngày 20/11/2020 18:17 PM (GMT+7)
Nghề giáo là nghề cao quý, thế nhưng không phải thầy cô giáo nào cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn trong Ngày nhà giáo Việt Nam. Vẫn có những thầy cô dạy nghề ở vùng núi hiếm khi nghe được tiếng động viên, lời tri ân của học trò và xã hội, kể cả trong ngày đặc biệt, ngày 20/11 này.
Bình luận 0

Vừa dạy vừa dỗ

Là ngôi trường đào tạo ngành văn hóa nghệ thuật khu vực Tây Bắc, nhiều năm nay công việc tuyển sinh và đào tạo của thầy cô tại đây gặp nhiều khó khăn do đặc thù kinh tế - xã hội. Học sinh ở đây là người đồng bào dân tộc, học xong khó tìm được việc làm nên không muốn đi học.

Tại lớp học Sáo trúc, học sinh Tráng A Linh dân tộc Mông đến từ Xín Vàng, Bắc Yên, tỉnh Sơn La chia sẻ: Em vừa học năm cuối THCS thì được các thầy từ Trường Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc về tận bản để giới thiệu về ngành học, em rất thích và đã đăng ký về trường.

Cũng như các bạn khác, Linh vừa nhập học được hơn 1 tuần, mọi thứ ở đây đều rất mới mẻ với Linh. "Nếu không có sự giúp đỡ hỗ trợ của các thầy cô và bạn bè thì em cũng không thể theo học được. Chắc về với bố mẹ thôi" - Linh tâm sự.

Ngày 20/11:  Ngậm ngùi tâm sự của giáo viên dạy nghề - Ảnh 1.

Thầy Bùi Văn Hộ đang chỉ bảo cho học sinh.

TS Bùi Văn Hộ - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc cho biết, rất nhiều học sinh người dân tộc như Linh đi học rồi lại bỏ học. Hơn 90% học sinh ở trường là con em vùng đồng bào dân tộc. Mặc dù được hỗ trợ miễn phí tiền ăn, học, và ký túc xá nhưng vẫn khó níu chân các em.

"Nhiều em được chúng tôi đón xuống trường từ lúc mới có 13-14 tuổi, vừa tốt nghiệp THCS nên còn rất non nớt. Có những em lần đầu tiên xa nhà, xa bản, xuống học nhớ nhà chỉ muốn bỏ về. Những lúc như vậy vừa phải dạy, vừa phải dỗ" - thầy Hộ chia sẻ.

Nhiều năm gần đây nhu cầu tuyển nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc tăng lên nên trường đang tập trung tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành này. Tuy vậy việc tuyển sinh rất vất vả. Nhiều khi các thầy cô phải trèo đèo, lội suối, băng rừng đi cả ngày đường vào từng thôn bản tuyển sinh.

Thế nhưng, tuyển rồi, đưa các em về trường học không có nghĩa là xong. Nhiều em không trụ được lại bỏ học giữa chừng.

"Đó là chưa kể học nghệ thuật, các lớp đàn bầu, sáo trúc... đều phải học biệt lập trong những căn phòng kín được cách âm. Không gian chật chội, nóng bức nhiều hôm trời nóng học xong cả thầy và trò ướt đẫm mồ hôi" - thầy Hộ kể. 

Chưa được ghi nhận, tri ân xứng đáng 

Mặc dù thầy cô giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp rất vất vả nhưng chế độ phụ cấp lại chưa tương xứng. Thậm chí chính xã hội cũng chưa có những nhìn nhận, tri ân đúng mực với các thầy cô.

Thầy Nguyễn Văn Hạnh – giáo viên giảng dạy Thanh nhạc CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc cho biết, làm nghề giáo ở trường dân tộc, đóng chân trên địa bàn khó khăn, nhiều khi cả năm không biết đến ngày lễ tết là gì.

"Có những học sinh mới đầu xuống học, còn không  biết ngày 20/11 là ngày gì. Nhiều em học hết năm thứ 2 mới nghĩ tới việc chúc mừng thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam. Thế nhưng bỏ qua tất cả những vất vả, những khổ cực, chỉ cần các em vui vẻ, cố gắng học tập là chúng tôi đã thấy rất thành công và hạnh phúc rồi" - thầy Hạnh nói.

Ngày 20/11:  Ngậm ngùi tâm sự của giáo viên dạy nghề - Ảnh 2.

Kỷ niệm Ngày 20/11 nhiều thầy cô dạy GDNN ở vùng núi không có hoa cũng không có quà.

Thầy Bế Ngọc Tuấn - Phó hiệu trưởng cao đẳng nghề Bắc Kạn thì ngậm ngùi chia sẻ: Không như giáo dục phổ thông không cần phải chạy đôn đáo lo tuyển sinh mà lương và các chế độ đãi ngộ vẫn đầy đủ, với các thầy cô giáo dục nghề nghiệp, mùa tuyển sinh là mùa vô cùng vất vả.

"Như trường cao đẳng nghề Bắc Kạn chúng tôi, mỗi đợt đi tư vấn tuyển sinh là các thầy cô phải chia nhau đi các xã, lên tận thôn bản mời phụ huynh, học sinh, lãnh đạo xã, lãnh đạo trường trung học cơ sở, trung học phổ thông xuống thăm quan cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo của nhà trường. Thuê ô tô lên xã đón họ đi và đưa về tận nơi. Chi phí mỗi chuyến xe 3 – 4 triệu đồng/ngày. Ăn trưa cho các em học sinh 20.000 đồng/suất. Cán bộ xã, cán bộ trường 600.000 -700.000 đồng/mâm (cơm). Rất tốn kém và vất vả vậy mà có chuyến đi về không chẳng tuyển đươc em nào" - thầy Tuấn kể lại.

Đó là chưa kể tới các chế độ phụ cấp, đứng lớp của giáo viên phổ thông và giáo viên dạy nghề cũng rất khác biệt. Về đứng lớp, giáo viên giáo dục phổ thông chỉ lên lớp với giáo án thông thường thì hưởng phụ cấp 40% lương tối thiểu, còn giáo viên GDNN giờ đứng lớp là đứng trong xưởng thực hành cùng thiết bị, máy móc và HSSV, kể cả giờ học lý thuyết cũng gắn với nhà xưởng, điều kiện làm việc vất vả hơn, quanh năm lên lớp với quần áo bảo hộ lao động.

Nhà giáo GDNN mỗi tháng còn phải đi thực tế doanh nghiệp 1- 2 tuần để cập nhật kiến thức kỹ năng mới, rồi phải kết nối với doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp. Nhiều việc, vất vả như vậy nhưng phụ cấp đứng lớp chỉ 30%, thấp hơn giáo viên giáo dục phổ thông, vì thế họ rất thiệt thòi.

"Thậm chí ngay như trong ngày lễ, nhiều lãnh đạo cũng chỉ lui tới các trường phổ thông chứ ít khi tới chúc mừng các thầy cô giáo trường nghề. Điều này cũng có thể thấy tâm lý của xã hội còn chưa có sự ghi nhận xứng đáng cho công sức của các thầy cô giáo làm giáo dục nghề nghiệp" - thầy Tuấn nói.

Nhiều sự kiện kỷ niệm ngày Nhà giáo việt Nam

Sáng nay (20/11) Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội tổ chức lễ đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ đồng thời Tổng kết phong trào thi đua năm học 2019 – 2020 và Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhiều cá nhận đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chiều qua (19/11) Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Tấn Dũng chúc mừng các cán bộ và thầy cô giáo đang làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Tổng Cục GDNN nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH nhấn mạnh: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi sâu sắc đến nhiều khía cạnh của quá trình phát triển giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Các thành tựu của khoa học công nghệ sẽ làm thay đổi phương diện, công cụ, phương thức tương tác trong dạy học nhưng không có loại máy móc, phương thức gián tiếp nào có thể thay thế được vai trò của người thầy trong giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem